Chủ nhật, 24/11/2024 08:24 (GMT+7)
Thứ ba, 26/04/2022 18:00 (GMT+7)

Việt Nam chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, hiện thực hóa các cam kết tại COP26

Theo dõi KTMT trên

Biến đổi khí hậu là xu thế không thể đảo ngược, thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Việt Nam sẽ ứng phó với biến đổi khí hậu trên nguyên tắc công bằng và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế.

Mục tiêu trung hòa khí hậu đầy thách thức nhưng khả thi

Ngày 26/4, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn đến năm 2050.

Dự thảo Chiến lược được xây dựng với mục tiêu tích cực tăng cường thích ứng với BĐKH, giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra; giảm phát thải khí nhà kính nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Đồng thời tận dụng các cơ hội từ BĐKH để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước; đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các nỗ lực quốc tế trong việc bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Dự thảo Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050 phản ánh sự chuyển đổi về chất trong công tác ứng phó với BĐKH của Việt Nam; thể hiện lộ trình để hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về BĐKH của Liên hợp quốc lần thứ 26, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm đạt mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. 

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT đã xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương từ khi xây dựng đề cương chiến lược, khảo sát 63 địa phương và thực hiện phỏng vấn sâu 20 tỉnh, thành phố.

Việt Nam chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, hiện thực hóa các cam kết tại COP26 - Ảnh 1
Thích ứng với biến đổi khí hậu và mục tiêu phát thải ròng bằng "0" là cơ hội để Việt Nam phát triển bền vững. (Ảnh minh họa)

Phát biểu tại Hội thảo, bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho rằng: "Xây dựng luật BĐKH nhất quán và đẩy nhanh biện pháp thích ứng là trọng tâm để tăng cường khả năng chống chịu cho toàn xã hội, đặc biệt đối với người dân và cộng đồng đang trực tiếp bị ảnh hưởng bởi BĐKH. Điều quan trọng không kém là thiết lập lộ trình chuyển đổi xanh và công bằng, có cơ chế, chính sách minh bạch để theo dõi dòng tài chính công và tư nhân hỗ trợ thực hiện các dự án, chương trình đầu tư xanh."

Do đó, việc hoàn thành Dự thảo Chiến lược quốc gia về BĐKH hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 chỉ 5 tháng sau COP26 đã cho thấy rõ Chính phủ Việt Nam tiếp tục gửi đi thông điệp mạnh mẽ về tham vọng khí hậu. Dự thảo chiến lược mới cho thấy mục tiêu trung hòa khí hậu của Việt Nam tuy rất tham vọng, đầy thách thức nhưng khả thi.

Thích ứng BĐKH và phát thải ròng bằng "0" là cơ hội phát triển bền vững

Trong bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay, Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050 cần được xây dựng nhằm cập nhật những xu thế mới của quốc tế cũng như định hướng rõ các vấn đề cấp bách, ưu tiên gắn với việc thực hiện thỏa thuận Paris, các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về BĐKH của Liên hợp quốc lần thứ 26.

Tại hội thảo, trình bày nội dung dự thảo Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: BĐKH là xu thế không thể đảo ngược, thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Thích ứng với BĐKH và mục tiêu phát thải ròng bằng "0" là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân.

Theo ông Phạm Văn Tấn, để thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050 và đạt được các mục tiêu đề ra, Việt Nam cần chủ động thích ứng với BĐKH; giảm phát thải khí nhà kính; hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực ứng phó hiệu quả với BĐKH.

Việt Nam sẽ ứng phó với BĐKH trên nguyên tắc công lý, công bằng, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế.

Do đó, ứng phó với BĐKH là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện. Quá trình này cần sự nỗ lực liên tục, kiên định, thống nhất trong nhận thức và hành động. Trong đó, các giải pháp cấp bách giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăng cường sức chống chịu trước tác động của BĐKH sẽ được triển khai.

Đặc biệt, ưu tiên cao nhất bảo đảm an toàn, sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề; tập trung phát triển hạ tầng ứng phó với BĐKH, chuyển dịch năng lượng dựa trên tiềm năng, lợi thế của vùng, miền.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Việt Nam đã trình Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2015, hoàn thành cập nhật NDC vào 2020, đưa trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành để toàn dân thực hiện. Đồng thời, Việt Nam cũng đã tập trung xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050.

Dự thảo Chiến lược quốc gia về BĐKH với 3 nhiệm vụ trọng tâm

Chủ động thích ứng với BĐKH: Nhóm nhiệm vụ nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, đảm bảo sinh kế bền vững; nhóm nhiệm vụ, giải pháp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH.

Giảm phát thải khí nhà kính bao gồm các nhiệm vụ chung và giảm phát thải khí nhà kính theo các lĩnh vực cụ thể gồm: Năng lượng; nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất và thay đổi sử dụng đất; chất thải; các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm công nghiệp.

Hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực ứng phó hiệu quả với BĐKH; bao gồm: Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về BĐKH trước năm 2030; truyền thông, nâng cao nhận thức và thu hút sự tham gia của cộng đồng trong ứng phó với BĐKH; phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó với BĐKH; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và ngoại giao khí hậu trong ứng phó với BĐKH.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, hiện thực hóa các cam kết tại COP26. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới