Vì sao ngành sư phạm được nhiều học sinh lựa chọn trong năm 2024?
Theo thống kê, số lượng thí sinh đăng kí dự thi đánh giá năng lực năm nay tăng vọt, gấp 2,5 lần so với năm 2023. Điều này cho thấy, sức hút của ngành này ngày càng tăng cao.
Năm 2024 đánh dấu sự tăng vọt về số lượng nguyện vọng đăng ký vào ngành Sư phạm. Tiêu biểu, tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, số thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trường năm nay tăng 100% so với năm 2023 với 31.252 thí sinh. Trong khi đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng ghi nhận số học sinh đăng ký vào trường tăng tương đương mức trung bình cả nước, khoảng 40.000 nguyện vọng. Trước đó, kỳ thi đánh giá năng lực của trường cũng có lượng thí sinh tham dự tăng gấp 2,5 lần so với năm trước.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ gần đây, so với năm trước, lựa chọn nghề nghiệp của người học có thay đổi theo hướng bám sát thị trường lao động hơn.
Thống kê cho thấy ở 24 lĩnh vực với 400 ngành đào tạo, số thí sinh đăng ký nhiều nhất vào sáu khối ngành, lần lượt là kỹ thuật công nghệ, máy tính, công nghệ thông tin, sư phạm, nhân văn, sức khỏe.
Trong đó, so với năm 2023, có ba lĩnh vực có tỷ lệ nguyện vọng đăng ký tăng mạnh nhất. Đứng đầu là khối ngành khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên tăng 85% (tương đương tăng khoảng 200.000 nguyện vọng) nên dự kiến điểm chuẩn ngành này sẽ tăng.
Theo Bộ GD&ĐT, một trong những nguyên nhân cho thấy sự quan tâm của các em trong ngành sư phạm nhiều hơn nhờ chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí, học phí.
Cụ thể, theo Điều 4, Nghị định 116/2020 của Chính phủ, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học. Đồng thời, sinh viên được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Thời gian hỗ trợ được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học với điều kiện ra trường phải công tác trong ngành giáo dục.
Ngoài ra, theo một số trường đào tạo sư phạm, sức hút thí sinh vào ngành sư phạm năm nay còn do những chính sách điều chỉnh lương căn bản, phụ cấp đối với nhà giáo.
Trong nhiều năm trở lại đây, ngành Sư phạm luôn có điểm chuẩn đầu vào cao chót vót.
Đơn cử như năm 2023, trong số các trường đào tạo giáo viên, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có điểm chuẩn vào ngành Sư phạm Lịch sử cao nhất cả nước, lên tới 28,58. Điểm chuẩn ngành Sư phạm Ngữ văn của trường này cũng ở mức 27,47 điểm.
Điểm chuẩn tại nhiều trường đào tạo ngành sư phạm cũng ở mức trên 27 điểm (thang điểm 30). Điều này đồng nghĩa, thí sinh cần đạt trung bình trên 9 điểm/môn thí sinh mới có cơ hội trúng tuyển.
Số lượng thí sinh đổ xô đăng ký nhưng chỉ tiêu tuyển sinh mà Bộ GD&ĐT giao cho các trường sư phạm lại ít. Đồng thời, các trường lại dành phần lớn chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển sớm, kéo theo chỉ tiêu xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT còn lại không nhiều, ví dụ như một số ngành Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học… của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có số chỉ tiêu còn lại “đếm trên đầu ngón tay”. Cuộc đua vào các trường sư phạm trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Theo dự báo của các trường đào tạo ngành Sư phạm, điểm chuẩn của ngành năm nay có thể tăng cao nhất lên đến 2 điểm.
Anh Thư