Chủ nhật, 24/11/2024 07:48 (GMT+7)
Thứ tư, 17/06/2020 08:58 (GMT+7)

Vì sao phân khúc bất động sản công nghiệp hấp dẫn các nhà đầu tư?

Theo dõi KTMT trên

Các chuyên gia cho rằng nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản giảm mạnh chỉ là tạm thời vì nhà đầu tư vẫn chờ cơ hội đầu tư vào Việt Nam, trong đó bất động sản công nghiệp sẽ trở thành điểm sáng.

Vì sao phân khúc bất động sản công nghiệp hấp dẫn các nhà đầu tư? - Ảnh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Do tác động của dịch bệnhCovid-19, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào lĩnh vực bất động sản trong quý 1/2020 sụt giảm mạnh, chỉ đạt 264 triệu USD, chiếm 3,08% tổng nguồn vốn FDI, đứng vị trí thứ 4 về thu hút vốn FDI. Trong khi đó, liên tục các năm trước, FDI vào bất động sản luôn duy trì vị trí thứ hai.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản giảm mạnh chỉ là tạm thời, vì thực tế nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang chờ đợi cơ hội để đầu tư vào Việt Nam, trong đó phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ trở thành điểm sáng.

Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực cũng sẽ tạo thêm lợi thế thu hút nguồn vốn đầu tư cho thị trường bất động sản.

Phó Tổng giám đốc Công ty Savills Việt Nam Troy Griffiths bày tỏ đây chính là tin vui cho thị trường bất động sản Việt Nam thời gian tới. Hiệp định này cho thấy cam kết của Chính phủ trong việc đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo tại châu Á. Hoạt động thương mại song phương chắc chắn sẽ tăng, kéo theo đó là tăng luồng vốn FDI, tăng số lượng việc làm và thêm nhiều cơ hội hơn trên tất cả các phân khúc bất động sản, trong đó có bất động sản công nghiệp.

Minh chứng về tín hiệu này, Trưởng bộ phận bất động sản Công nghiệp của Công ty Savills Việt Nam - ông John Campbell - xác nhận số lượng yêu cầu từ khách hàng EU đã tăng lên trong quá trình đợi hiệp định được ký kết.

Ông John Campbell nhận xét Hiệp định EVFTA sẽ ngày càng thu hút sự quan tâm của thị trường đến bất động sản công nghiệp Việt Nam.

Bằng cách tạo điều kiện cho việc ứng dụng những công nghệ sản xuất mới nhất và tăng cường đào tạo nhân lực, Chính phủ Việt Nam đang dần xóa bỏ mối e ngại của các doanh nghiệp về tính khả thi, hay tình trạng thiếu nguồn nhân lực và gia tăng chi phí phát sinh. Việc nâng cao tính minh bạch của môi trường kinh doanh sẽ giúp giảm thiểu những lo ngại của nhà đầu tư và nâng tiêu chuẩn chất lượng sản xuất tại Việt Nam.

Trong vòng ba năm qua, bất động sản công nghiệp được đánh giá là phân khúc nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia thị trường Việt Nam.

Các chuyên gia cũng đưa ra ba lý do để giải thích cho xu thế này. Trước hết là sự ổn định về kinh tế, với tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế Việt Nam từ 6,5 đến 6,8% và tăng tương đối đều đều trong nhiều năm. Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam tương đối lớn với hệ thống giao thông phát triển, đặc biệt là lực lượng lao động dồi dào với giá nhân công tương rẻ hơn so với các nước trong khu vực.

Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thể chế chính trị ổn định nhất trên thế giới tại thời điểm hiện tại.

Đây là những yếu tố rất quan trọng đối với các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Đặc biệt, việc Việt Nam là quốc gia hiếm hoi trên thế giới thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 cũng được ghi nhận và các nhà đầu tư đang coi đây là điểm đến lý tưởng để có thể xúc tiến nhanh việc tìm kiếm cơ hội tại các khu công nghiệp, nhà máy, trung tâm chế xuất...

Trước đây, Trung Quốc là cái nôi và nhà máy của thế giới, nhưng những năm gần đây, xu hướng đang dần được dịch chuyển về phía các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là một trong những tín hiệu cho thấy sự sụt giảm FDI vào Việt Nam thời gian qua chỉ là tạm thời.

Theo các chuyên gia, hiện nay nhiều nước trong khu vực đang chạy đua trong việc thu hút vốn đầu tư FDI và có nhiều chính sách ưu đãi lớn. Đơn cử, Chính phủ Ấn Độ vừa tiếp cận hơn 1.000 công ty của Mỹ và đưa ra các ưu đãi về thay đổi Luật Lao động, hoãn áp thuế giao dịch trực tuyến của các hãng thương mại điện tử.

Cùng với đó, Thái Lan cũng có gói kích thích rất lớn với hàng loạt chính sách thu hút đầu tư mới về thuế, sửa đổi Luật Kinh doanh. Ngay cả Campuchia cũng nhận thức được điều này và cũng vừa có Luật Đầu tư nước ngoài mới. Malaysia đưa ra một chương trình hỗ trợ đầu tư quy mô khoảng 240 triệu USD hỗ trợ thuế, tài chính cho các doanh nghiệp nước ngoài chọn nước này là điểm đến...

Đánh giá về tiềm năng thu hút FDI ở lĩnh vực bất động sản, ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Công ty Savills Việt Nam, cho biết có nhiều nhóm nhà đầu tư đang tìm những quỹ đất từ 500 đến 1.000ha để đầu tư khu công nghiệp. Nhiều nhà sản xuất lại muốn đầu tư tăng diện tích nhà máy nên thị trường bất động sản công nghiệp tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai... - những vị trí thuận lợi để thu hút nguồn vốn FDI.

Thế nhưng, điều các nhà đầu tư quan tâm là vị trí, kho bãi, kết nối hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt từ các khu công nghiệp đến cảng biển... thì nhiều khu công nghiệp tại Việt Nam vẫn chưa thuận lợi.

Đơn cử như, Việt Nam có các hệ thống cảng biển Cái Mép-Thị Vải dài khoảng 11km là lợi thế lớn với nhiều hệ thống cảng nước sâu. Tuy nhiên, từ các cảng nước sâu này đến nhiều khu công nghiệp tại các tỉnh lân cận trong khu vực như Long An, Bình Dương, Đồng Nai lại đang phải tính toán cho hợp lý, nhất là về logistics.

Phó Chủ tịch Lean Group Nguyễn Nhất Ly nhận định các doanh nghiệp có xu hướng chọn đầu tư ở những địa điểm có khả năng xây dựng kết cấu hạ tầng thuận lợi và có thể hình thành cụm công nghiệp, nhất là vấn đề logistics, vận chuyển phù hợp cả đầu vào và ra của sản phẩm.

Đặc biệt, những vùng đất mới chưa được khai thác, có nhiều tiềm năng, giao thông thuận lợi, quỹ đất còn khá rộng như Vân Đồn (Quảng Ninh) ở phía Bắc và Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) ở phía Nam... là đích ngắm được giới đầu tư chú ý.

Đây được xem như kênh đầu tư dài hạn, nhất là các hạng mục như kho bãi, khu công nghiệp, bất động sản phục vụ cho ngành y tế, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất, công nghệ... Do đó, quỹ đất cho nhu cầu bất động sản công nghiệp đang ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Vì sao phân khúc bất động sản công nghiệp hấp dẫn các nhà đầu tư? - Ảnh 2
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thời gian gần đây, Long An là tỉnh được đánh giá giàu tiềm năng phát triển bất động sản khu công nghiệp. Trước làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, địa phương này đã chủ động nhiều phương án để thu hút vốn FDI chất lượng cao.

Điển hình là việc tỉnh Long Anh nhanh chóng khởi công Khu công nghiệp Việt Phát với diện tích lên đến 1.800ha để sẵn sàng đón làn sóng đầu tư; đồng thời đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp như tạo điều kiện về vốn và các giải pháp tài chính, giúp doanh nghiệp tăng cường đầu tư sản xuất, công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

Theo công ty CBRE, nhu cầu thuê đất công nghiệp tăng cao, nguồn cung không đáp ứng kịp, quỹ đất khan hiếm là nguyên nhân khiến giá thuê tại Hà Nội và TP.HCM tăng cao từ đầu năm 2020.

Khảo sát của CBRE cho thấy tại Đồng Nai và TP.HCM, giá thuê kho xưởng xấp xỉ 5 USD/m2/tháng. Mức giá này ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Long An dao động trong khoảng từ 3,7-4 USD/m2/tháng. Giá thuê đất công nghiệp cũng tăng cao, tại TP.HCM tiệm cận mốc 160 USD/m2/chu kỳ thuê và các địa phương khác từ 80-120 USD/m2/chu kỳ thuê ở.

Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam Dương Thùy Dung nhận xét trong bối cảnh khan hiếm quỹ đất cho các dự án bất động sản công nghiệp, khu công nghiệp, các nhà đầu tư buộc phải tìm kiếm giải pháp thay thế. Nhiều nhà đầu tư chuyển hướng tìm kiếm các vùng đất mới.

Nguồn cung đất công nghiệp có xu hướng dịch chuyển về các tỉnh, thành phố công nghiệp cấp 2 nhờ mức giá thuê cạnh tranh và tỉ lệ lấp đầy còn thấp. Những vùng đất mới có kết nối tốt với cảng biển sẽ có tỉ lệ lấp đầy nhanh chóng.

Thu Hằng

Bạn đang đọc bài viết Vì sao phân khúc bất động sản công nghiệp hấp dẫn các nhà đầu tư?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới