Chủ nhật, 24/11/2024 08:05 (GMT+7)
Thứ tư, 16/06/2021 07:38 (GMT+7)

Việt Nam đạt kết quả 'kép' từ chống sa mạc hóa

Theo dõi KTMT trên

Trong công cuộc phòng chống sa mạc hóa, Việt Nam đã từng bước đạt được kết quả “kép”: Vừa chống suy thoái đất, vừa đem lại lợi ích kinh tế cho người sản xuất. Suy thoái đất làm tăng tốc độ biến đổi khí hậu và giảm đa dạng sinh học, đồng thời…

Việt Nam đạt kết quả 'kép' từ chống sa mạc hóa - Ảnh 1
Nho Ninh Thuận nổi tiếng nhờ vị ngọt đặc biệt được chắt chiu từ chất đất khô cằn. (Ảnh minh họa)

Suy thoái đất làm tăng tốc độ biến đổi khí hậu và giảm đa dạng sinh học, đồng thời góp phần gây ra hạn hán, cháy rừng, di cư không tự nguyện và sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm từ động vật.

Theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), sa mạc hóa là giai đoạn cuối của suy thoái đất. Tuy nhiên, có những vùng đất là sa mạc hóa tự nhiên do không trải qua quá trình hình thành đất đầy đủ. Tại Việt Nam, diện tích sa mạc tự nhiên khoảng 400.000 ha. Với đất canh tác, suy thoái đất ở Việt Nam được phân chia thành bốn mức độ: Nhóm diện tích đất có nguy cơ suy thoái, khoảng 6,7 triệu ha; nhóm diện tích đất có dấu hiệu suy thoái, khoảng 2,4 triệu ha; nhóm diện tích đất đã bị suy thoái, khoảng 1,3 triệu ha; cuối cùng là đất bị suy thoái thành sa mạc nhân tạo, chỉ chiếm diện tích ít ỏi, vài nghìn ha.

Theo ông Phạm Văn Điển, diện tích sa mạc của Việt Nam hiện nay không đáng kể. Đó là kết quả của các giải pháp căn bản và mang tính chiến lược để bảo vệ đất như phát triển rừng, canh tác nông nghiệp và sử dụng đất hợp lý, lâu bền gắn với việc giải quyết quyền lợi, nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Kết quả “kép” từ chống sa mạc hóa

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Việt Nam đã có những thành tựu rất lớn từ việc chống sa mạc hóa. Từ “đáy” về tỉ lệ che phủ rừng vào năm 1993 (27,8%), đến nay chúng ta đã có tỉ lệ che phủ rừng lên đến 42%, trong khi trung bình của thế giới là 31%.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, ngành lâm nghiệp tiếp tục có những chiến lược, chương trình và kế hoạch để nâng cao chất lượng của rừng cây che phủ, tạo lập một hệ sinh khối xanh trên mặt đất thông qua bảo vệ rừng tự nhiên (10,3 triệu ha) và trồng rừng gỗ lớn (hiện có 300.000 ha, cần đạt khoảng 1 triệu ha vào năm 2030). Thực hiện được điều này không những phát huy chức năng bảo tồn nhiên nhiên, duy trì và nâng cao độ phì của đất, mà còn cung cấp nguyên liệu cho chế biến và thương mại lâm sản, xuất khẩu ra thị trường ngoài nước.

Phòng chống suy thoái đất không chỉ giới hạn ở ngành lâm nghiệp mà thể hiện ở toàn ngành nông nghiệp. Theo đó, việc phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ chính là tiếp cận đúng đắn, thể hiện tư duy kinh tế thân thiện với môi trường.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: “Điều này có thể thấy ở nhiều chương trình có tầm nhìn xa của Chính phủ, điển hình như Nghị quyết số 120/NQ – CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu được ban hành ngày 17/11/2017. Đây là Nghị quyết không chỉ mang tính chất ứng phó với những tác động tiêu cực của khí hậu, mà nó còn là tiền đề để điều chỉnh hành vi sản xuất, canh tác theo hướng thuận thiên, giữ và cải tạo tự nhiên theo hướng tích cực”.

Còn theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển: “Chúng ta có thể thấy rõ, sau quá trình tìm tòi và nỗ lực bền bỉ, canh tác trên những vùng đất khô hạn, có dấu hiệu suy thoái, những sản vật như thanh long, nho, tỏi, mắc ca hay thậm chí những cây thân gỗ như xoan chịu hạn đã mang lại thu nhập kinh tế cho người dân. Không chỉ vậy, nhiều vùng cát ở duyên hải miền Trung như Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận đã dần hồi sinh, chuyển từ trạng thái “cát” sang “đất” với màu xanh bạt ngàn của rừng phi lao, keo lá liềm ven biển”.

Theo kế hoạch trong quý IV tới đây, World Bank sẽ giải ngân số tiền 51,5 triệu USD đầu tiên Việt Nam bán tín chỉ Cacbon rừng – số tiền thu được từ các nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng, phòng chống suy thoái đất ở vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam. Như vậy, trên bước đường phòng chống sa mạc hóa, Việt Nam đã từng bước đạt được mục tiêu “kép” là chống suy thoái đất và đem lại lợi ích kinh tế cho người sản xuất.

Trên toàn cầu, 1/5 diện tích đất – hơn 2 tỉ ha – bị suy thoái, bao gồm hơn một nửa diện tích đất nông nghiệp. Nếu con người không thay đổi cách quản lý đất, hơn 90% có thể bị thoái hóa vào năm 2050. Suy thoái đất tác động tiêu cực đến 1/5 diện tích đất trên hành tinh và sinh kế của 3,2 tỉ người, tương đương với 40% dân số toàn cầu.

Tuy nhiên, cũng có tín hiệu khả quan khi Ban thư ký Công ước chống sa mạc hóa của Liên Hợp Quốc (UNCCD) chỉ ra, khoảng 1 tỉ ha đất vẫn có thể được phục hồi trong vòng 10 năm tới để đảo ngược quá trình suy thoái này.

Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán (17/6) được Ban thư ký UNCCD đặt trọng tâm vào việc cải tạo, phục hồi đất bị suy thoái. Phục hồi diện tích đất kém chất lượng mang lại khả năng phục hồi kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và an ninh lương thực. Đồng thời, đây cũng là động lực cho việc phục hồi đa dạng sinh học, giảm lượng khí nhà kính trong khí quyển đang làm nóng trái đất, giảm tốc độ biến đổi khí hậu.

Phòng tránh, làm chậm lại và đảo ngược việc mất đất sản xuất và các hệ sinh thái tự nhiên là rất cần thiết và quan trọng trong thời điểm hiện nay để có một khoảng phục hồi nhanh chóng từ đại dịch, đồng thời là tấm vé đảm bảo sự sinh tồn lâu dài của loài người và hành tinh.

Đỗ Hương

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam đạt kết quả 'kép' từ chống sa mạc hóa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới