Việt Nam lọt danh sách giám sát tài chính của Mỹ
Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra danh sách 9 quốc gia cần giám sát về chính sách tiền tệ, bao gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Italy, Ireland, Singapore, Malaysia và Việt Nam.
Ngày 29/5, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ban hành báo cáo về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ". Tại kỳ báo cáo này, Mỹ đã tăng số lượng đối tác thương mại được xem xét lên 21 quốc gia có kim ngạch thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ đạt trên 40 tỉ USD, trong đó có Việt Nam.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính Mỹ đưa 3 nền kinh tế Đông Nam Á, gồm: Malaysia, Singapore và Việt Nam vào danh sách các nước bị giám sát về các thực hành tiền tệ không công bằng.
Theo các quy tắc được sử dụng trong báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ, một nước có thể được gắn nhãn là nước thao túng tiền tệ nếu dính 3 tiêu chí: có thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỉ USD; Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.
Quốc gia nào dính 2 trong 3 tiêu chí trên sẽ bị đưa vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ. Theo báo cáo này, Singapore bị đưa vào danh sách giám sát vì thặng dư tài khoản vãng lai lớn và mua ngoại tệ khoảng 17 tỉ đô la Mỹ vào năm 2018; Malaysia và Việt Nam được xác định có mức thặng dư thương mại lớn với Mỹ và có mức thặng dư tài khoản vãng lai cao.
Các ngân hàng trung ương của Malaysia và Singapore đã nhanh chóng phản bác các ám chỉ cho rằng họ đang bóp méo giá trị đồng nội tệ của họ để giành lợi thế trong hoạt động xuất khẩu. Singapore quản lý chính sách tiền tệ thông qua tỷ giá hối đoái, chứ không phải lãi suất và đồng đô la Singapore được phép thả nổi ở một khoảng dao động không được tiết lộ so với rổ tiền tệ được sử dụng nhiều nhất trong thương mại quốc tế...
Bộ Tài chính Mỹ lập Danh sách giám sát gồm Trung Quốc (chỉ thỏa mãn một tiêu chí nhưng có thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ rất lớn) và 8 đối tác thương mại lớn khác thỏa mãn 2/3 tiêu chí. Việt Nam cũng thoả mãn hai tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai.
Về thông tin này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Bộ Tài chính Hoa Kỳ quan tâm trên tinh thần hợp tác. Đồng thời, cơ quan này sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế cũng như đặc thù của kinh tế Việt Nam, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không lành mạnh.
Kim Anh