Thứ năm, 28/11/2024 02:09 (GMT+7)
Thứ ba, 02/02/2021 17:04 (GMT+7)

Viễn cảnh nào cho điện mặt trời tại Việt Nam?

Theo dõi KTMT trên

Hai năm qua, các dự án năng lượng mặt trời phát triển nóng nhờ sự khuyến khích từ các chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng mặt trời đối mặt với không ít thách thức.

Được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây, thị trường năng lượng tái tạo - điện mặt trời, luôn chiếm được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư ở mọi quốc gia.

Những cánh đồng năng lượng mặt trời ra đời cùng những dự án, tòa nhà và công trình điện mặt trời áp mái,… luôn được kỳ vọng sẽ đem lại tiềm năng to lớn trong vấn đề an ninh năng lượng của quốc gia, giảm áp lực truyền tải điện và hỗ trợ to lớn, tích cực vào kinh tế của đất nước.

Nhiều năm qua, Việt Nam vẫn phụ thuộc vào than đá như một sự lựa chọn chi phí thấp và dễ dàng để đáp ứng các nhu cầu về năng lượng. Tuy nhiên, những tiến bộ công nghệ và những vấn đề môi trường đang gia tăng đã biến các loại năng lượng tái tạo trở nên hấp dẫn hơn.

Việt Nam có vị trí gần xích đạo, nằm gọn trong vành đai khí hậu nhiệt đới Bắc bán cầu, với nền bức xạ nhiệt trung bình năm cao, cán cân bức xạ quanh năm luôn dương, do đó thị trường năng lượng mặt trời nhanh chóng trở thành chiếc bánh béo bở thu hút nhà đầu tư nội địa và nước ngoài tham gia.

Năm 2017, năng lượng mặt trời hầu như không có vai trò gì trong chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam. Nhưng đến cuối năm 2019, Việt Nam đã vượt qua Malaysia và Thái Lan để trở thành quốc gia sở hữu công suất lắp đặt các tấm pin mặt trời lớn nhất Đông Nam Á. Sản lượng của các dự án quang điện tại Việt Nam đã đạt đến 5 gigawatt (GW), vượt xa mục tiêu 1GW của Chính phủ vào năm 2020.

Đóng vai trò lớn trong những thành công gần đây của Việt Nam trong ngành năng lượng mặt trời chính là các chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo (FIT). Các chính sách này khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo bằng cách đảm bảo một mức giá cao hơn thị trường dành cho các nhà sản xuất. Khi các nhà sản xuất thường tham gia vào các hợp đồng dài hạn, thì FIT giúp giảm thiểu các nguy cơ vốn có trong các dự án năng lượng tái tạo.

Chương trình FIT sửa đổi được ban hành ngay sau khi Chính phủ tuyên bố rằng họ dự định tăng gấp đôi sản lượng sản xuất điện trong thập kỷ tiếp theo. Điều này sẽ làm gia tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo lên 20% trong nỗ lực nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiệt điện sản xuất từ than đá.

Viễn cảnh nào cho điện mặt trời tại Việt Nam? - Ảnh 1
Đến cuối năm 2019, Việt Nam đã vượt qua Malaysia và Thái Lan để trở thành quốc gia sở hữu công suất lắp đặt các tấm pin mặt trời lớn nhất Đông Nam Á. (Ảnh minh họa: Internet)

Tuy nhiên, còn có một số hạn chế về hạ tầng gây cản trở việc truyền tải năng lượng. Phần lớn các nhà máy điện mặt trời chú trọng vào khu vực miền Nam nhiều nắng, nơi thường gây quá tải mạng lưới điện. Trong khi đó, một số nhà máy điện mặt trời phải đối mặt với việc chậm trễ đưa vào hoạt động do các đường dây tải điện chưa hoàn thành.

Do đó, việc truyền tải điện tới các trung tâm kinh tế và các thành phố phía Bắc còn là một trở ngại. Quy hoạch phát triển năng lượng mới dự định giải quyết vấn đề này bằng cách đảm bảo việc phát triển năng lượng được cân đối giữa các vùng miền, và rằng các mạng lưới điện được kết nối đầy đủ trong lãnh thổ Việt Nam và với các quốc gia lân cận.

Ngoài ra, các dự án điện mặt trời lắp đặt trên mặt đất cũng cần chú ý đến các quyền sử dụng đất, một vấn đề lớn tại Việt Nam. Mặc dù các nhà đầu tư có thể hưởng lợi từ các miễn trừ phí sử dụng và tiền thuê đất, nhưng các thủ tục hành chính có thể rất mất thời gian và gây ra những chậm trễ đáng kể.

Vẫn còn những sự bất ổn liên quan đến tương lai của than đá tại Việt Nam. Mặc dù Quy hoạch mới nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển bền vững để giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu, nhưng sản lượng nhập khẩu than đá của Việt Nam trong nửa năm đầu 2020 vẫn tăng 53,8% so với năm trước, cao kỷ lục. Theo Bộ Công Thương, các nhà máy nhiệt điện chiếm khoảng 35% sản lượng điện toàn quốc.

Bộ này cũng dự đoán rằng Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt điện trầm trọng khi việc xây dựng các nhà máy điện mới chậm trễ hơn tốc độ gia tăng nhu cầu về điện. Vì vậy, có vẻ như than đá sẽ tiếp tục được sử dụng để lấp đầy khoảng cách giữa nguồn cung và nhu cầu về điện trong các năm tới.

Đặc biệt, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam (Quyết định 13) hết hiệu lực từ ngày 31/12/2020 khiến nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân đang và sắp làm điện mặt trời không khỏi lo lắng.

Về việc này, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đang tập trung vào các nội dung chính: Chính sách, hạ tầng truyền tải phân phối và điều độ vận hành hệ thống điện.

Với các dự án năng lượng tái tạo quy mô công suất lớn sẽ từng bước chuyển sang cơ chế đấu thầu cạnh tranh.

Nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án điện năng lượng tái tạo thấp nhất. Thực hiện cơ chế này tuy sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo và lưới truyền tải.

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết Viễn cảnh nào cho điện mặt trời tại Việt Nam?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới