Vì sao mô hình thùng rác công nghệ tại Hà Nội vẫn chưa phát huy hiệu quả?
Để nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, mô hình thùng rác công nghệ đã được lắp đặt trên nhiều tuyến phố của Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng thùng rác công nghệ lại chưa mang lại hiệu quả.
Thời gian qua, nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường đã được ra đời nhằm khắc phục giảm thiểu tình trạng ô nhiễm rác thải đô thị. Mô hình thùng rác công nghệ đã được lắp đặt trên nhiều tuyến phố của Hà Nội. Sự xuất hiện của những thùng rác công nghệ cao tại nhiều tuyến phố như: Phố Xã Đàn, phố Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa); phố Hoàng Minh Giám (quận Thanh Xuân); phố Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy)… đã từng bước góp phần giải quyết vấn đề rác thải và gìn giữ cảnh quan đô thị xanh, sạch, đẹp.
Thùng rác công nghệ, hay còn gọi là thùng rác gắn pin năng lượng mặt trời, có sức chứa lên tới 240 lít, được thiết kế thông minh với 2 ngăn riêng biệt, một bên đựng rác tái chế và một bên đựng rác không tái chế. Hệ thống thùng rác công nghệ này được đặt tên là “Green Lightbox”. Ngoài chức năng chứa rác thông thường, thùng rác còn được tích hợp tấm sạc năng lượng mặt trời và pin lithium tích điện cùng đèn LED công suất 20 W để thu và chuyển hóa năng lượng thành điện năng làm phát sáng bảng quảng cáo được lắp phía trên thùng rác khi trời tối.
Mô hình này được thí điểm và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2019, với kỳ vọng là một giải pháp nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc phân loại rác thải, từ đó tăng cường tuyên truyền ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Mặc dù được đánh giá là mô hình hiện đại, mang đến sự thuận tiện và hữu ích, nhưng tại một số vị trí, thùng rác công nghệ chỉ được đặt “cho có”; nhiều thùng rác công nghệ đã xuống cấp và chưa đem lại hiệu quả thiết thực.
Chia sẻ với Báo Lao Động, bà Đỗ Thị Thảo (quận Thanh Xuân) cho biết: “Dù ở thùng đã ghi rõ rác không tái chế và rác tái chế nhưng do thói quen, nhiều người vẫn dồn rác vào một túi, sau đó vứt thẳng vào thùng. Điều này, gây nên tình trạng một ngăn thì đầy ứ, ngăn còn lại thì không có gì”.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại đường Nguyễn Chánh (quận Cầu Giấy), nhiều thùng rác thậm chí còn không có thùng chứa ở bên trong. Điều này khiến xung quanh khu vực mô hình thùng rác công nghệ này trở nên nhếch nhác, bẩn thỉu. Ngoài ra, có một số thùng bị bong tróc cửa, sứt mẻ, không còn nguyên vẹn.
Các chuyên gia đánh giá, để phát huy hiệu quả của mô hình, cần nghiên cứu kỹ ví trí đặt và dung tích thùng rác; cần có điều chỉnh về kỹ thuật để thuận tiện cho cả người vứt rác lẫn người thu gom; cần có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với các công ty môi trường để thường xuyên vận chuyển và xử lý rác, tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân và kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm.
Bà Trần Thị Hương - Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, bên cạnh những lợi ích đem lại thì xét ở góc độ khác, mô hình này chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Bởi khi áp dụng vào trong thực tiễn phải có sự theo dõi, giám sát chặt chẽ, từ đó mới đánh giá xem hiệu quả đến đâu để khắc phục và đưa ra giải pháp xử lý. Nếu để tiếp tục tình trạng như hiện nay, việc lắp đặt thêm thùng rác công nghệ quả thực rất lãng phí.
Thùng rác công nghệ được thiết kế thông minh với 2 ngăn riêng biệt cho rác tái chế và không tái chế, linh hoạt và phù hợp với đặc điểm của từng tuyến phố; có sức chứa 240 lít, rác vãng lai sử dụng thùng 80 lít. Đặc biệt, tấm pin mặt trời được đặt trên mái của bảng điện để thu và chuyển hóa năng lượng mặt trời thành điện năng tạo công suất phát điện 25 W khi trời tối.
Minh Phương (T/h)