Chủ nhật, 24/11/2024 07:47 (GMT+7)
Thứ tư, 05/02/2020 17:03 (GMT+7)

Vì sao cổ phiếu Vicostone giảm mạnh dù kinh doanh vẫn lãi nghìn tỉ?

Theo dõi KTMT trên

Sau khi báo lãi 1.410 tỉ đồng trong năm 2019, Công ty cổ phần Vicostone (mã: VCS) thông báo sẽ tạm ứng cổ tức 20% bằng tiền mặt. Mặc dù hoạt động kinh doanh tăng trưởng tích cực, nhưng cổ phiếu VCS liên tục giảm sâu khiến tài khoản của nhiều nhà đầu tư "bốc hơi"...

Chia cổ tức hậu hĩnh tới 60%

Ngày 24/2 tới đây, Vicostone sẽ chốt danh sách cổ đông để thực hiện chi tạm ứng cổ tức đợt 3/2019. Tỷ lệ cổ tức là 20% bằng tiền, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 2.000 đồng. Công ty sẽ thanh toán cổ tức vào ngày 31/3/2020. Với 160 triệu cổ phiếu VCS đang lưu hành, tổng số tiền tạm ứng cổ tức lên tới 320 tỉ đồng. tạm ứng cổ tức lần này cho cổ đông.

Cùng với 2 đợt tạm ứng cổ tức năm 2019 trước đó, tổng cổ tức mà cổ đông Vicostone được nhận lên tới 60% bằng tiền mặt và là một trong những doanh nghiệp niêm yết trả cổ tức cao hàng năm.

Vì sao cổ phiếu Vicostone giảm mạnh dù kinh doanh vẫn lãi nghìn tỉ? - Ảnh 1
Vicostone ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 1.410 tỉ đồng, tăng 25,5% so với năm trước.

Cùng với đó, Vicostone cũng chốt danh sách cổ đông tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 dự kiến diễn ra vào ngày 31/3.

Chính sách cổ tức cao được Vicostone duy trì nhiều năm qua nhờ hoạt động kinh doanh tăng trưởng tích cực. Cụ thể, năm 2019, tổng doanh thu thuần của Vicostone đạt 5.563 tỉ đồng, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm trước, nhưng chỉ hoàn thành gần 84% kế hoạch năm. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 1.653 tỉ đồng, mới hoàn thành gần 84% kế hoạch năm và lợi nhuận sau thuế đạt 1.410 tỉ đồng, tăng 25,5%.

Trong năm qua, chi phí tài chính của Vicostone giảm 2,6%, trong khi chi phí bán hàng tăng mạnh 54,2%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 35,4%, khiến cho lợi nhuận bị ảnh hưởng đạt thấp hơn kỳ vọng.

Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2019 của "ông lớn" ngành đá nhân tạo gốc thạch anh này đều ở mức rất cao, lần lượt 25,3% và 40,9%. Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp ROA của Vicostone ở mức trên 20% và ROE ở mức trên 40%.

Cổ phiếu VCS liên tục lao dốc giảm 54%

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VCS lại diến biến tiêu cực khi liên tục lao dốc bất chấp kết quả kinh doanh vẫn báo lãi lớn nghìn tỉ. Đến ngày 5/2, cổ phiếu VCS hiện giao dịch ở mức giá 64.000 đồng/CP, giảm gần 40% trong vòng 4 tháng qua. Mức giá hiện tại cũng đã mất tới 54% so với đỉnh giá kỷ lục 140.000 đồng/CP mà VCS xác lập hồi năm 2018. Nếu tính trong 3 tháng qua, cổ phiếu này đã giảm giá tới 33%, khiến vốn hóa thị trường bị "bốc hơi" khoảng 6.000 tỉ đồng. Và trong gần 2 năm cổ phiếu lao dốc "không phanh", vốn hoá thị trường của Vicostone đã "bốc hơi" tới 12.160 tỉ đồng.

Điều gì đã khiến cổ phiếu VCS biến động mạnh trong xu hướng giảm sâu như vậy và thực chất sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp này ra sao?

Trong giai đoạn 2016-2018, Vicostone đã liên tục thực hiện phát hành tăng vốn "khủng" từ mức 600 tỉ đồng lên tới 1.600 tỉ đồng, khiến cho lượng cổ phiếu niêm yết và lưu hành trên thị trường lớn hơn, cũng khiến cho nhà đầu tư e ngại. Đây cũng là khoảng thời gian cổ phiếu VCS bất ngờ tăng rất mạnh trên sàn chứng khoán, từ mức 18.000 đồng/CP lên tới đỉnh 140.000 đồng/CP, tức tăng gấp 7,8 lần... Thanh khoản giao dịch tăng đột biến dù trước đó, lượng giao dịch rất thấp, ít được nhà đầu tư quan tâm.

Được biết, Chủ tịch Vicostone Hồ Xuân Năng đã nắm sở hữu hơn 123 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ chi phối 77% vốn doanh nghiệp. Sau các đợt tăng vốn, công ty mẹ - Công ty cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A đã nắm 81,16% vốn Vicostone, tương ứng giá trị hơn 1.306 tỉ đồng (tính theo mệnh giá cổ phần). Sau khi tăng vốn thành công và cổ phiếu VCS xác lập đỉnh, cổ phiếu đã nhanh chóng đảo chiều giảm mạnh bất chấp kết quả kinh doanh vẫn báo lãi lớn.

Việc tăng giá bất thường và giảm sâu của VCS cũng làm dấy lên nghi vấn "thao túng, làm giá" chứng khoán trước kế hoạch phát hành cổ phiếu "thần tốc" để huy động vốn lớn này? Ai đã và đang bán ra ròng rã hàng triệu cổ phiếu VCS trong 2 năm qua để thu nghìn tỉ thật, còn bên mua nào sẵn sàng chi tiền lớn để mua vào cổ phiếu này trong xu hướng giảm sâu?

Xét về tình hình tài chính, báo cáo quý 4/2019 cho thấy, vốn chủ sở hữu của Vicostone là hơn 3.448 tỉ đồng, trong đó, lợi nhuận chưa phân phối còn hơn 1.741 tỉ đồng.

Việc tăng vốn của Vicostone được thực hiện trong bối cảnh tình hình công nợ tăng cao với tổng nợ phải trả đến cuối năm 2019 là hơn 2.135 tỉ đồng, tăng 27,6% so với đầu năm, trong đó nợ ngắn hạn chiếm tới 88%, tương ứng hơn 1.882 tỉ đồng. Công ty vẫn duy trì lượng nợ vay và thuê tài chính tới 1.670 tỉ đồng. Số tiền chi trả nợ gốc vay trong năm qua lên tới hơn 2.124 tỉ đồng...

Bên cạnh đó, Vicostone đã duy trì hàng tồn kho luôn ở mức cao hàng nghìn tỉ đồng. Giá trị hàng tồn kho tại thời điểm cuối năm 2019 lên tới hơn 1.918 tỉ đồng. Do đó, nhà đầu tư cũng hoài nghi những "thủ thuật" tài chính có thể khiến số liệu trên báo cáo không phản ánh đúng "sức khoẻ" của doanh nghiệp và rủi ro cổ phiếu giảm mạnh.

Trong quý 3/2019, Công ty cổ phần Chứng khoán Đại Nam nhận định Vicostone sẽ được hưởng lợi từ cuộc thương chiến Mỹ -Trung diễn ra căng thẳng, các sản phẩm đá tấm thạch anh Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá 265,81% - 336,69% và thuế chống trợ cấp 45,32% - 190,99%. Đá tấm thạch anh Trung Quốc hiện tại có mức giá khoảng 280 USD/m2 cao gấp 3 lần so với lúc chưa bị đánh thuế. Bên cạnh đó, mức thuế nhập khẩu đá cũng tăng lên 30% từ đầu tháng 10/2019, khiến cho giá sau đánh thuế cao gấp 2 lần so với sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia khác sang Mỹ. Vì vậy, Vicostone có thể tận dụng khoảng trống thị trường tại Mỹ này để tăng doanh số bán ra. Theo số liệu từ Trademap riêng trong tháng 7 tổng giá trị sản phẩm đá thạch anh nhân tạo xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng vọt từ 14 triệu USD của các tháng trước đó lên 23,3 triệu USD.

Trong dài hạn, Vicostone có thể tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2020 nếu các nhà sản xuất của Ấn Độ bị áp thuế phá giá/trợ cấp với mức cao trong cuộc chiến giành thị phần với đối thủ Trung Quốc. Hiện Ấn Độ đang phải đối mặt với các vụ kiện với Cambria do bị cáo buộc bán phá giá đá tấm thạch anh tại Mỹ với biên độ phá giá là 323,12%.

Nhật My

Bạn đang đọc bài viết Vì sao cổ phiếu Vicostone giảm mạnh dù kinh doanh vẫn lãi nghìn tỉ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới