Chủ nhật, 24/11/2024 07:31 (GMT+7)
Thứ năm, 11/07/2024 16:12 (GMT+7)

Vì sao Tổng Công ty Xi măng Việt Nam lỗ nặng?

Theo dõi KTMT trên

Theo thống kê kết quả kinh doanh 6 tháng đầu 2024 cho thấy, Tổng Công ty VICEM lỗ 863 tỷ đồng. VICEM lỗ nặng đã khiến cho tổng số lỗ của các nhóm doanh nghiệp vẫn lớn hơn lãi.

Thống kê kết quả kinh doanh 6 tháng đầu 2024 của 6 doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Bộ Xây dựng quản lý cho thấy 2 công ty báo lỗ, 4 đơn vị báo lãi.

Cụ thể, Tổng Công ty VICEM lỗ 863 tỷ đồng, Tổng Công ty Coma lỗ 2,6 tỷ đồng, Tổng Công ty Viglacera lãi 575 tỷ đồng, Tổng Công ty Hancorp lãi 20,1 tỷ đồng, Tổng công ty Lilama lãi 38,2 tỷ đồng, Tổng công ty HUD lãi 205 tỷ đồng.

Tuy nhiên, VICEM lỗ nặng đã khiến cho tổng số lỗ của các nhóm doanh nghiệp vẫn lớn hơn lãi.

Theo Bộ Xây dựng, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nêu trên còn khó khăn do thị trường bất động sản, vật liệu xây dựng chưa khởi sắc. Trong khi đó, giá vật liệu, nhiên liệu biến động tăng, tỷ giá ngoại tệ tăng. Một số đơn vị phải hoạt động, sản xuất cầm chừng, kinh doanh thua lỗ, chỉ tiêu không đạt kế hoạch được giao.

Vì sao Tổng Công ty Xi măng Việt Nam lỗ nặng? - Ảnh 1
Tổng Công ty VICEM lỗ 863 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Trong năm 2023, VICEM cũng đã công bố thông tin ghi nhận lỗ hơn 1.100 tỷ đồng, khi nhu cầu tiêu thụ xi măng giảm mạnh.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán, VICEM ghi nhận doanh thu hơn 24.006 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2022. Giá vốn giảm chậm hơn khiến lãi gộp năm ngoái lùi về 1.923 tỷ đồng, chỉ tương đương khoảng một nửa so với cùng kỳ năm trước đó.

Trong khi chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp được tối ưu một phần, chi phí tài chính tiếp tục đội lên 47%, chủ yếu là lãi vay. Công ty còn chịu thêm phần lỗ từ các đơn vị liên doanh, liên kết.

Vì vậy, Tổng Công ty Xi măng lỗ sau thuế hơn 1.129 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên công ty làm ăn thua lỗ kể từ lúc công bố thông tin năm 2016. Lợi nhuận của doanh nghiệp này đã đi lùi bốn năm liên tiếp. Lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2023 là 2.240 tỷ đồng.

Nhiều năm qua, vay nợ trở thành gánh nặng không nhỏ cho "ông lớn" ngành xi măng. Theo đơn vị kiểm toán, nợ ngắn hạn của VICEM đang vượt quá tài sản ngắn hạn. Điều này thể hiện các khó khăn về tài chính và trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn trả tại một số công ty con.

Tương tự, ghi nhận trong quý I/2024, VICEM Hà Tiên, Bỉm Sơn, Bút Sơn cũng có kết quả kinh doanh không mấy khả quan, thậm chí thua lỗ kéo dài.

Cụ thể, Vicem Hà Tiên ghi nhận doanh thu quý đầu năm 2024 giảm gần 12% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 1.495 tỷ đồng do sản lượng tiêu thụ xi măng trong quý giảm; công ty lỗ sau thuế gần 25 tỷ đồng.

Tương tự, Xi măng Bỉm Sơn ghi nhận doanh thu thuần quý I-2024 đạt 690 tỷ đồng, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm 2023 và lỗ sau thuế gần 50 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 48,6 tỷ đồng. Đây là quý thua lỗ thứ 7 liên tiếp của doanh nghiệp kể từ quý III-2022.

Còn VICEM Bút Sơn, ghi nhận doanh thu thuần kỳ đạt gần 515 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Do giá vốn cao hơn doanh thu, công ty lỗ gộp 812 triệu đồng.

Sau trừ chi phí, đơn vị này báo lỗ sau thuế 55,48 tỷ đồng, cao gấp hơn 3 lần mức lỗ cùng kỳ, đánh dấu quý lỗ thứ 6 liên tiếp.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Vì sao Tổng Công ty Xi măng Việt Nam lỗ nặng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới