Chủ nhật, 24/11/2024 08:40 (GMT+7)
Thứ năm, 01/08/2024 10:56 (GMT+7)

Vì sao cổ phiếu thép vẫn lao dốc dù "ông lớn" ngành báo lãi lớn quý II?

Theo dõi KTMT trên

Sáng nay 1/8, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh. Đáng chú ý là các cổ phiếu thép như NKG,HSG; VGS... hay TVN đều lao dốc.

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay 1/8, VN-Index vẫn lao dốc, dừng ngưỡng 1.251 điểm. Đáng chú ý là các cổ phiếu nhóm thép như NKG, HSG, VGS hay TVN đều lao dốc mạnh ở phiên hôm nay. HPG phục hồi nhưng ở mức chậm. Ngày 31/7, cổ phiếu ngành thép cũng ghi nhận mức sụt giảm sâu: HPG (-2,5%), HSG (-4,8%), NKG (-3,8%), VGS (-6%), đặc biệt TLH giảm kịch biên độ (-6,95%).

Vì sao cổ phiếu thép vẫn lao dốc dù "ông lớn" ngành báo lãi lớn quý II? - Ảnh 1
Vì sao cổ phiếu thép vẫn lao dốc dù "ông lớn" ngành báo lãi lớn quý II? - Ảnh 2

Cổ phiếu ngành thép vẫn không thể phục hồi dù ông lớn Hòa Phát (HPG) đã báo lãi cao nhất 3 năm. Theo đó, HPG có doanh thu khoảng 39.936 tỷ đồng, tăng 34% so với quý II/2023. Đây là con số cao nhất trong ba năm gần đây.

Kỳ này, biên lãi gộp cải thiện từ mức 10,8% lên 13,2%. Song song đó, công ty tiết giảm được 21% chi phí tài chính, chỉ tốn khoảng 1.065 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay sụt đến 45% về còn 564 tỷ trong quý II.

Tổng lại, HPG ghi nhận lợi nhuận sau thuế 3.320 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ. Đây là mức lãi cao nhất mà doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long có được kể từ quý III/2022.

Vì sao cổ phiếu thép vẫn lao dốc dù "ông lớn" ngành báo lãi lớn quý II? - Ảnh 3
Lợi nhuận của Hoà Phát trong các quý gần đây.

Thị trường chịu nhiều áp lực

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2024, Việt Nam nhập khẩu 886.000 tấn thép cuộn cán nóng (HCR), bằng 151% sản xuất trong nước, trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 77%.

Tính chung 6 tháng năm 2024, sản lượng thép HRC nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại là từ Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác.

Vì sao cổ phiếu thép vẫn lao dốc dù "ông lớn" ngành báo lãi lớn quý II? - Ảnh 4
Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh.

Kim ngạch nhập khẩu thép HRC 6 tháng năm 2024 đạt 3,46 tỷ USD, riêng Trung Quốc chiếm 2,5 tỷ USD. Sản phẩm thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc có giá bình quân 560 USD/tấn, thấp hơn các quốc gia khác 45 - 108 USD/tấn.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nhu cầu thép HRC tại Việt Nam khoảng 12-13 triệu tấn/năm. Công suất của các nhà máy sản xuất thép HRC trong nước hiện khoảng 9 triệu tấn. Việc thép nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam, sản lượng nhập khẩu có thời điểm gần 200% sản xuất trong nước khiến thị phần bán hàng thép HCR của doanh nghiệp mất vào tay hàng nhập khẩu. Thị phần bán hàng thép HRC của doanh nghiệp trong nước như Hòa Phát và Formosa giảm từ mức 42% năm 2021 xuống 30% vào 2023.

Như vậy, ngành thép đang gặp khó khăn khi vừa chịu áp lực từ thép cuộn cán nóng nhập khẩu tràn lan từ Trung Quốc, vừa chịu áp lực điều tra chống bán phá giá tại thị trường EC.

Vẫn là cổ phiếu triển vọng trong thời gian tới

Theo nhận định các công ty chứng khoán, ngành vật liệu xây dựng nói chung và ngành thép nói riêng cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn và đang chờ động lực để chuyển mình. Lý do chủ yếu là nhờ nhờ sự hồi phục của ngành bất động sản nội địa, với số lượng dự án mới được cấp phép gia tăng và Luật Bất động sản sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ 1/8/2024.

Trong báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm 2024, Chứng khoán MB (MBS) dự báo lợi nhuận ngành thép sẽ tăng trưởng 40% vào năm 2024 nhờ các yếu tố: Doanh thu dự kiến phục hồi 25% nhờ sản lượng và giá bán tăng trưởng lần lượt 9% và 8%, trong bối cảnh nguồn cung nhà ở và cơ sở hạ tầng tăng; biên lợi nhuận gộp phục hồi lên 13% (so với khoảng 8% năm 2023) nhờ giá đầu ra tăng 8% so với cùng kỳ và nguyên liệu (quặng, than) giảm khoảng 4% do nguồn cung ổn định; và tỷ lệ dự phòng giảm do giá đầu ra tăng và chi phí tài chính giảm 30% trong bối cảnh áp lực tỷ giá và chi phí lãi vay hạ nhiệt.

Bên cạnh đó, động lực tăng điểm của nhóm thép còn đến từ kỳ vọng sản lượng tiêu thụ nội địa phục hồi nửa cuối năm 2024.

Theo Chứng khoán KBSV, nhận định khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất thép nội địa sẽ được cải thiện so với cùng kỳ nhờ chênh lệch giá bán thép xây dựng trong nước so với thép nhập khẩu đã giảm đáng kể so với năm 2023 và vẫn đang tiếp diễn xu hướng giảm. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào suy giảm trong 6 tháng đầu năm 2024 sẽ tạo dư địa để các nhà sản xuất điều chỉnh giá bán nhằm đảm bảo sản lượng tiêu thụ.

Ngoài ra, đội ngũ phân tích dự đoán giá thép trong nước sẽ được hỗ trợ từ việc giá thép Trung Quốc có xu hướng giảm từ đầu năm do triển vọng tiêu thụ thấp. Thêm vào đó, giá nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng giảm từ đầu năm 2025 sẽ giúp biên lãi gộp của các doanh nghiệp sản xuất thép được cải thiện trong các quý tới.

“Ngành thép có triển vọng tăng trưởng tích cực với định giá P/B trượt ở vùng hợp lý. Nhìn rộng hơn, ngành thép cho thấy nhiều triển vọng tăng trưởng tích cực trong giai đoạn 2025-2027 nhờ nhu cầu nội địa hồi phục từ nửa sau 2024; triển vọng sản lượng tiêu thụ gia tăng khi các nhà máy mới đi vào hoạt động cũng như ngành thép bắt đầu chu kỳ giá mới khi thị trường bất động sản Trung Quốc bắt đầu hồi phục chậm từ 2025 trở đi", báo cáo Chứng khoán KBSV nêu.Theo báo cáo tài chính vừa được Hoà Phát công bố cuối giờ chiều nay, doanh thu và lợi nhuận của “ông lớn” này đều tăng mạnh so với mức nền thấp cùng kỳ; đồng thời, cũng cao hơn đáng kể con số đạt được quý liền trước.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Vì sao cổ phiếu thép vẫn lao dốc dù "ông lớn" ngành báo lãi lớn quý II?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới