Chủ nhật, 24/11/2024 07:50 (GMT+7)
Thứ tư, 27/01/2021 14:47 (GMT+7)

Thừa Thiên Huế 'siết chặt' trang trại điện mặt trời

Theo dõi KTMT trên

Trước tình trạng "trang trại điện mặt trời" phát triển rầm rộ tại Thừa Thiên Huế, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh này đã yêu cầu các sở cùng các huyện, thị xã và TP.Huế tăng cường quản lý hệ thống điện mặt trời mái nhà trong trang trại trên địa bàn tỉnh.

Ngày 26/1, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ vừa ban hành Công văn 695/UBND-CT yêu cầu tăng cường quản lý việc xây dựng trang trại kết hợp phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước việc phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà đảm bảo đúng quy định tại văn bản của Bộ Công Thương.

Sở này cũng được chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động điện lực trên địa bàn, yêu cầu việc phát triển hoạt động điện lực phải đảm bảo phù hợp với các quy hoạch liên quan.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu Sở NN&PTNT tổ chức kiểm tra hoạt động các trang trại đã thực hiện ký hợp đồng bán điện với Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế; hướng dẫn UBND cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện xác nhận tờ khai kinh tế trang trại và theo dõi phát triển kinh tế trang trại theo quy định tại Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT.

Đối với Sở TN&MT, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tổ chức kiểm tra về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao, cho thuê và quản lý, sử dụng đất của các trang trại.

Thừa Thiên Huế 'siết chặt' trang trại điện mặt trời - Ảnh 1
Pin năng lượng mặt trời đang được lắp đặt dày đặc trên diện tích đất trang trại. (Ảnh: Internet)

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chỉ đạo UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tăng cường công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng trang trại trên địa bàn theo thẩm quyền.

Chính quyền cấp huyện, xã phải định kỳ kiểm tra các chủ trang trại có lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà về việc tổ chức sản xuất kinh doanh theo quy định; tăng cường phối hợp với Sở Công thương về quản lý, giám sát các chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà đảm bảo công tác an toàn điện, an toàn công trình, phòng cháy chữa cháy...

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế lưu ý, Công ty Điện lực tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ thực hiện ký kết hợp đồng mua bán điện đối với các đơn vị lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đảm bảo các điều kiện kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế cũng được đề nghị công khai khả năng giải tỏa công suất các tuyến đường dây, trạm biến áp; giải quyết thủ tục đăng ký, thỏa thuận đấu nối một cách công khai, minh bạch, theo trình tự thời gian đăng ký và đúng quy định.

Sau Tây Nguyên, phong trào làm trang trại “điện mặt trời” có dấu hiệu tạo thành “cơn sốt” và lan nhanh tại Thừa Thiên Huế, tiềm ẩn những nguy cơ sử dụng đất trái mục đích, biến tướng sản xuất nông nghiệp; gây sa mạc hóa, ô nhiễm môi trường, phá vỡ quy hoạch sản xuất năng lượng tái tạo đấu nối từ mặt đất.

Qua kiểm tra của UBND huyện Quảng Điền, tại vùng trang trại rú cát của 3 xã Quảng Lợi, Quảng Thái, Quảng Vinh hiện có 4 dự án trang trại gắn với công trình điện mặt trời, với tổng diện tích sử dụng xây dựng công trình liên quan đến phát điện khoảng 6,5 ha. Như vậy, mỗi dự án trang trại có diện tích lắp pin mặt trời áp mái rộng bình quân hơn 1 ha. Tuy nhiên, có những khu trang trại đã sử dụng từ 2 đến gần 3 ha đất sản xuất nông nghiệp làm mặt bằng lắp pin năng lượng mặt trời.

Điều đáng nói, chủ nhân trang trại “điện mặt trời” đều là người từ nơi khác đến, có người là chủ doanh nghiệp xây dựng. Họ mua đất từ chủ trang trại cũ, sau đó cải tạo mặt bằng, không tổ chức trồng trọt, chăn nuôi ngay từ đầu theo đúng nghĩa trang trại sản xuất nông nghiệp, mà triển khai ồ ạt công trình điện năng lượng mặt trời.

Việc hình thành các khu trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp như đề án trình với cấp có thẩm quyền phê duyệt vẫn mờ mịt. Các khu trang trại “điện mặt trời” hầu hết do các doanh nghiệp gắn mác “công nghệ xanh” đứng tên.

Đề cập về các khu trang trại có lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời áp khung nhà trên địa bàn, đại diện UBND huyện Quảng Điền, cho biết, chủ đầu tư khai báo, trình bày phương án là trồng rau màu, còn họ có sản xuất đúng đề án, làm theo công nghệ gì, thị trường tiêu thụ ra sao… thì vẫn phải chờ xem.

Về vấn đề này, chia sẻ với báo Dân trí, PGS.TS Trần Anh Tuấn, Trưởng Bộ môn Quản lý Tài nguyên môi trường và Biến đổi khí hậu, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học, Đại học Huế cho rằng, do để có thể hưởng được giá mua điện mặt trời ưu đãi của EVN đối với điện mặt trời áp mái, một số cơ sở sản xuất nông nghiệp đã lắp đặt tấm pin mặt trời trên khung dàn thay vì trên mái nhà ở các trang trại.

Tuy nhiên, ngày 22/9/2020, Bộ Công Thương đã ra văn bản hướng dẫn thực hiện phát triển điện mặt trời áp mái. Bộ Công Thương dẫn chiếu các quy định hiện hành và khẳng định điện mặt trời mái nhà phải được lắp đặt trên mái nhà của các công trình xây dựng có công năng độc lập.

Do đó, các công trình chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản và các công trình nông nghiệp khác muốn tham gia đầu tư vào điện mặt trời mái nhà phải có mái. Trong đó, mái nhà phù hợp với công năng, loại hình trang trại. Như vậy, các hệ thống pin mặt trời được lắp đặt trên khung dàn sẽ không được công nhận là điện mặt trời áp mái.

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết Thừa Thiên Huế 'siết chặt' trang trại điện mặt trời. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới