Chủ nhật, 24/11/2024 08:56 (GMT+7)
Thứ năm, 23/12/2021 19:00 (GMT+7)

Việt Nam phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo

Theo dõi KTMT trên

Với lợi thế về gió và mặt trời của một quốc gia khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam xác định đây là hai nguồn năng lượng chính để phát triển điện sạch, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Những con số ấn tượng

Tính đến hết tháng 9/2021 năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, không kể thủy điện) đã đạt 22,68 tỷ KWh, chiếm đến 11,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Theo đánh giá của Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia có ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong bản đồ bức xạ mặt trời thế giới. Trung bình, tổng bức xạ năng lượng mặt trời ở nước ta dao động từ 4,3-5,7 triệu kWh/m2. Ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, số giờ nắng khá cao, đạt từ 2.000-2.600 giờ/năm. Với quy hoạch Điện VII điều chỉnh đưa ra triển vọng và đặt kế hoạch khai thác được khoảng 850 MW điện mặt trời vào năm 2020; sẽ nâng lên 4.000 MW vào năm 2025 và có thể khai thác khoảng 12.000 MW vào năm 2030. 

Trong những năm gần đây, với các cơ chế khuyến khích, điện mặt trời đã có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên cả nước đã đạt khoảng 19.400 MWp (tương đương 16.500 MW), chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện Quốc gia. 

Việt Nam phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo - Ảnh 1
Việt Nam đi đầu trong khu vực ASEAN về tổng công suất điện tái tạo (gió và mặt trời).

Theo đánh giá của ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, Việt Nam đã vượt Đức về tỷ trọng điện mặt trời trong cơ cấu công suất nguồn (16.500/60.000 MW so với 51.500/211.000 MW) và đi đầu trong khu vực ASEAN về tổng công suất điện tái tạo (gió và mặt trời).

Đặc biệt, năm 2020 đã chứng kiến sự bứt phá của điện mặt trời mái nhà của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến hết ngày 31/12/2020, 101.029 công trình điện mặt trời mái nhà được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới 9.296 MWp. 

Chỉ trong vài ngày trước khi chính sách này hết hạn, số lượng dự án đã tăng chóng mặt khi ngày 28/12, có 86.003 dự án điện mặt trời mái nhà hòa lưới với tổng công suất 5.289 MWp. Đến ngày 30/12, cả nước có 90.435 dự án điện mặt trời mái nhà hòa lưới với tổng công suất 6.354 MWp. 

Đáng chú ý, chỉ riêng trong ngày 31/12, con số "chốt sổ" đã lên tới 9.296 MWp với 101.029 công trình. Tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà Việt Nam hiện nay đã gần bằng 5 lần công suất lắp đặt của nhà máy thủy điện Hòa Bình.

Có thể nói, Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ thực sự đã tạo nên “cú hích” cho điện mặt trời mái nhà phát triển. Với nhiều lợi ích mang lại cho chính chủ đầu tư cũng như cộng đồng, việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà đã được người dân, doanh nghiệp quan tâm. Được biết, Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích điện mặt trời tại Việt Nam của chính phủ hết hiệu lực vào ngày 31/12. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã chạy nước rút đấu nối vào lưới điện để được hưởng mức giá ưu đãi (giá FIT) điện mặt trời trên mái nhà 1.943 đồng/kWh, tương đương 8,38 cent/kWh, kéo dài trong 20 năm. 

Trong khi điện mặt trời đạt mức phủ rộng lớn nhất tại Việt Nam, công suất điện gió được lắp đặt cũng tăng nhanh. Vào cuối năm 2020, công suất điện gió lắp đặt đạt 600 MW, chỉ sau Thái Lan (1.507MW) trong số các nước ASEAN.

Theo thống kê của EVN, thời gian gần đây đã có tổng cộng 106 nhà máy điện gió với tổng công suất 5755,5 MW gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD). 

Trong số 106 nhà máy điện gió này, đến thời điểm hết ngày 31/10/2021 đã có 69 nhà máy điện gió với tổng công suất 3298,95 MW đã được công nhận vận hành thương mại COD.

Đặc biệt là các tỉnh miền Trung và miền Nam đặc biệt thích hợp để sản xuất điện gió. Một số cụm trang trại điện gió trên bờ lớn nhất Việt Nam đã hoạt động ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Trị và Bạc Liêu.

Việt Nam phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo - Ảnh 2
Với lợi thế về gió và mặt trời của một quốc gia khí hậu nhiệt đới gió mùa, đây là 2 nguồn năng lượng chính để phát triển điện sạch tại Việt Nam.

Như vậy, nếu bao gồm cả 15 nhà máy điện gió đã được công nhận COD và vào vận hành từ trước đây thì trong hệ thống điện quốc gia đã có tổng cộng 84 nhà máy điện gió với tổng công suất 3980,27 MW được công nhận vận hành thương mại COD.

Tăng trưởng đáng kể qua các năm

Thống kê cho thấy, các nguồn năng lượng tái tạo được tập trung phát triển mạnh tại miền Nam với tổng công suất điện mặt trời đạt tới 3.491 MW và điện gió 288 MW vào năm 2019. Điều này đã góp phần quan trọng trong bù đắp lượng điện thiếu hụt do các nguồn điện chậm trễ tại đây. 

Đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 69.300 MW, tăng 14.000 MW so với năm 2019, trong đó các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng 11.780 MW. Trong năm 2020 các nguồn điện năng lượng tái tạo phi thủy điện đóng góp 12,203 tỷ kWh, chiếm 4,9% điện sản xuất toàn hệ thống, trong đó điện mặt trời sản xuất 10,877 tỷ kWh, chiếm 4,4%. Với miền Nam, tổng điện thương phẩm trên địa bàn 21 tỉnh thuộc EVNCPC năm 2020 đạt 75,438 tỷ kWh, so với năm 2019 chỉ tăng thêm 3,8%.

Có thể thấy, công suất nguồn bổ sung năm 2020 chủ yếu từ các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó nguồn điện mặt trời năm 2020 đã đạt 16.700 MW, chiếm tới 24% tổng công suất nguồn hệ thống. Với điện mặt trời mái nhà, năm 2019 cả nước mới có 272 MW, nhưng cuối năm 2020 nguồn điện mặt trời mái nhà lên tới trên 7.780 MW, chiếm gần một nửa tổng công suất các nguồn điện mặt trời. 

Đến hết tháng 8/2020, có 52 nhà máy điện mặt trời trang tại tại khu vực phía Nam đã đóng điện, đi vào vận hành, với tổng công suất lắp đặt là 2.584 MWp và trên 2,26 tỷ kWh là sản lượng đóng góp của các nhà máy điện mặt trời phía Nam (trong 8 tháng năm 2020), chiếm 4,43% tổng sản lượng điện toàn hệ thống điện miền Nam.

Cùng với đó, theo nghiên cứu mới nhất, tỷ trọng điện Mặt trời và điện gió của Việt Nam tăng nhanh nhất khu vực ASEAN, châu Á – Thái Bình Dương, cao hơn nhiều nước trên thế giới. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sản lượng điện Mặt Trời và điện gió của Việt Nam đã tăng từ 4,7TWh năm 2019 lên 9,5TWh vào năm 2020, tương đương với mức tăng 1,98% trong tổng sản lượng điện.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới