Vì sao cafe chồn trở thành thức uống đắt nhất thế giới?
Không ít người cảm thấy bất ngờ khi biết cafe chồn thực chất làm từ phân của con chồn. Nghe có vẻ đáng sợ nhưng nó lại đang được đánh giá là thức uống thượng hạng, đắt đỏ hàng đầu thế giới.
Cafe chồn là gì?
Hạt cafe trên thế giới đa dạng với nhiều loại khác nhau. Mỗi loại sở hữu những tính chất và hương vị độc đáo riêng. Đối với cafe chồn, sự đặc biệt không chỉ nằm ở hương vị sau khi pha chế thành đồ uống mà còn là ở quá trình tạo thành hạt cafe chồn. Và đó cũng là một trong những lý do đưa hạt cafe chồn vào top những loại cafe đắt nhất thế giới.
Cafe chồn thực chất là cafe phân chồn. Khi ăn quả cafe, chồn hương nhả lớp vỏ bên ngoài, nuốt phần thịt và hạt bên trong. Chồn hương không tiêu hóa được hạt cafe nên sẽ thải ra ngoài.
Hạt cafe do chồn hương thải ra đã được lên men nhờ vào các enzym trong dạ dày chồn. Quá trình này khiến hạt cafe sau khi rang xong cứng và giòn hơn, ít protein. Khi pha thành đồ uống, độ đắng của cafe sẽ giảm đi, hương vị rất mạnh, đặc biệt thơm ngon hơn những loại cafe thông thường. Các enzym trong dạ dày chồn hương cũng phá vỡ cấu trúc hương khiến cafe dậy mùi và phản phất hương chocolate nồng nàn, cuốn hút.
Ít ai biết rằng, loại cafe đắt đỏ này có lịch sử lâu đời từ hàng trăm năm trước khi vào khoảng đầu thế kỉ 18, những người Hà Lan đã đem cây cafe du nhập vào các nước thuộc địa của họ trong đó có đảo Java và Sumatra của Indonesia.
Loại cafe đắt nhất thế giới
Đối với những tín đồ sành cafe thì Kopi Luwak của Indonesia với thương hiệu hàng trăm năm lịch sử ngon hơn và giá thành cũng vì thế mà cao hơn. 1 kg Kopi Luwak giá khoảng 20 triệu VNĐ và mỗi năm chỉ có khoảng 200 kg được bán ra thị trường thế giới.
Loại cafe này cũng được sản xuất ở Tây Nguyên, Việt Nam, và có tên gọi là cafe chồn. Quy trình sản xuất thì cũng tương tự như ở Indonesia.
Mặt khác, những người trong nghề cũng đã khẳng định cafe chồn Việt Nam được xếp vào hạng đắt đỏ nhất thế giới. Hãng cafe Trung Nguyên đã sản xuất ra thương hiệu cafe chồn Weasel coffee Trung Nguyen, với đơn giá 3000 USD/kg, cao hơn rất nhiều so với Kopi Luwak của Indonesia.
Tại Đà Lạt cũng xuất hiện một trang trại cafe chồn organic. Mỗi kg cafe chồn nơi đây được bán với giá khoảng 20 triệu/1 kg.
Các thương hiệu cafe chồn chính hiệu khác ở vùng Tây Nguyên cũng có giá trên dưới 10 triệu đồng/kg. Mỗi tách cafe chồn trên thị trường Việt Nam cũng như thế giới thường có giá từ 30 – 50 USD.
Sở dĩ, loại cafe này có giá thành đắt đỏ là bởi được thu gom từ phân chồn tự nhiên. Để cho ra đời sản phẩm thượng hạng, chất lượng hoàn hảo, quy trình sản xuất cũng phải qua nhiều khâu kiểm duyệt khắt khe. Cũng vì có mức giá cao nên tại Việt Nam, cafe chồn còn giới hạn về số lượng.
Minh Phương (T/h)