Chủ nhật, 24/11/2024 10:12 (GMT+7)
Thứ hai, 08/06/2020 14:25 (GMT+7)

Vì sao cảnh sát nhiều quốc gia vẫn tuần tra trên lưng ngựa?

Theo dõi KTMT trên

Ngày nay, với sự phát triển của các loại xe cơ giới, pháo, và súng máy, các đơn vị cảnh sát kỵ binh vẫn có chỗ đứng nhất định tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Vì sao cảnh sát nhiều quốc gia vẫn tuần tra trên lưng ngựa? - Ảnh 1
Cảnh sát trên lưng ngựa là cảnh tượng thường thấy tại quảng trường Times Square, thành phố New York.

Những lực lượng cảnh sát kỵ binh nổi tiếng trên thế giới

Trong lịch sử, kỵ binh là binh chủng sử dụng động vật cưỡi (chủ yếu là ngựa, nhưng có thể có thêm lạc đà, trâu v.v…) trong hoạt động tác chiến. Nhờ tính cơ động cao, suốt một thời gian rất dài, đây là lực lượng quan trọng trong hoạt động của mọi quốc gia.

Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhất là khi nền công nghiệp cơ khí cho ra đời các loại xe cơ giới, pháo, và súng máy, thì kỵ binh dần mất đi ưu thế của mình.

Có thể nói, kể từ sau năm 1950, vai trò của kỵ binh chỉ còn dừng lại ở công tác vận tải, tuần tra, và nghi lễ. Tuy nhiên, với hoạt động của lực lượng cảnh sát, thì kỵ binh lại vẫn có chỗ đứng nhất định ở nhiều quốc gia.

Tại Anh, cảnh sát kỵ binh London được thành lập từ năm 1760, và là đơn vị lâu đời nhất của Cảnh sát đô thành London (London Metropolitan Police). Đơn vị này có quân số khoảng 135 người, và thường hoạt động theo nhóm gồm 10 cảnh sát viên, 01 trung sĩ, và 01 thanh tra (chỉ huy).

Trong khối thịnh vượng chung Anh, cũng có nhiều lực lượng cảnh sát kỵ binh với qui mô nhỏ hơn, như Cảnh sát Hoàng gia Canada có một đơn vị kỵ binh nhỏ với 36 con ngựa, Cảnh sát tiểu bang New South Wales (Úc) có khoảng 38 con ngựa.

Vì sao cảnh sát nhiều quốc gia vẫn tuần tra trên lưng ngựa? - Ảnh 2
Một sĩ quan cảnh sát tuần tra trên lưng ngựa tại London (Anh).

Ở Mỹ, lực lượng tuần tra biên giới Hoa Kỳ sử dụng khoảng 200 con ngựa trong thực hiện nhiệm vụ dọc theo biên giới Mỹ - Mexico. Thành phố New York sở hữu đơn vị cảnh sát kỵ binh lớn nhất nước Mỹ, nhưng đã giảm từ 130 người và 125 con ngựa, chỉ còn 55 con ngựa vào năm 2016.

Cảnh sát kỵ binh cũng đã được duy trì từ thời kì Liên Xô ở Nga. Đặc biệt, tại các khu vực của người Cossack các đơn vị cảnh sát kỵ binh được sử dụng rộng rãi, như một phần của lực lượng bán quân sự Cossack.

Lực lượng cảnh sát kỵ binh được sử dụng vào nhiệm vụ nào?

Hiện lực lượng cảnh sát kỵ binh, chủ yếu sử dụng ngựa để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng như tuần tra biên giới trên bộ. Đa phần đường biên là những khu vực có địa hình rừng núi phức tạp, gây khó khăn cho hoạt động của xe cơ giới. Song song với việc tuần tra biên giới, cảnh sát kỵ binh còn có thể được sử dụng trong nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn tại các khu vực rừng núi. Bên cạnh đó, có thể mang được rất nhiều nhu yếu phẩm và có thể hỗ trợ tìm kiếm trong một thời gian dài, ngay cả trên những địa hình mà xe cảnh sát không thể tới được.

Ở các đô thị, lực lượng cảnh sát kỵ binh có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đám đông, và chống bạo động. Trước hết, chiều cao của cảnh sát kỵ binh vượt lên khỏi đám đông trên đường phố, cho phép quan sát một khu vực rộng lớn hơn.

Vì sao cảnh sát nhiều quốc gia vẫn tuần tra trên lưng ngựa? - Ảnh 3
Chiều cao vượt trội của ngựa giúp cảnh sát có tầm nhìn tốt.

Thực tế tác nghiệp cũng chứng minh, với sự hỗ trợ của những chú ngựa, các lực lượng tuần tra dễ dàng phân tán các đám đông, đặc biệt là những đám đông tụ tập gây ồn ào trong các dịp lễ hội, đá bóng… Tại Anh, chỉ cần 3-4 cảnh sát cưỡi ngựa là dễ dàng giải tán những đám đông mà hàng chục cảnh sát chống bạo động vũ trang đầy đủ cũng không làm được.

Đặc biệt những kẻ quá khích thường không ngần ngại đập phá ô tô hay xe máy của lực lượng chức năng trong những cuộc bạo động, nhưng làm điều tương tự với một sinh vật cỡ lớn lại khiến họ e dè. Một chú ngựa bị kích động bản năng tự vệ có thể dễ dàng hạ gục ngay cả những người khỏe mạnh nhất.

Một ưu thế khác của lực lượng kỵ binh đó là kỵ mã không gây ô nhiễm môi trường hay ồn ào, tắc đường, nên có thể sử dụng ở cả những khu vực đặc biệt.

Vì sao cảnh sát nhiều quốc gia vẫn tuần tra trên lưng ngựa? - Ảnh 4
Cảnh sát kỵ binh Canada diễu hành trên đường phố.

Ở hầu hết mọi quốc gia, ngựa luôn là một phần lịch sử. Việc trang bị cho lực lượng tuần tra loại phương tiện sinh học này sẽ giúp những đô thị cổ kính càng phát huy vẻ đẹp, đem lại nhiều lợi ích về du lịch và văn hóa.

Nhưng có lẽ tác dụng quan trọng nhất của lực lượng cảnh kỵ được cho là nằm ở việc gây dựng mối quan hệ thân thiết giữa cảnh sát và quần chúng. Một cảnh sát kỵ binh quận New Castle, bang Delaware cho biết người dân một số khu vực không thích ra ngoài giao lưu với cảnh sát vì sợ bị coi là "kẻ xì đểu", nhưng họ sẽ lại gần vuốt ve con ngựa, từ đó chia sẻ thông tin về các vụ xả súng, án mạng, mua bán ma túy...

Sáng 8/6, đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) làm lễ ra mắt và diễu hành trước tòa nhà Quốc hội.

Trung đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh được thành lập từ đầu năm 2020 và đang trong quá trình xây dựng. Trong tương lai, đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh sẽ phục vụ vào các hoạt động diễu binh diễu hành, tuần tra kiểm soát, thực hiện nhiệm vụ giải tán đám đông, truy bắt tội phạm nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực đồi núi hiểm trở...

Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh nằm trong khuôn viên có diện tích khoảng 4ha, bao gồm cả khu nhà điều hành, ăn ở, sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ, khu chuồng trại, bãi chăn thả, huấn luyện…

Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh nằm trong khuôn viên có diện tích khoảng 4ha, bao gồm cả khu nhà điều hành, ăn ở, sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ, khu chuồng trại, bãi chăn thả, huấn luyện…

Để phục vụ công tác huấn luyện, hiện 70 cán bộ, chiến sỹ của Trung đoàn đang tập trung thuần dưỡng, huấn luyện trên 100 con ngựa.

Giống ngựa được đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh sử dụng hiện nay là giống ngựa Mông Cổ nhập khẩu. Giống ngựa này có kích thước khá nhỏ, chiều cao thấp, lông mượt.

So với ngựa Châu Âu to lớn, ngựa Mông Cổ chạy nhanh hơn, ăn ít hơn, trọng tâm cũng thấp hơn, giúp người cưỡi dễ dàng giữ thăng bằng.

Vì sao cảnh sát nhiều quốc gia vẫn tuần tra trên lưng ngựa? - Ảnh 5
Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh làm lễ ra mắt và diễu hành trước tòa nhà Quốc hội sáng 8/6. (Ảnh: TTXVN)

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Vì sao cảnh sát nhiều quốc gia vẫn tuần tra trên lưng ngựa?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới