Thứ hai, 25/11/2024 07:26 (GMT+7)
Thứ sáu, 22/10/2021 15:30 (GMT+7)

Việt Nam tăng 5 bậc về thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững

Theo dõi KTMT trên

Chỉ số xếp hạng phát triển bền vững của Việt Nam đã tăng 5 bậc, xếp thứ 49/166 quốc gia sau những nỗ lực không ngừng đẩy mạnh thực hiện phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, hạn chế nguy cơ biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Sau 5 năm thực hiện các mục tiêu, thứ hạng của Việt Nam về kết quả thực hiện các Chỉ số xếp hạng phát triển bền vững (SDGs) liên tục tăng trên phạm vi toàn cầu trong giai đoạn 2016 - 2020.

Trong đó, năm 2020, Việt Nam được đánh giá đứng thứ 49/166 nước về chỉ số SDGs, tăng 5 bậc so với xếp hạng năm 2019.

Số liệu được đưa ra tại Hội thảo công bố Báo cáo quốc gia năm 2020: “Tiến độ 5 năm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” (Báo cáo SDGs quốc gia năm 2020) do Bộ KH&ĐT tổ chức ngày 21/10.

Theo Báo cáo “Rà soát quốc gia tự nguyện thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam” của Chính phủ Việt Nam, là một quốc gia thành viên của Liên Hợp quốc, Việt Nam đã tích cực tham gia vào tiến trình thực hiện phát triển bền vững trên thế giới.

Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của mình trong thực hiện Chương trình nghị sự 21 về phát triển bền vững, thực hiện MDG, trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việt Nam tăng 5 bậc về thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 1
Việt Nam nâng tầm trong phát triển bền vững. (Ảnh minh họa)

Theo ông Jones, Báo cáo Quốc gia năm 2020 về SDG cho thấy, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc thực hiện các mục tiêu trong thời gian qua và đến năm 2030, có khả năng sẽ đạt được 5 trong số 17 mục tiêu, bao gồm: Mục tiêu 1 về xóa nghèo, Mục tiêu 2 về xóa đói, Mục tiêu 4 về giáo dục có chất lượng, Mục tiêu 13 về các hành động bảo vệ khí hậu, và Mục tiêu 17 về quan hệ đối tác toàn cầu.

Việt Nam đã quốc gia hóa Chương trình Nghị sự 2030 của toàn cầu thành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia.

Báo cáo ra SDGs sẽ cung cấp cơ sở cho các cuộc thảo luận về các cách thức trong quá trình phục hồi sau đại dịch. Việt Nam đã nỗ lực trong việc thu hẹp khoảng cách và hướng tới các mục tiêu năm 2030. Việt Nam cũng tiến bộ đều đặn trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển bền vững.

Mặc dù đạt được những thành tựu đáng khích lệ, song Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong duy trì thành quả đã đạt được và hướng tới việc hoàn thành các SDGs vào năm 2030.

Báo cáo cho biết, có tới 10 SDGs sẽ gặp khó khăn, thách thức để hoàn thành (bao gồm: Mục tiêu 3 về sức khỏe tốt và cuộc sống hạnh phúc; mục tiêu 5 về bình đẳng giới; mục tiêu 6 về nước sạch và vệ sinh; mục tiêu 7 về năng lượng sạch và giá cả hợp lý; mục tiêu 8 về tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững; mục tiêu 9 về công nghiệp, sáng tạo và hạ tầng; mục tiêu 10 về giảm bất bình đẳng; mục tiêu 11 về TP và cộng đồng bền vững; mục tiêu 15 về bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học; mục tiêu 16 về hòa bình, công lý và thể chế vững mạnh).

Có 2 mục tiêu sẽ rất khó đạt vào năm 2030 (bao gồm mục tiêu 12 về sản xuất và tiêu dùng bền vững; mục tiêu 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển).

Trong số 115 mục tiêu cụ thể, có 54 mục tiêu cụ thể sẽ hoàn thành (chiếm gần 47%), nhưng còn 48 mục tiêu cụ thể (chiếm 41,7%) sẽ gặp khó khăn, thách thức phía trước và 13 mục tiêu cụ thể (chiếm 11,3%) rất khó đạt vào năm 2030.

Ông Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ KH&ĐT chỉ ra, nguyên nhân xuất phát từ thực trạng phát triển kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, đặc biệt dưới tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, như:

Tăng trưởng chững lại; Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn về kinh tế; sức ép lớn về phát triển hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường; Tài nguyên thiên nhiên đang bị suy thoái nghiêm trọng; Thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp; Chênh lệch giàu nghèo và trình độ phát triển giữa một số vùng, miền và địa phương đang có xu hướng ngày càng gia tăng.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam tăng 5 bậc về thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới