Chủ nhật, 24/11/2024 09:47 (GMT+7)
Thứ bảy, 27/08/2022 06:57 (GMT+7)

Việt Nam: Điểm đến đầu tư chất lượng cao

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam đứng thứ 5 trong số 35 quốc gia châu Á về độ mở của nền kinh tế. Đó là kết quả trong báo cáo của nhà nghiên cứu thị trường Fitch Solution mới đây. Độ mở kinh tế này được đánh giá dựa trên giá trị xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI.

Địa điểm đến của làn sóng dịch chuyển đầu tư

Việt Nam đang được đánh giá là một điạ chỉ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, là địa điểm đến của làn sóng dịch chuyển đầu tư.

Việt Nam đứng thứ 5 trong số 35 quốc gia châu Á về độ mở của nền kinh tế. Đó là kết quả trong báo cáo của nhà nghiên cứu thị trường Fitch Solution mới đây. Độ mở kinh tế này được đánh giá dựa trên giá trị xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Đây đều là những điểm sáng của nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm.

Việt Nam: Điểm đến đầu tư chất lượng cao - Ảnh 1
Việt Nam đang được đánh giá là một điạ chỉ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, là địa điểm đến của làn sóng dịch chuyển đầu tư. (Ảnh minh họa)

Với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 7 tháng qua ước tính đạt gần 11,6 tỷ USD, tăng hơn 10 % so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất cùng kỳ trong 5 năm qua.

Có thể nói, Việt Nam đang được đánh giá là một điạ chỉ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, là địa điểm đến của làn sóng dịch chuyển đầu tư. Điều này được thể hiện qua các con số tăng lên về giá trị đầu tư và cả chất lượng của các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian gần đây.

4 tháng gần đây, Công ty Phát triển năng lượng Trina Solar - sản xuất pin năng lượng mặt trời - liên tục vượt công suất 55% so với bình thường, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Do vậy, doanh nghiệp đã quyết định mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Ông Diêu Chúc Huy - Giám đốc quản lý chất lượng, Công ty Phát triển năng lượng Trina Solar cho hay: "Chúng tôi kỳ vọng rất lớn doanh nghiệp cung ứng tại Việt Nam có khả năng đáp ứng đủ chất lượng sản phẩm, giá thành và có thể phân phối được số lượng bên chúng tôi yêu cầu. Vì khi nhu cầu tăng trở lại vào cuối năm nay và sang năm, nếu có hợp đồng là chúng tôi có thể phải sản xuất đại trà và cung ứng ngay cho các khách hàng".

Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã lựa chọn mở rộng đầu tư như công ty trên. 7 tháng đầu năm đã có 579 lượt dự án mở rộng hoạt động với tổng mức đầu tư tăng thêm hơn 7,2 tỷ USD, tăng 60 % so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện ước tính đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất cùng kỳ trong 5 năm qua.

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam ông Takeo Nakajima đánh giá: "Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn hàng đầu của doanh nghiệp Nhật Bản, chỉ xếp sau Mỹ và có thể kỳ vọng dòng vốn đầu tư ổn định từ Nhật Bản trong những năm tới. Quốc gia các bạn đang kiểm soát tốt lạm phát - điều mà nhiều quốc gia khu vực và toàn cầu không làm được. Trong khi đó, xuất khẩu Việt Nam năm nay vẫn cho thấy triển vọng tăng trưởng 15-17%".

Việt Nam trong khoảng 1 năm nay cũng đón nhận một loạt các nhà đầu tư lớn có tên tuổi và các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao như: Trung tâm nghiên cứu và phát triển 220 triệu USD của Samsung dự kiến hoàn thiện cuối năm nay; Apple sẽ sản xuất máy tính và đồng hồ thông minh tại Việt Nam; Nhà máy trung hoà carbon 1 tỷ USD của LEGO dự kiến khởi công vào tháng 11; Boeing mới bày tỏ ý định phát triển các nhà cung ứng tại Việt Nam. Đây là những minh chứng rõ nét khẳng định xu hướng dòng vốn FDI chất lượng cao tại Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Italy tại Việt Nam (ICHAM) ông Michele D’ercore cho biết: "Chúng tôi tập trung hợp tác đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam, bên cạnh đó là cơ khí chính xác. Chúng tôi đánh giá cao thị trường Việt Nam tại khi vực Đông Nam Á vì kết quả tăng trưởng GDP vẫn dương trong hai năm đại dịch".

Thách thức từ làn sóng đầu tư nước ngoài

Hiện đòng đầu tư lớn hướng vào Việt Nam đang tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa tham gia vào một quy trình sản xuất và cung ứng bài bản, qua đó nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Nhiều doanh nghiệp Việt trên thực tế đã không chỉ dừng lại ở việc sản xuất linh kiện cơ khí, lắp ráp máy móc mà đã sản xuất cả các cấu phần thiết bị điện, điện tử công nghệ cao, có giá trị lớn hơn. Tuy nhiên, để góp mặt vào cuộc chơi lớn này, các doanh nghiệp nội địa cũng sẽ phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe.

Công ty KDH Thái Nguyên hiện vừa sản xuất, vừa làm đầu mối cung cấp các các sản phẩm cơ khí chính xác trong lĩnh vực ô tô để cung cấp cho các nhà máy của Nhật Bản và Hàn Quốc ở Việt Nam. Doanh nghiệp này giống như một "nhà tổng thầu" cung cấp thiết bị cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cái khó là tìm được các "nhà thầu phụ" ngay trong nước.

Ông Đoàn Như Hải, Tổng Giám đốc Công ty KDH Thái Nguyên cho hay: "Những linh kiện đấy yêu cầu về khả năng kỹ thuật gia công cao cho nên một số công ty Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu như vậy".

Năng lực hạn chế của các doanh nghiệp trong nước sẽ làm giảm bớt cơ hội tham gia vào các công đoạn cao trong mạng lưới sản xuất toàn cầu. Đây là thách thức mà chính các doanh nghiệp nội phải vượt qua, nhất là trong xu thế hình thành chuỗi cung ứng khép kín hiện nay.

Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho biết: "Quan trọng hơn nữa là sự tham gia sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam từ khu vực cơ khí chính xác đến công nghiệp công nghệ cao, sản xuất không còn là nhỏ lẻ, mà là một chuỗi gắn kết từ nhà cung ứng cấp 1, cấp 2, cấp 3".

Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam nhận định: "Chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp nội địa sẽ phải dần hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu cao".

Các chuyên gia cho rằng, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không sớm khắc phục những điểm yếu về năng lực sản xuất và quản trị sẽ chỉ tiếp tục giữ vai trò gia công, lắp ráp đơn thuần và cơ hội trở thành nhà cung ứng tập đoàn đa quốc gia lớn lại rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Ở báo cáo cập nhật thường kỳ toàn cầu, Việt Nam vẫn là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài với nhiều lợi thế như: Môi trường vĩ mô ổn định, nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế thu hút đầu tư, nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng. Đây là điều kiện để Việt Nam tiếp tục thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao thời gian tới đây.

Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội, nhận định: "Việt Nam đang nằm trong số 3 quốc gia thu hút nhiều cơ hội kinh doanh về chuyển đổi số nhất trong khu vực, bên cạnh Singapore và Indonesia. Đầu tư mạo hiểm vào chuyển đổi số ở Việt Nam đã vượt 1,4 tỷ USD vào năm 2021, so với con số 30 triệu USD vào 5 năm trước. Nhật Bản đã có kinh nghiệm trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số ở các lĩnh vực như: môi trường, năng lượng, giao thông, hậu cần, sản xuất chế tạo, thiên tai... Doanh nghiệp Nhật Bản có lợi thế về công nghệ và kinh nghiệm. Còn Việt Nam có thị trường đang phát triển và nguồn nhân lực dồi dào. Vì vậy đôi bên có thể hợp tác, bổ sung lẫn nhau, hình thành mối quan hệ tương hỗ”.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam: Điểm đến đầu tư chất lượng cao. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới