Chủ nhật, 24/11/2024 09:51 (GMT+7)
Thứ hai, 27/09/2021 08:22 (GMT+7)

Vì sao biển sợ nóng?

Theo dõi KTMT trên

Nhiệt độ nước lên cao làm giảm lượng khí oxy hòa tan trong nước, ảnh hưởng tới quá trình thay đổi tế bào của động thực vật. Đặc biệt, một số loài sinh vật có giá trị kinh tế bị giảm đi nhanh, dẫn đến phá vỡ môi trường sống trong vùng biển đó.

Năm 1969, nước Mỹ xây dựng một nhà máy điện nguyên tử trên bờ vịnh Bistan. Trước khi xây dựng nhà máy, thủy triều lên theo hướng Tây Nam và xuống theo hướng Đông Bắc. Nhưng sau khi nhà máy điện nguyên tử đi vào hoạt động, mỗi phút có hơn 2000 m3 nước làm mát xả ra biển khiến thủy triều ở bờ vịnh Bistan thay đổi theo hướng ngược lại.

Không những vậy, nước nóng do nhà máy xả ra đã làm cho khắp một vùng biển rộng lớn 60 ha vốn có nhiệt độ mặt nước 30 - 31 độ C tăng lên tới 33 - 35 độ C, trong đó có 10 - 12 ha mặt biển nhiệt độ lên tới 35 - 36 độ C. Xung quanh ống xả nước nóng nhiệt độ lên cao tới 40 độ C.

Nói chung có khoảng hơn 900 ha mặt biển bị nóng lên do nước xả của nhà máy điện nguyên tử. Trong khu vực 10 - 12 ha nóng nhất hầu như không tìm thấy bất kỳ loại động thực vật nào. Các loại tảo thường thấy như tảo xanh, tảo đỏ, tảo tím đều bị tuyệt diệt, chỉ còn sót lại loại tảo xanh lam.

Ở các vùng nước nóng khác, các loài động thực vật biển cũng giảm đi nhiều, nhất là vào mùa hè người ta thường thấy xác tôm và cua nhỏ chết nổi trên mặt nước.

Vì sao biển sợ nóng? - Ảnh 1
Nhiệt độ nước lên cao làm giảm lượng khí oxy hòa tan trong nước, ảnh hưởng tới quá trình thay đổi tế bào của động thực vật. (Ảnh: vntrip.vn)

Vì sao lại như vậy?

Ðó là vì nhiệt độ nước lên cao làm giảm lượng khí oxy hòa tan trong nước, ảnh hưởng tới quá trình thay đổi tế bào của động thực vật. Các sinh vật quen sống ở nước biển có nhiệt độ bình thường, khi nước biển nóng lên, chúng sẽ chết hoặc chạy trốn tới vùng nước khác mát hơn. Một số loại cá do nhiệt độ nước biển tăng cao đã không tìm được tới nơi đẻ trứng thích hợp hoặc bị nhầm lẫn thời gian và địa điểm nên không thực hiện được việc đẻ trứng di truyền nòi giống.

Nhiệt độ nước biển lên cao khiến các sinh vật thích ấm áp sinh sôi nảy nở nhanh chóng, trong khi đó các loại tôm, cá, trai, sò,... có giá trị kinh tế lại giảm đi nhanh, dẫn đến phá vỡ môi trường sống trong vùng biển đó. Những hiện tượng như vậy thường xảy ra khi nhiệt độ nước biển tăng lên trên 4 độ C so với mức bình thường và người ta gọi là sự ô nhiễm nóng. Trong thực tế có khi không cần nước nóng đến như vậy cũng đủ gây ra hiện tượng ô nhiễm nóng.

Ô nhiễm nóng chủ yếu là do các nguồn nước làm mát thiết bị, máy móc xả ra, trong đó chủ yếu là của ngành công nghiệp điện lực. Các ngành công nghiệp khác như luyện kim, hóa chất, dầu mỏ, cơ khí... cũng góp phần đáng kể gây ra ô nhiễm nóng, nhưng hậu quả của ngành công nghiệp điện lực là đáng lưu ý nhất. Hiện nay sản lượng điện của toàn thế giới mỗi năm tăng 7,2%, khoảng 10 năm sau sẽ tăng gấp đôi.

Ô nhiễm nóng biển đôi khi cũng mang lại lợi ích nhất định. Ví dụ về mùa đông nhiệt độ nước biển tăng lên giúp cho một số loài cá đỡ bị rét cóng. Nhưng xét cho cùng thì lợi ít hại nhiều. Vì vậy, nói chung vẫn nên tìm cách ngăn chặn hiện tượng này.

Ðã có những đề xuất dùng ống dẫn dài xả nước làm nguội máy ra vùng biển xa bờ, hoặc hút nước lạnh ở đáy biển để làm nguội máy. Những phương án này có hiệu quả hay không còn chờ thực tế trả lời.

Thùy Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao biển sợ nóng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới