Chủ nhật, 24/11/2024 12:32 (GMT+7)
Thứ năm, 20/06/2019 11:22 (GMT+7)

Việt Nam tiếp tục có 2 đại học lọt top 1.000 thế giới

Theo dõi KTMT trên

Ngày 19/6, Tổ chức Giáo dục Quacquarelli Symonds (QS), Anh quốc, đã công bố bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới năm 2020. Đại học Quốc gia TP HCM và Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục là hai đại diện của Việt Nam xuất hiện trong bảng xếp hạng này.

Việt Nam tiếp tục có 2 đại học lọt top 1.000 thế giới - Ảnh 1
Trường Đại học Quốc gia TP HCM - Ảnh minh họa

Trong bảng xếp hạng 1.000 trường đại học hàng đầu của 82 quốc gia năm 2020, Việt Nam tiếp tục có hai trường đại học xuất hiện trong bảng xếp hạng này là Đại học quốc gia TP HCM và Đại học quốc gia Hà Nội.

Trong đó, Đại học Quốc gia TP HCM đứng top 701-750 và Đại học Quốc gia Hà Nội đứng top 801-1.000. Đây là lần thứ hai Việt Nam có đại diện lot top 1.000 thế giới do QS đánh giá.

Tiêu chí danh tiếng học thuật của Đại học Quốc gia TP HCM (chiếm trọng số cao nhất của bảng xếp hạng) tăng 70 bậc xếp hạng 427.

Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) được thành lập ngày 27 tháng 01 năm 1995 theo Nghị định 16/CP của Chính phủ trên cơ sở sắp xếp 9 trường đại học lại thành 8 trường đại học thành viên và chính thức ra mắt vào ngày 6 tháng 02 năm 1996

Năm 2001, ĐHQG-HCM được tổ chức lại theo Quyết định số 15/2001/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ. ĐHQG-HCM có Quy chế tổ chức và hoạt động riêng. Theo đó, ĐHQG-HCM là một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học - công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, đạt trình độ tiên tiến, làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

QS World xếp hạng các trường đại học theo 6 tiêu chí, gồm: danh tiếng học thuật (chiếm 40% tổng điểm), danh tiếng với nhà tuyển dụng (10%), tỷ lệ giảng viên/sinh viên (20%), tỷ lệ trích dẫn bài báo/giảng viên (20%), tỷ lệ giảng viên quốc tế (5%), và sinh viên quốc tế (5%).

Để có cơ sở dữ liệu khách quan cho việc đánh giá, QS World đã thực hiện phân tích hơn 93 triệu trích dẫn từ 13 triệu bài báo trên hệ thống Scopus, tiếp nhận phản hồi từ 1,5 triệu học giả và 240.000 khảo sát với các nhà tuyển dụng trên phạm vi toàn cầu. Từ đó xác định các trường đại học tốt nhất về chuyên môn, học thuật và các trường đại học tốt nhất về chất lượng đào tạo, sinh viên tốt nghiệp cung ứng cho thị trường lao động.

Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; ngang tầm khu vực, dần đạt trình độ quốc tế; đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, phù hợp với xu hướng phát triển giáo dục đại học tiên tiến.

Tính đến nay, ĐHQGHN là một thực thể gắn kết hữu cơ, với quy mô hợp lý, bao gồm 35 đầu mối: Cơ quan ĐHQGHN và 34 đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc, trong đó có 07 trường đại học thành viên; 07 viện nghiên cứu khoa học thành viên, trực thuộc; 05 Khoa trực thuộc và 02 trung tâm đào tạo và 13 đơn vị phục vụ, dịch vụ hoạt động tương đối đầy đủ trên các lĩnh vực: khoa học tự nhiên, công nghệ, khoa học xã hội - nhân văn, kinh tế, luật, giáo dục, ngoại ngữ, y dược.

Năm nay, các vị trí trong top 10 không có nhiều biến động. 10 trường đại học top đầu được xếp hạng năm 2020 vẫn nằm trong vị trí. Cụ thể, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ tiếp tục giữ vị trí thứ nhất. Hai trường giữ vị trí tiếp theo là Đại học Stanford và Đại học Harvard.

Singapore là quốc gia châu Á đạt thứ hạng cao nhất trong bảng xếp hạng này với hai đại diện. Cụ thể, Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Công nghệ Nanyang đều giữ vị trí thứ 11 trong bảng xếp hạng.

Trung Quốc cũng có 42 đại học lọt vào top 1.000 thế giới, trong đó Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) xếp thứ hạng cao nhất là 16. Australia có 35 trường đại học lọt top 1.000 thế giới, trong đó Đại học quốc gia Úc xếp thứ hạng cao nhất là 29.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam tiếp tục có 2 đại học lọt top 1.000 thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới