Chủ nhật, 24/11/2024 06:26 (GMT+7)
Thứ sáu, 28/02/2020 15:00 (GMT+7)

Vì sao hàng loạt doanh nghiệp thuộc 'Siêu ủy ban' kêu cứu?

Theo dõi KTMT trên

Sau khi 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển giao về Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước (UBQLV), hàng loạt doanh nghiệp "than khó" khi phát sinh vướng mắc, bị cạn nguồn vốn đầu tư, thậm chí có thể phải dừng hoạt động.

Đường sắt, sân bay đối mặt nguy cơ đóng cửa

Mới đây, ông Vũ Anh Minh Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, doanh nghiệp này chưa thể trả lương cho 11.000 lao động kể từ đầu năm đến nay và có thể phải dừng chạy tàu. Theo vị chủ tịch này, kể từ khi quyền đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp này được chuyển từ Bộ GTVT sang "siêu ủy ban" (tháng 11/2018) tới nay, VNR gặp nhiều khó khăn trong quản lý, thiếu nguồn tài chính để bảo trì hạ tầng đường sắt.

Trước đây, khi còn thuộc Bộ GTVT, từ tháng 11 đến tháng 12 của năm trước, Bộ GTVT đã giao dự toán ngân sách để duy tu đường sắt cho VNR. Từ đó, VNR ký hợp đồng đặt hàng công việc năm tiếp theo cho 20 công ty thành viên. Tuy nhiên, sau khi chuyển về UBQLV, năm 2020, nguồn tiền duy tu, bảo dưỡng hạ tầng đường sắt từ ngân sách nhà nước không được chuyển về VNR nữa do tổng công ty không còn thuộc Bộ GTVT. Do đó, từ ngày 1/1/2020, 20 doanh nghiệp công ích thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam không được ký kết hợp đồng, khiến cho trên 1 vạn người không có tiền lương, nhiều hoạt động đảm bảo an toàn chạy tàu bị ảnh hưởng.

Vì sao hàng loạt doanh nghiệp thuộc 'Siêu ủy ban' kêu cứu? - Ảnh 1
Sau khi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn của Nhà nước, doanh nghiệp đã không được chuyển nguồn tiền để phục vụ việc bảo trì hạ tầng đường sắt.

Theo ông Vũ Anh Minh, mỗi tháng, 20 công ty thành viên của VNR cần 200 tỉ đồng để đảm bảo thực hiện công việc duy tuy bảo trì đường sắt đã giao, gồm các chi phí vật tư, thiết bị, trả lương. Trong khi đó, vốn của doanh nghiệp này chỉ từ 10 đến 20 tỉ đồng, chủ yếu là tài sản.

Tình trạng "đầu đi chân ở lại" khiến doanh nghiệp này khốn đốn khi lâm cảnh "chạy tàu cũng sai, không chạy tàu cũng sai".

"Nếu từ nay tới hết tháng 3/2020 tiếp tục không được giao dự toán ngân sách, VNR buộc phải báo cáo Chính phủ dừng tàu, vì không đảm bảo an toàn. Đây là việc hết sức cấp bách", ông Minh chia sẻ với báo chí.

Trước thực trạng nêu trên, một số đại biểu Quốc hội và chuyên gia đề nghị điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ Ủy ban về trực thuộc lại Bộ Giao thông Vận tải quản lý "để nâng cao hiệu quả hoạt động và vận hành đơn vị này".

Không chỉ mình ngành đường sắt gặp vấn đề, Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) cũng đang vướng mắc ở khâu vốn mà chưa tìm được cách giải quyết.

Theo ACV, từ năm 2017, một số đường băng của sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã xuất hiện hư hỏng đến mức cần phải cải tạo, nâng cấp hoặc thay thế kết cấu hoàn toàn theo khuyến cáo của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Đơn vị này cho biết, việc khai thác liên tục, với số lần cất hạ cánh ngày càng tăng cũng việc tiếp nhận nhiều hơn các loại máy bay tải trọng lớn hoạt động khiến các đường băng, đường lăn tiếp tục xuống cấp và ngày càng nghiêm trọng.

Từ năm 2017, ACV đã báo cáo để tu sửa, và đề nghị trong trường hợp ngân sách khó khăn, ACV sẽ ứng vốn để làm trước, ngân sách trả nợ sau. Tuy nhiên, do việc đầu tư, sửa chữa sân bay thuộc trách nhiệm của Nhà nước, nên sau khi ACV chuyển giao về UBQLV, Bộ GTVT không thể quyết định giao cho ACV thực hiện công việc này được nữa. Từ đó tới nay, 2 sân bay lớn nhất nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất vẫn đối mặt nguy cơ đóng cửa vì xuống cấp.

Vì sao hàng loạt doanh nghiệp thuộc 'Siêu ủy ban' kêu cứu? - Ảnh 2
Đường lăn sân bay Nội Bài xuống cấp nghiêm trọng, "lượn sóng" uy hiếp an toàn bay

Trong khi đó, lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, sau khi chuyển về Uỷ bán quản lý vốn Nhà nước, các dự án cao tốc dở dang của VEC đã gặp nhiều vướng mắc chủ yếu liên quan tới phần vốn ngân sách cho các dự án. Điển hình là dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị đình trệ do thiếu vốn.

"Về mặt danh nghĩa, Quốc hội đã phân bổ vốn từ ngân sách cho VEC, tiền đã có nhưng khi về UBQLV dòng vốn đó bị tắc do chưa rõ Bộ GTVT hay Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước là cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận và giao vốn cho VEC", lãnh đạo VEC nói.

Tìm hướng "gỡ nút thắt" nhưng... chưa xong

Thời gian qua, nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng năng lượng và giao thông vận tải (GTVT) đã bị đình trệ ngay từ bước phê duyệt đầu tư kể từ khi 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển giao quyền đại diện phần vốn về UBQLV. Bộ KH&ĐT đã có văn bản kiến nghị gửi Chính phủ ban hành nghị quyết về việc xử lý các vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp thuộc UBQLV với 2 nội dung: giao nhiệm vụ cho các bộ tiếp tục rà soát, đề xuất phương án hoàn thiện các luật có liên quan (chủ yếu là Luật Đầu tư) và xử lý ngay một số vướng mắc thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đây là lần thứ hai trong vòng 2 tháng qua, Bộ KH&ĐT đã phải gửi công văn tham mưu Chính phủ để xử các nút thắt. Theo đó, Bộ này kiến nghị tiếp tục phương án sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Đầu tư theo hướng quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm A có mức vốn dưới 5.000 tỉ đồng, thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và bổ sung quy định về hồ sơ dự án đầu tư.

Trong thời gian Luật Đầu tư sửa đổi chưa được Quốc hội thông qua, để gỡ khó cho việc phê duyệt và quyết định chủ trương đầu tư đối các dự án này, Bộ KH&ĐT đề xuất áp dụng theo trình tự 3 bước gắn với trách nhiệm của từng chủ thể, trước tiên là lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre F/S), sau khi được phê duyệt thì doanh nghiệp nộp hồ sơ dự án đầu tư để tổ chức thẩm định, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

Đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh, thực hiện trên địa bàn nhiều địa phương, như các dự án truyền tải điện, đường cao tốc, đường sắt liên vùng…, cơ quan đăng ký đầu tư nơi nhà đầu tư đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành chủ trì tổ chức thẩm định, trình UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.

Đối với dự án sản xuất, truyền tải, phân phối điện có tính chất chuyên ngành, phức tạp thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh, nhưng Ủy ban không đủ năng lực thẩm định quyết định chủ trương đầu tư, thì báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, trả lời Tiền Phong ngày 24/2, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBQLV cho biết, trước những vướng mắc các doanh nghiệp phản ánh, Ủy ban đang họp bàn tìm giải pháp nhưng chưa xong.

"Siêu ủy ban" chưa làm đúng bản chất

Từ thực tế các doanh nghiệp "mắc kẹt" sau khi chuyển quyền quản lý vốn Nhà nước sang "siêu ủy ban", mô hình này đang bộc lộ nhiều bất cập, trở thành rào cản cho hoạt động kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp lớn.

Theo chủ trương thành lập "siêu uỷ ban", cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm là đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty với tổng giá trị tài sản gần 1,5 triệu tỉ đồng. UBQLV không chỉ có nhiệm vụ bảo toàn vốn, mà phải như người kinh doanh vốn để lượng tài sản Nhà nước trong các doanh nghiệp được sử dụng hiệu quả, đúng mục tiêu, phát triển doanh nghiệp...

Cụ thể, Ủy ban không phải tham gia dự án đầu tư hay không phải nơi thẩm định dự án đó mà là giao mục tiêu để doanh nghiệp thực hiện, như giao tỉ lệ sinh lời, hệ số tài chính, cải thiện năng lực công nghệ, năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp vẫn được quyền chủ động đầu tư vào đâu, đầu tư như thế nào cho hiệu quả...

Song thực tế, "siêu uỷ ban" đã hoạt động không đúng với bản chất của mô hình quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn, mà bộc lộ những bất cập trong cách thức quản lý, vận hành, chẳng hạn có dấu hiệu của tư duy kế hoạch hóa tập trung, quan niệm hành chính quan liêu, không dứt khoát chuyển sang kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Những bất cập, vướng mắc nếu không được tháo gỡ sớm, sẽ chính là rào cản khiến cho mô hình này hoạt động kém hiệu quả, kéo lùi sự phát triển của doanh nghiệp.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Vì sao hàng loạt doanh nghiệp thuộc 'Siêu ủy ban' kêu cứu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới