Chủ nhật, 24/11/2024 04:18 (GMT+7)
Thứ ba, 03/12/2019 11:56 (GMT+7)

Vì sao Vingroup 'dứt tình' bán công ty Vinmart, VinEco cho Masan?

Theo dõi KTMT trên

VinCommerce và VinEco sẽ được sáp nhập vào Công ty Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer Holding) để thành lập tập đoàn hàng tiêu dùng và bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Thông tin này được đưa ra sau khi Vingroup công bố số lỗ hơn 3.461 tỉ đồng ở mảng kinh doanh bán lẻ.

Vì sao Vingroup 'dứt tình' bán công ty Vinmart, VinEco cho Masan? - Ảnh 1
Vingroup bất ngờ bán đứt 2 công ty sở hữu chuỗi bán lẻ siêu thị và nông nghiệp cho Masan

Ngày 3/12/2019, Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) và Tập đoàn Masan đã đạt thoả thuận nguyên tắc về việc sáp nhập Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại Tổng hợp VinCommerce và Công ty TNHH Đầu tư Phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco vào Công ty Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer Holding). Qua đó, sẽ thành lập tập đoàn hàng tiêu dùng và bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Hiện hai bên đang tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để tiến tới việc ký hợp đồng chính thức.

Theo thư gửi cán bộ công nhân viên sáng nay (3/12), Vingroup cho biết, sau khi hoán đổi cổ phần, tỷ lệ sở hữu của Vingroup tại công ty mới không còn chiếm đa số, nên tập đoàn sẽ chuyển giao toàn bộ việc điều hành Công ty VinCommerce (sở hữu chuỗi siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+) và Công ty VinEco sang cho Tập đoàn Masan. Việc chuyển nhượng này nhằm tập trung toàn bộ nguồn lực cho 2 lĩnh vực là công nghiệp và công nghệ (hiện có VinFast và VinSmart).

Thông tin bán đứt hai công ty bán lẻ và nông nghiệp này đã gây bất ngờ cho cổ đông Vingroup và giới đầu tư. Bởi lẽ, chỉ trong vòng 5 năm lấn sân thị trường bán lẻ, Vingroup thông qua công ty con VinCommerce đã phát triển được hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam gồm 122 siêu thị Vinmart và gần 2.500 cửa hàng Vinmart+ tại 50 tỉnh thành trên cả nước (tính đến tháng 10/2019).

Doanh thu của chuỗi siêu thị VinMart trong nửa đầu năm nay đạt 6.869 tỉ đồng, tăng trưởng 58%. Còn chuỗi cửa hàng tiện ích VinMart + đem về doanh thu 5.797 tỉ đồng, tăng trưởng 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu chuỗi này lên tới 12.666 tỉ đồng. Tốc độ tăng trưởng tại cửa hàng hiện hữu (SSSG) đối với VinMart đạt mức 16%, còn với VinMart + đạt 21%.

“Cỗ máy”bán lẻ VinMart và VinMart+ đang chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng Việt Nam và đem về doanh thu khủng cho tập đoàn. Đến hết tháng 9/2019, doanh thu từ mảng bán lẻ tiếp tục tăng mạnh 66% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 7.870 tỉ đồng.

Tuy nhiên, tổng kết lại doanh thu thuần từ mảng kinh doanh bán lẻ đến hết quý 3 năm nay đạt 23.571 tỉ đồng, nhưng Vingroup ghi nhận số lỗ kỷ lục 3.460 tỉ đồng từ mảng bán lẻ.

Xét kết quả theo bộ phận, kinh doanh bán lẻ đang là một trong 5 mảng kinh doanh chính của Vingroup bị thua lỗ từ vài trăm tỉ tới vài nghìn tỉ đồng. Hoạt động kinh doanh khác cũng ghi nhận số lỗ hơn 626 tỉ đồng.

Vì sao Vingroup 'dứt tình' bán công ty Vinmart, VinEco cho Masan? - Ảnh 2
Mảng kinh doanh bán lẻ đạt doanh thu thuần kỷ lục 23.571 tỉ đồng, nhưng lại thua lỗ tới 3.460 tỉ đồng. Ảnh: Zing

Còn nhớ tại Đại hội cổ đông năm 2015, trả lời chất vấn của nhiều cổ đông về sự “tham” đầu tư đa ngành của Vingroup, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho biết: “Với các lĩnh vực khác được tập đoàn mở rộng đầu tư, chúng tôi mong muốn tạo hệ thống toàn vẹn cho khách hàng, tạo sức cạnh tranh mạnh. Từ chuỗi bất động sản đến siêu thị, nông nghiệp, thời trang, y tế… Đơn cử, Vingroup đầu tư vào nông nghiệp để tạo nguồn cung sản phẩm chất lượng cho siêu thị. Đây là lợi thế cạnh tranh tuyệt đối của Vingroup so với các doanh nghiệp khác”.

Vì sao Vingroup 'dứt tình' bán công ty Vinmart, VinEco cho Masan? - Ảnh 3
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng hé lộ số lỗ hơn 2.000 tỉ đồng của Vingroup sau hơn 1 năm đầu tư vào bán lẻ

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng thẳng thắn chia sẻ về con số lỗ hơn 2.000 tỉ đồng của Vingroup sau hơn 1 năm đầu tư vào bán lẻ trên tổng mức đầu tư dự kiến được hé lộ tới “10.000 tỉ đồng”. Thế nhưng, sau 5 năm đầu tư, mảng bán lẻ đã đem về kết quả khá tệ là lỗ “khủng” tới 3.460 tỉ đồng. Nhưng với quan điểm kinh doanh quyết đoán của ông Phạm Nhật Vượng là sẽ “nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường bán lẻ trước các đối thủ” nên sẵn sàng đầu tư lớn và sẽ mạnh tay cắt lỗ.

Tương tự, đối với mảng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao mà Vingroup chuyển hướng đầu tư mạnh ở thời điểm năm 2014, ông Vượng bày tỏ sự lạc quan về chiến lược phát triển mảng nông nghiệp “khép kín” mà tầm nhìn tới 20-30 năm nữa, cổ đông sẽ cảm nhận thấy rõ nét. Khi ấy, “Vingroup đặt mục tiêu trong 5 năm nữa, tổng lợi nhuận từ bất động sản sẽ chỉ chiếm dưới 50% tỷ trọng lợi nhuận chung của tập đoàn, còn lợi nhuận của mảng nông nghiệp sẽ tăng mạnh”, ông Vượng nhấn mạnh.

Quay trở lại thương vụ bán “dứt tình” hai công ty bán lẻ và nông nghiệp cho Masan, có ý kiến cho rằng Vingroup đã bị “sa lầy” khi đầu tư vào 2 mảng này với chi phí đầu tư quá lớn, mà thời gian thu hồi vốn kéo dài, kém hiệu quả, thua lỗ nặng… Trong khi đó, Vingroup cũng đang chịu ảnh hưởng lớn từ sự khó khăn chung của thị trường bất động sản do sức hấp thụ đối với sản phẩm cao cấp giảm rõ rệt, tín dụng bị siết chặt cùng những rủi ro về chính sách pháp lý chưa rõ ràng ở phân khúc condotel.

Trong 3 năm qua, thị trường nhìn thấy khá rõ sự chuyển hướng trọng tâm đầu tư của Vingroup vào sản xuất công nghiệp và công nghệ với những dự án lớn về sản xuất ô tô VinFast, điện thoại thông minh, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hiện đại.

Giữa lúc Vingroup rút lui khỏi bán lẻ và nông nghiệp thì hai mảng kinh doanh này lại rất hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Hồi tháng 9 vừa qua, nhóm các quỹ đầu tư nước ngoài, đứng đầu là Quỹ Đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) đã rót 500 triệu USD để sở hữu 16% vốn CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM (công ty mẹ sở hữu 100% vốn của VinCommerce). Công ty VCM này có vốn điều lệ là 6.437 tỉ đồng, xấp xỉ mức vốn như VinCommerce sau chia tách.

Quỹ GIC đang ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam khi liên tục rót vốn đầu tư vào các công ty đầu ngành như Masan Group, Vietjet, Vinamilk, FPT, PAN… Chính GIC cũng đã đầu tư 853 triệu USD vào Vinhomes trong năm 2018 sau khi Vinhomes tiến hành IPO cổ phiếu ra công chúng.

Có thể thấy, Masan chấp nhận sáp nhập VinCommerce đang làm ăn thu lỗ hàng nghìn tỉ đồng sẽ khiến cho kết quả kinh doanh hợp nhất của tập đoàn này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng đổi lại, hệ thống mảng bán lẻ lớn nhất Việt Nam sẽ nằm gọn trong tay Masan, giúp cho ông lớn hàng tiêu dùng này “khép kín” chuỗi kinh doanh từ trang trại tới tận tay người tiêu dùng.

Còn cổ đông chiến lược của Masan – quỹ GIC đã nắm 16% cổ phần VCM để sở hữu VinCommerce và gián tiếp sở hữu hệ thống bán lẻ siêu thị VinMart, VinMart+ thông qua đầu tư vào Masan, sẽ được hưởng lợi lớn khi thâu tóm được hệ thống bản lẻ lớn nhất Việt Nam từ tay tỉ phú Phạm Nhật Vượng. Liệu rằng cổ đông Vingroup, tập đoàn và người tiêu dùng có được hưởng lợi?

Thương vụ sáp nhập đình đám của hai đế chế Vingroup - Masan này cũng khiến thị trường liên tưởng đến thương vụ "giải cứu" doanh nghiệp thua lỗ cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của Thaco trong lĩnh vực nông nghiệp. Hàng chục nghìn tỉ nợ vay khó có thể xử lý thu hồi, doanh thu sụt giảm thảm hại, thua lỗ... của Hoàng Anh Gia Lai đã được "chia sẻ" với đại gia ô tô là Thaco trong tình cảnh doanh nghiệp khó khăn về nguồn tiền, ngân hàng cắt cho vay vì nợ xấu quá lớn, kinh doanh thua lỗ.

Phải chăng, hàng nghìn tỉ đồng thua lỗ từ mảng kinh doanh bán lẻ và khó khăn chung từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, dòng tiền đầu tư bí bách... là những lý do khiến tỉ phú Phạm Nhật Vượng phải "dứt tình bán con"?

Hải Nam

Bạn đang đọc bài viết Vì sao Vingroup 'dứt tình' bán công ty Vinmart, VinEco cho Masan?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới