Chủ nhật, 24/11/2024 07:34 (GMT+7)
Thứ tư, 12/01/2022 08:00 (GMT+7)

Vì sao Long An lại điêu đứng trước mùa vụ thanh long mất giá năm nào cũng lặp lại?

Theo dõi KTMT trên

Sở Công Thương tỉnh Long An có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố và các Sở, ban ngành liên quan về việc hỗ trợ tiêu thụ thanh long.

Đến hẹn lại lên...Sở Công Thương Long An kêu gọi cứu trợ 

Mới đây, ngày 11/1 Sở này cho biết từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nông dân trồng thanh long xử lý xông đèn sẽ thu hoạch hơn 20.000 tấn, trong khi các kho chứa trên địa bàn tỉnh đang tồn 6.000 tấn chưa xuất khẩu được.

"Đặc thù của trái thanh long đến ngày thu hoạch nếu khoảng 3 ngày không thu hái thì sẽ bị nứt, hư thối. Do đó, Sở Công Thương đề nghị các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp trong tỉnh hỗ trợ tiêu thụ thanh long Long An, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản và tái sản xuất.

Đặc biệt hưởng ứng cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'", Sở Công Thương Long An kêu gọi.

Vì sao Long An lại điêu đứng trước mùa vụ thanh long mất giá năm nào cũng lặp lại? - Ảnh 1
Sở Công Thương Long An kêu gọi cứu trợ. (Ảnh: PLO) 

Đầu mối liên hệ là ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long (điện thoại 0963.422.422); ông Trần Thanh Toản, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Xúc tiến thương mại (điện thoại 0989.617.663); bà Nguyễn Thị Thùy Trang, Phó phòng Quản lý thương mại (điện thoại: 0902.542.130); ông Nguyễn Huỳnh Đức, Trưởng phòng Xúc tiến thương mại (điện thoại 0979.784.847).

Về giá bán, thanh long loại 1 (trái tươi, tròn đẹp) là 15.000 đồng/kg, loại 2 là 10.000 đồng/kg, loại 3 là 5.000 đồng/kg. Giá có thể thay đổi theo số lượng đặt hàng.

Trước đó, ngày 10/1, Bộ Công Thương có văn bản khẩn đề nghị Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh vùng trồng chỉ đạo các doanh nghiệp chế biến rau quả tăng cường thu mua lượng thanh long tươi đang tồn đọng tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang… để chế biến thành sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT, các địa phương để triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ trong nước đối với quả thanh long cũng như các mặt hàng trái cây khác đang vào vụ thu hoạch. Đặc biệt, sẽ giới thiệu, phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

Ai giải bài toán triệt để cho người nông dân để đỡ phải...ngồi trên đống than?

Sốt ruột vì giá thanh long liên tục rớt giá, chị Hồ Kim Liên - chủ nhà vườn khoảng 1.000 trụ thanh long ở Hàm Tân, Bình Thuận - cho biết, hiện nay vì thông tin Trung Quốc ngưng nhập khẩu đến hết tháng 1 năm sau nên giá loại trái cây này cũng vì thế mà xuống theo.

"Ngày hôm qua giá thanh long ruột đỏ tại vườn xuống còn 11.000 đồng/kg loại đẹp. Thương lái cũng không còn mặn mà hỏi mua như trước, nếu có cũng ép giá rất thấp vì Trung Quốc đóng cửa khẩu khiến hàng ùn ứ nhiều", chị nói.

Tại diễn đàn trực tuyến Kết nối sản xuất - chế biến nông sản và thúc đẩy thị trường nội địa tổ chức sáng 31/12, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết trước khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, hầu hết thương lái cam kết mua thanh long của người dân với giá 22.000 đồng/kg, đủ để người dân thu về lợi nhuận cho chi phí sản xuất cả năm.

"Song, từ khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, đồng loạt các kho thanh long trên địa bàn tỉnh Long An đã tạm dừng thu nhận hàng. Do đó, ngày 27-28/12/2021 vừa qua, các thương lái đã yêu cầu các kho phải bồi thường cho lượng thanh long đã được thu mua từ phía người dân", bà nói.

Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận - cũng cho biết thanh long của tỉnh chủ yếu xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc, chiếm khoảng 70-80%.

"Người nông dân đang rất mong chờ việc xuất khẩu trong dịp Tết này, nhưng hiện nay tình hình rất khó khăn. Dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ có khoảng 3 đợt thu hoạch, tổng khoảng 120.000 tấn thanh long", ông nói.

Theo ông Tấn, hiện tỉnh Bình Thuận có 111 cơ sở thu mua, chế biến, trữ lượng tổng kho lạnh là 16.000 tấn. Trong đó có 13 cơ sở chế biến, quy mô nhỏ và vừa. Con số này so với tổng sản lượng của tỉnh là “không đáng bao nhiêu”.

“Giá hiện tại chỉ 7.000-8.000 đồng/kg với thanh long loại 1. Hàng loại 2, loại 3 không có ai mua. Tại các cửa khẩu phía Bắc, tỉnh Bình Thuận còn tồn 400-500 xe thanh long. Cả tháng nay, Sở đang khuyến khích tiêu thụ nội địa, rà soát kho lạnh”, ông Tấn nói.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận kêu gọi doanh nghiệp trong nước hỗ trợ tỉnh này và các tỉnh bạn, các cơ quan liên quan của tỉnh sẽ hỗ trợ ngược lại doanh nghiệp về cung cấp thông tin, tạo điều kiện hạ tầng.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao Long An lại điêu đứng trước mùa vụ thanh long mất giá năm nào cũng lặp lại?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới