Vì sao Việt Nam đến nay mới có quy định về Giấy phép môi trường?
"Luật Bảo vệ môi trường áp dụng từ tháng 1/2022 là quá mới. Hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp vướng khó khăn trong việc thực thi" - TS Hoàng Dương Tùng đánh giá.
Lần đầu tiên có Giấy phép môi trường
Phát biểu tại "Hội thảo nâng cao hiệu quả thực thi luật Bảo vệ môi trường 2020" do Viện Chính sách Kinh tế Môi trường tổ chức, TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường: Là một doanh nghiệp, khi có nhu cầu đăng ký hay xin Giấy phép môi trường (GPMT), họ sẽ đặt câu hỏi mình phải làm thế nào và có những vấn đề gì chưa rõ, tiếp cận với ai để để được cấp giấy phép nhanh hơn, được đăng ký nhanh hơn?
Như mọi người đã thấy, trong xây dựng có giấy phép xây dựng, trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, đây là lần đầu tiên có GPMT và đánh giá tác động môi trường đối với các dự án lớn và đối với các dự án môi trường.
Tại sao Việt Nam bây giờ mới có GPMT? Thực ra GPMT đã được áp dụng các nước từ những năm 70. Sau nhiều lần đề nghị Việt Nam mới có GPMT. Đây là điều đáng mừng. Bây giờ sẽ xét trên hồ sơ và thực hiện theo hồ sơ đó, nếu sai sẽ thanh tra và xử phạt. Tức là rõ ràng giấy phép khác với trước đó, đánh giá tác động môi trường khi cho cấp phép,... nếu làm sai thì sẽ bị cơ quan quản lý Nhà nước phạt.
Hiệu lực của Luật Bảo vệ môi trường áp dụng tử tháng 1/2022 là mới quá. Nhiều khi chúng ta vẫn có những khó khăn khi anh bắt tay vào việc mới hỏi hoặc không thì chưa hỏi. Vướng mắc nhiều hơn từ phía những người thực hiện.
Luật cũng đã quy định rất rõ thẩm quyền và vai trò của từng cấp cũng như thủ tục để xin GPMT. Ở đây có vấn đề là số lượng cấp phép của chúng ta có thể là các cấp thẩm quyền như quận, huyện... Có hiện trạng sợ sai khi cấp phép. Vậy cần làm thế nào? Để nhanh và theo thủ tục, đúng quy định. Trong khi năng lực của các cơ quan quản lý Nhà nước cấp quận, huyện cũng có hạn.
Vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc thực thi
Liên quan đến vấn đề cấp GPMT, TS. Hoàng Dương Tùng cho biết, hiện nay luật quy định doanh nghiệp phải hoàn thành các tiêu chí về bảo vệ môi trường sau đó mới gửi hồ sơ để Nhà nước phê duyệt. Do đó, doanh nghiệp cần phải lưu ý đến thời điểm làm hồ sơ GPMT.
Nghị định 08 quy định các doanh nghiệp phải hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường rồi mới làm hồ sơ xin GPMT. Ở đây tiềm ẩn một rủi ro, đó là khi doanh nghiệp bỏ tiền, thậm chí là rất nhiều tiền để hoàn thành công trình bảo vệ môi trường xong cơ quan quản lý vẫn không duyệt GPMT. Doanh nghiệp nào rơi vào hoàn cảnh đó sẽ thiệt hại rất lớn, vì vậy phải cân nhắc thật kỹ trước khi làm các thủ tục xin GPMT.
Ở các nước khác họ sẽ làm theo dạng "hậu kiểm". Nghĩa là họ sẽ đưa ra một danh sách các yêu cầu để doanh nghiệp hoàn thiện trước khi nộp hồ sơ xin cấp GPMT. Sau đó, khi doanh nghiệp hoàn thành các yêu cầu và nộp hồ sơ GPMT thì cơ quan quản lý sẽ kiểm tra chi tiết, từ đó làm cơ sở để duyệt hồ sơ GPMT của doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp sẽ đỡ bị bối rối khi làm hồ sơ GPMT.
Ở các nước khác họ sẽ làm theo dạng "hậu kiểm", nghĩa là họ sẽ đưa ra một danh sách các yêu cầu để doanh nghiệp hoàn thiện trước khi nộp hồ sơ xin cấp GPMT. Sau đó, khi doanh nghiệp hoàn thành các yêu cầu và nộp hồ sơ GPMT thì cơ quan quản lý sẽ kiểm tra chi tiết, từ đó làm cơ sở để duyệt hồ sơ cho các doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp sẽ đỡ bị bối rối khi làm hồ sơ.
Một vấn đề khác cũng phải lưu ý đó là dự án phải phù hợp với quy hoạch, nhưng thực tế hiện nay quy hoạch đang bị chồng chéo nhau, thậm chí thiếu hồ sơ quy hoạch, dẫn đến doanh nghiệp không biết được rằng dự án của mình phải tuân theo quy hoạch nào?
Tiếp đó là vấn đề sức chịu tải của môi trường, làm thế nào để doanh nghiệp biết được sức chịu tải của môi trường tại nơi đặt dự án? Áp dụng quy chuẩn nào để doanh nghiệp tuân theo? Hiện nay Luật chưa quy định rõ quy chuẩn nào được áp dụng để đánh giá sức chịu tải của môi trường.
Trong thời gian tới, cơ quan quản lý cần phải xác định rõ và điều chỉnh lại quy chuẩn cho phù hợp với từng tiêu chí để doanh nghiệp có thể hiểu đúng và đủ để thực hiện.
Về GPMT, các doanh nghiệp phải hiểu rằng Giấy phép sẽ có thời hạn từ 7 - 10 năm chứ không phải là vô thời thạn. Vì vậy doanh nghiệp cần phải lưu ý để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và sản xuất cho phù hợp.
Khi xin GPMT, doanh nghiệp cũng cần phải chú ý đến phần chi phí phải bổ ra để đầu tư hệ thống xử lý chất thải, chi phí vận hành và các chi phí liên quan đến bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó để tính toán chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm... Trong trường hợp chi phí phải bỏ ra quá lớn thì cần phải xem xét lại hoặc điều chỉnh cho phù hợp.
Một điều đáng lưu ý đó là, Luật BVMT 2020 quy định, chủ dự án phải công khai GPMT, và cơ quan quản lý phê chuẩn GPMT phải công khai nội dung xin hồ sơ của dự án để người dân có thể đọc được và góp ý, tạo sự đồng thuận giữa người dân và doanh nghiệp. GPMT sẽ được triển khai từ năm 2025, nhưng doanh nghiệp cần có sự chủ động chuẩn bị từ ngay bây giờ, tránh tình trạng nước đến chân mới nhảy.
Nhóm PV