Việt Nam nằm trong nhóm có giá trị xuất nhập khẩu lớn nhất toàn cầu
Theo Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong gần 20 năm (giai đoạn 2000-2019) ghi nhận dấu ấn 3.995 tỉ USD.
Quy mô xuất khẩu tiếp tục lớn mạnh hơn so nhập khẩu, thặng dư cán cân thương mại đã lên tới 10,94 tỉ USD. (Ảnh: TTXVN) |
Báo cáo thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, thời điểm cuối tháng 12/2019, trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã cán mốc 500 tỉ USD. Tính trong 11 tháng của năm, quy mô xuất khẩu tiếp tục lớn mạnh hơn so nhập khẩu, thặng dư cán cân thương mại đã lên tới 10,94 tỉ USD. Quy mô xuất khẩu tiếp tục lớn mạnh hơn so nhập khẩu, thặng dư cán cân thương mại đã lên tới 10,94 tỉ USD.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của nhóm doanh nghiệp doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 297,87 tỉ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, mức tăng trưởng xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đạt15,1% và duy trì 3 năm liên tiếp với tốc độ tăng trên 10%.
Cán mốc 500 tỉ USD
Quay lại dấu mốc năm 2001, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận trị giá xuất nhập khẩu ở mức khiêm tốn hơn 30 tỉ USD. Sáu năm sau, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước trong năm 2007 cán mốc 100 tỉ USD, đây là thời kỳ Việt Nam bắt đầu trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Theo đó, Việt Nam đang từng bước thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, tranh thủ khả năng hợp tác thương mại, đầu tư, hội nhập, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế đất nước.
Và, nền kinh tế đã ghi dấu những bước chuyển biến mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp. Các nền kinh tế lớn có sự tăng trưởng không đồng đều.
Nhìn lại chặng đường xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những năm qua cho thấy bước tiến mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu nhập khẩu. Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong gần 20 năm (giai đoạn 2000-2019) của Việt Nam đã đạt 3.995 tỉ USD.
Cụ thể, tổng trị giá xuất nhập khẩu tăng lên 200 tỉ USD vào năm 2011 và 300 tỉ USD trong năm 2015. Xu thế tăng trưởng tỉ trọng xuất nhập khẩu tiếp tục tăng nhanh với 400 tỉ USD vào năm 2017. Và, dấu mốc 500 tỉ USD chính thức xác nhận vào nửa cuối vủa năm nay.
Với kết quả này, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu.Trong nội khối ASEAN, Việt Nam có vị trí thứ 3 về xuất nhập khẩu, chỉ sau Singapore và Thái Lan.
Cán cân thương mại thặng dư đổi chiều
Báo cáo cũng chỉ ra, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đã đạt thặng dư liên tục sau một thời gian dài thâm hụt (nhập siêu) trước đó.
Từ năm 2011 trở về trước, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam luôn trong trạng thái thâm hụt, kéo dài. Giá trị nhập siêu lên đến hàng tỉ USD và đỉnh điểm lên tới 18,02 tỉ USD trong năm 2008.
Nhưng từ năm 2012 đến nay, cán cân thương mại đã đổi chiều, thặng dư (xuất siêu) liên tục (trừ năm 2015, có mức thâm hụt trị giá 3,55 tỉ USD). Kết thúc năm 2018, xuất siêu hàng hóa của nước ta đã đạt 6,83 tỉ USD.
Theo báo cáo thống kê này, nếu như trước đây Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản là 3 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam thì sang năm 2013 đến nay, Hàn Quốc tăng tốc độ tăng vượt trội và chính thức vượt Nhật Bản, vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 3 của Việt Nam.
Cụ thể, trong 11 tháng từ đầu năm 2019, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 105,8 tỉ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ, Hoa Kỳ đạt 68,7 tỉ USD, tăng 24,5%, Hàn Quốc đạt 61,4 tỉ USD, tăng 1,8% và Nhật Bản đạt 36,3%, tăng 4,6%.
Diễn biến trong 11 tháng, hoạt động xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tăng mạnh, theo đó xuất sang các thị trường Trung Quốc và ASEAN lại tăng chậm lại đồng thời xuất sang Liên minh châu Âu (EU28) đã giảm nhẹ.
Theo đại diện của Tổng cục Hải quan, để đạt được những kết quả nêu trên, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ việc triển khai các Nghị quyết (như Nghị quyết: 01/NQ-CP, 02/NQ-CP, 35/NQ-CP, 36a/NQ-CP, 19/NQ-CP...) nhằm đẩy mạnh việc cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.
“Trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực Hải quan, thời gian qua đã có nhiều nỗ lực và kết quả trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan, cải cách thể chế, hiện đại hóa hải quan,” đại diện Tổng cục Hải quan chia sẻ.