Vì sao dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ khó về đích đúng tiến độ?
Theo kế hoạch, Dự án trọng điểm cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ hoàn thành trong năm 2023. Vậy nhưng, do nhiều vướng mắc hiện dự án này vẫn chưa đạt 50% khối lượng sau gần 20 tháng triển khai thi công.
Dự án chậm do vướng giải phóng mặt bằng
Cao tốc TP. HCM – Cần Thơ là tuyến đường tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đây là tuyến đường được Chính phủ đặc biệt quan tâm đầu tư. Một trong những thành phần quan trọng của tuyến đường này là Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, đây được coi là huyết mạch, cửa ngõ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nối với TP. HCM, các tỉnh Đông Nam Bộ, các khu kinh tế trọng điểm trong cả nước bằng đường bộ.
Sau khi được khởi công, Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ đã không đạt được tiến độ như kỳ vọng, theo thống kê, sau gần 20 tháng thi công, tuyến cao tốc này vẫn chưa đạt 50% khối lượng. Trước tình hình này, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải liên tục đi hiện trường yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thực hiện các giải pháp để đưa cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ phải về đích đúng kế hoạch.
Để thúc đẩy tiến độ dự án, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ vừa ra văn bản phê bình các nhà thầu để chậm tiến độ; trong đó yêu cầu các nhà thầu cam kết có các mốc tiến độ rõ ràng. Tuy nhiên, đại diện Ban Mỹ Thuận cho hay, dự án bị chậm tiến độ ngoài những yếu tố từ các nhà thầu còn có một số nguyên nhân khách quan mang lại. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ mà các nhà thầu đưa ra là do mặt bằng bàn giao chậm.
Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ khởi công đầu năm 2021, dài gần 23km, vốn đầu tư 4.800 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của dự án quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, bề rộng cầu 17,5m, vận tốc 80 km/h. Cao tốc dự tính hoàn thành năm 2022, đưa vào khai thác toàn bộ giai đoạn 1 trong năm 2023. Giai đoạn hoàn chỉnh cao tốc được thiết kế 100 km/h với 6 làn xe, bề rộng nền đường 32m.
Theo ông Nguyễn Văn Lượng, đại diện Tổng công ty 36 cho biết, việc chậm bàn giao mặt bằng đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công của nhà thầu. Đơn cử tại hạng mục nút giao cầu Chà Và, đến ngày 15/3/2022 nhà thầu mới được bàn giao mặt bằng để tiến hành thi công, do đó hạng mục chậm khoảng 14 tháng so với thời điểm khởi công dự án. Bên cạnh đó, đến thời điểm này một số công trình hạ tầng trên tuyến tại nút Chà Và vẫn chưa xử lý để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu như đường dây điện trung thế, hệ thống cáp quang... ảnh hưởng trực tiếp đến thi công cắm bấc thấm.
Cũng liên quan đến chậm bàn giao mặt bằng, đại diện Công ty Xây dựng Đèo Cả chia sẻ, nhà thầu đã huy động thiết bị và nhân công ở các vị trí có thể triển khai thi công được sau khi đền bù, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có biên bản bàn giao chính thức từ chủ đầu tư để nhà thầu có cơ sở thực hiện.
Công ty Xây dựng Đèo Cả cũng cho biết, mặt bằng bàn giao cho hạng mục thi công nút giao Đường tỉnh 908 không đủ bề rộng mặt cắt ngang theo thiết kế, dẫn đến không thể thi công đồng bộ. Cụ thể, nhánh N1, nhánh N2 thiếu bề rộng nền từ 4 – 6m ngang, nhánh A, B, C, D và đảo giao thông A, B điều chỉnh lại hướng tuyến. Đến ngày 30/8/2022, cũng là ngày nhà thầu bị phê bình chậm tiến độ, liên danh nhà thầu mới nhận được giấy mời của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận về việc bàn giao mặt bằng phần mở rộng bổ sung cho gói thầu này, bàn giao chậm 18 tháng so với 24 tháng theo tiến độ hợp đồng.
Trước đó, ngày 12/7/2022, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long về tiến độ thi công dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết địa phương rất tập trung để xử lý dứt điểm giải phóng mặt bằng và cam kết tháng 7 sẽ giải quyết dứt điểm vướng mắc mặt bằng dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Kho khăn về nguồn cát
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài gần 23 km. Thời điểm này, dự án cần khoảng 300.000 - 400.000 m3 cát đắp gia tải, tương đương từ 12.000 - 15.000 m3 mỗi ngày. Do khó khăn về nguồn cung nên mỗi ngày dự án mới chỉ đắp được từ 5.000 - 7.000 m3 cát.
Ông Nguyễn Minh Khiêm, Chỉ huy trưởng gói thầu XL 03, Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cho biết: “Cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 2 tỉnh có nguồn cát đáp ứng được các chỉ tiêu để thi công là tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp. Vì vậy có thể nói nguồn cát phục vụ cho các dự án giao thông là rất khó khăn. Về tiến độ khối lượng, theo yêu cầu mỗi ngày cần khoảng 8.000 – 10.000m3 cát tùy thời điểm. Tuy nhiên, hiện chỉ khai thác được từ 2.000 – 3.000m3, là khối lượng lớn nhất ngày nên chưa đáp ứng được tiến độ. Nếu không giải quyết được nguồn cát thì tiến độ gói thầu sẽ ảnh hưởng và ít nhất sẽ chậm khoảng 4 - 6 tháng”.
Còn theo đại diện Tổng công ty 36 cho hay đơn vị đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ để bù đắp thời gian bị chậm bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên lượng cát nhận được mỗi ngày trung bình chỉ từ 2.000 - 3.000 khối khiến việc thi công đang bị chậm và đến thời điểm này nhà thầu đã hết khối lượng được phân bổ tại mỏ vật liệu xây dựng Đồng Tháp nên gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh khan hiếm cát, việc các nguyên vật liệu thi công tăng giá đột biến cũng khiến các nhà thầu thi công điêu đứng. Hiện nay giá cả thị trường của vật liệu đã tăng gấp 2 đến 3 lần so với đơn giá trúng thầu, trong khi đó chỉ số bù giá tạm tính chỉ khoảng từ 12% - 16% theo chỉ số giá của tỉnh Đồng Tháp.
Bên cạnh đó, đến thời điểm này tỉnh Vĩnh Long vẫn chưa xây dựng chỉ số giá cho năm 2021 và 2022, chỉ số giá vật liệu của tỉnh mới công bố đến hết năm 2020 gây khó khăn trong việc bù giá thi công cho các nhà thầu. Nhà thầu đang tạm áp dụng 80% theo chỉ số giá của tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên chỉ số bù giá tạm áp dụng vẫn chưa phản ánh kịp thời và phù hơp với sự biến động giá cả thị trường.
Cụ thể, giá vật liệu chính là cát K95 theo hợp đồng khoảng 125.000 đồng/m3, trong khi trong quá trình triển khai nhà thầu phải mua vật liệu cát với giá dao động 180.000 – 200.000 đồng/m3 tùy theo thời điểm và lý trình thi công.
Như vậy tạm tính với mỗi m3 cát mua về nhà thầu chịu thiệt hại 50-60% đơn giá. Giá nhiên liệu dầu diezel tăng hơn gấp 2 lần so với thời điểm ký hợp đồng cùng gây thiệt hại lớn đến vấn đề tài chính của nhà thầu trong việc triển khai.
Ông Nguyễn Minh Khiêm, Chỉ huy trưởng gói thầu XL03 chỉ rõ, nguồn cung vật liệu không đáp ứng đủ nhu cầu thi công, mặt bằng bàn giao chậm hơn 1 năm, bàn giao xôi đỗ, có một số vị trí không đủ mặt cắt ngang chưa đáp ứng thi công, vướng đường dây điện 500 KVA dẫn đến phải thay đổi lại giải pháp xử lý nền đất yếu đến nay chưa được phê duyệt bổ sung… Điều này ảnh hưởng rất lớn đến thi công đồng bộ tại nút giao này.
Theo Bộ Xây dựng, giá các loại vật liệu xây dựng như thép, nhựa đường, xi măng, cát, đá, gạch... sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm do ảnh hưởng tăng giá từ thị trường nguyên liệu nhập khẩu, chi phí khai thác, sản xuất trong nước tăng. Hơn nữa, những tháng cuối năm là mùa xây dựng nên nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng sẽ cao hơn.
Các chuyên gia giao thông đánh giá, nhiều yếu tố khách quan đang bủa vây khiến tình hình các nhà thầu hết sức khó khăn. Trong bối cảnh hiện nay, các nhà thầu không chỉ đối mặt với áp lực về tiến độ, chất lượng mà còn cả chuyện khan hiếm vật liệu và “bão giá”. Vì thế, ngoài cố gắng, nỗ lực của nhà đầu tư, nhà thầu thì rất cần sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ, các ban, ngành trong việc ra quyết định chỉ đạo kịp thời để gỡ vướng cho các dự án đang thi công.
Thư Anh t/h