Chủ nhật, 24/11/2024 08:10 (GMT+7)
Chủ nhật, 16/05/2021 10:13 (GMT+7)

Việt Nam đang ngày càng khẳng định tầm quan trọng trong khu vực Đông Nam Á

Theo dõi KTMT trên

Theo hãng tư vấn đầu tư nước ngoài Dezan Shira & Associates, với tiềm năng và tầm quan trọng ngày càng gia tăng, Việt Nam trở thành đối thủ cạnh tranh “đáng gờm” về đầu tư ở khu vực Đông Nam Á.

Lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU

Theo bài viết phân tích của hãng tư vấn đầu tư nước ngoài Dezan Shira & Associates đăng tải mới đây, EU hiện là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ngoại thương khoảng 41,3 tỉ USD. Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 16 của EU trên thế giới và là đối tác thương mại lớn thứ hai trong ASEAN. ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU bên ngoài châu Âu (sau Mỹ và Trung Quốc).

Việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực đã giúp tăng khả năng cạnh tranh giữa các thị trường EU và Việt Nam. Các sản phẩm nước ngoài có thể được hưởng lợi thế về thuế quan do việc bãi bỏ thuế nhập khẩu và điều này sẽ tạo sự cạnh tranh đáng kể đối với các sản phẩm trong nước.

Việt Nam đang ngày càng khẳng định tầm quan trọng trong khu vực Đông Nam Á - Ảnh 1
Ảnh minh họa. 

VinFast là nhà sản xuất ô tô nội địa chính thức đầu tiên của Việt Nam. Trong vòng 5 năm tới, VinFast đặt mục tiêu sản xuất khoảng 250.000 ô tô mỗi năm, chiếm 92% tổng số ô tô bán ra tại Việt Nam vào năm 2020. Việc miễn trừ các rào cản hải quan sẽ có lợi cho kế hoạch này, đồng thời tạo sự cạnh tranh mới trên thị trường ô tô EU.

Nhiều báo cáo nghiên cứu chỉ ra rằng, EVFTA cung cấp khả năng tiếp cận tốt hơn đối với các hoạt động mua sắm công ở Việt Nam. Các công ty EU có thể tham gia vào các dự án công và dự án PPP dễ dàng hơn khi hiệp định có hiệu lực, để lại dấu ấn của họ tại Việt Nam.

Việc phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), trong đó EU và Việt Nam quyết định tạo thuận lợi về môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp hai bên (bao gồm cả việc tăng cường khuôn khổ pháp lý, đặc biệt là sở hữu trí tuệ), tạo thuận lợi hơn cho các công ty EU đầu tư vào lĩnh vực bị hạn chế trước đây. Ví dụ, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trong các ngân hàng thương mại đã tăng từ 30% lên 49%.

Ngoài ra, các công ty EU có thể hưởng lợi từ các điều khoản phi kinh tế của EVFTA, như việc đảm bảo tiêu chuẩn về nhân quyền và môi trường. EVFTA góp phần thúc đẩy các giá trị dân chủ ở Việt Nam và do đó khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư EU.

Như vậy, EVFTA đã giúp thuế quan được miễn giảm và các mối quan hệ thương mại và kinh doanh được làm sâu sắc hơn. Đây là cơ hội lớn cho các công ty EU. Hiệp định mở ra khả năng tiếp cận nhiều với một thị trường mới nổi gần 100 triệu dân, trong đó có khoảng 55 triệu công nhân. Ngoài ra, Hiệp định còn mở ra cơ hội đối tác, đối thoại, hợp tác và tạo mối quan hệ bền chặt hơn với khu vực Đông Nam Á.

Thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 10 tỉ USD trong quý I/2021. Tổng số lô hàng từ một số nước EU như Đan Mạch, Bỉ, Bồ Đào Nha và Italy tăng 20-25%. Hiện Anh, Italy và Đức là 3 ba thành viên chính của EU có mức đầu tư đáng kể và quan hệ thương mại ngày càng bền chặt với Việt Nam.

Khảo sát về chỉ số môi trường kinh doanh quý I/2021 do Phòng thương mại châu Âu (EuroCham) công bố cho thấy, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu vẫn tin tưởng vào nền kinh tế Việt Nam. Theo EuroCham, hiệu quả hoạt động trong quý II dự đoán sẽ tiếp tục cải thiện.

Có thể nói, ngoài những hạn chế về du lịch quốc tế thì hoạt động kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản vẫn bình thường. Chỉ số BCI đạt 73,9 điểm trong quý I/2021 - mức cao nhất kể từ quý III/2019.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng nhận thấy lợi ích của EVFTA, với hơn 60% được hưởng lợi từ Hiệp định. Tuy nhiên, cuộc khảo sát cũng lưu ý rằng, thủ tục hành chính là thách thức lớn nhất để tận dụng lợi thế của EVFTA.

Theo tạp chí ScandAsia, tăng trưởng kinh tế cao và cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp Bắc Âu xem xét đầu tư vào Việt Nam. Xuất khẩu của Thụy Điển sang Việt Nam tăng gần 6% trong năm 2020 bất chấp đại dịch.

Những con số trên nhấn mạnh tiềm năng và tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, đó cũng là lý do để Việt Nam trở thành đối thủ cạnh tranh “đáng gờm” về đầu tư ở khu vực này.

Môi trường đầu tư Việt Nam nằm trong top đầu ASEAN

Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho biết, Việt Nam là quốc gia nằm trong top đầu của khu vực ASEAN được doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn đầu tư trong thời gian tới. Hiện số lượng doanh nghiệp thành viên của JETRO tại Việt Nam đã lên đến 2.000 doanh nghiệp, trong khi đó những năm 1990 chỉ có 100 doanh nghiệp.

Với quy mô dân số của Việt Nam dự báo đạt 106 triệu dân vào năm 2050, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, khiến thị trường Việt Nam được đánh giá là “miền đất hứa” cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ.

Cùng với đó, Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế hàng năm thuộc hàng tốt nhất khu vực, khiến quy mô GDP ngày càng lớn. Vị thế của doanh nghiệp Việt Nam cũng không ngừng được cải thiện, thể hiện thông qua sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp trong nước vào lĩnh vực khoa học-công nghệ. Với những yếu tố trên, rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn của Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam, như: AEON; Muji, FujiMart, Matsumoto Kiyoshi…

Vương Liễu

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam đang ngày càng khẳng định tầm quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới