Thứ năm, 28/11/2024 02:05 (GMT+7)
Thứ tư, 28/10/2020 14:51 (GMT+7)

Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ động vật hoang dã

Theo dõi KTMT trên

Là một quốc gia nổi tiếng về sự đa dạng sinh học, nhưng hiện nay, tại Việt Nam, nhiều tổ chức bảo tồn thiên nhiên trong và ngoài nước đang phải vật lộn trong cuộc chiến khốc liệt chống lại nạn “diệt chủng động vật”.

Việc đại dịch Covid-19 được cho là xuất phát từ động vật hoang dã (ĐVHD), cũng như nhiều dịch bệnh khác bắt nguồn từ động vật, đã đến lúc buộc các ngành chức năng của tỉnh cần có các biện pháp cứng rắn hơn để kiểm soát ĐVHD.

Báo cáo "Sự im lặng của những chiếc bẫy dây: Khủng hoảng đặt bẫy tại Đông Nam Á " được WWF công bố hồi tháng 7/2020 đã chỉ ra nguy cơ tàn sát đối với các loài hoang dã.

Các nhà nghiên cứu đã xác định rất nhiều loài mục tiêu của hoạt động đặt bẫy, như lợn rừng, cầy, và tê tê, thuộc nhóm các loài có nguy cơ cao mang các bệnh truyền nhiễm. Ước tính mỗi năm có hàng triệu bẫy được đặt trong những cánh rừng của Khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, đặc biệt là ở Việt Nam, Lào và Campuchia.

Kết quả tuần tra của các đội kiểm lâm tại khoảng 10% các khu bảo tồn ở ba quốc gia này cho thấy, riêng trong năm 2019, khoảng 15.000 bẫy đã được tháo gỡ trong bốn khu bảo tồn thuộc Khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Ước tính có khoảng 12,3 triệu bẫy dây đang đe dọa các loài động vật hoang dã trong các khu bảo tồn ở Campuchia, Lào và Việt Nam.

Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ động vật hoang dã - Ảnh 1

Việt Nam là "điểm nóng" về săn bắt, khai thác, buôn bán ĐVHD 

Theo WWF, những năm qua, Việt Nam đã trở thành một trong những “điểm nóng” về săn bắt, khai thác, buôn bán ĐVHD trên thế giới. Kết quả từ một số nghiên cứu cho thấy nhu cầu tiêu thụ các loài hoang dã tập trung ở những thành phố lớn như ở TP.HCM, Hà Nội.

Trong khi đó, các tỉnh như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum là nơi khai thác các loài hoang dã. Quốc lộ 1 là tuyến đường vận chuyển các loài hoang dã nhiều nhất Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng được coi là một nước trung chuyển trong hoạt động buôn bán ĐVHD xuyên biên giới và xuyên quốc gia.

Tại Việt Nam, chỉ riêng trong hai Khu bảo tồn Sao la tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Nam, đã có 127.857 bẫy thú được tháo gỡ trong giai đoạn năm 2011-2019, trung bình mỗi năm tháo gỡ được 14.206.

Mật độ bẫy tại Khu bảo tồn Sao la tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam là 880 bẫy/km2, cao nhất trong khu vực.

Số lượng bẫy ước tính tại Việt Nam, tại bất kỳ một thời điểm nào, là hơn năm triệu bẫy, dựa trên mật độ bẫy ước tính trong khu bảo tồn là 110,7 bẫy/km2 với số liệu được coi như tương đồng giữa tất cả các khu bảo tồn. 

Các loài quan trọng khác tại Việt Nam bị đe dọa bởi hoạt động đặt bẫy bao gồm: Sao la, Mang lớn là những loài cực kỳ nguy cấp. Thỏ vằn Trường Sơn, Bò rừng, Cầy vằn bắc là những loài nguy cấp.

Việc tiêu thụ thịt và sản phẩm từ các loại ĐVHD quý hiếm như tê tê hay hổ được coi là sự thể hiện đẳng cấp của những người giàu có, trong khi phần lớn động vật ăn thịt và động vật móng guốc nhỏ được tầng lớp trung lưu xem như đặc sản.

Khảo sát cho thấy, nhiều người dân sống tại các đô thị của Việt Nam (20 - 80% tùy vào địa điểm) sử dụng các sản phẩm từ thịt ĐVHD ít nhất một lần mỗi năm. 60% - 80% việc sử dụng thịt ĐVHD tại các trung tâm đô thị xảy ra tại nhà hàng. Loài được tiêu thụ nhiều nhất, chiếm gần 75% tổng lượng tiêu thụ là lợn rừng.

Việc đặt bẫy và tiêu thụ ĐVHD còn làm tăng nguy cơ lan truyền các bệnh truyền nhiễm bắt nguồn từ động vật sang người. Các nhà nghiên cứu đã xác định rất nhiều loài mục tiêu của hoạt động đặt bẫy như lợn rừng, cầy, tê tê thuộc nhóm các loài có nguy cơ cao mang các bệnh truyền nhiễm.

Theo báo cáo, 58% trong số tất cả các mầm bệnh được phát hiện ở người được cho là có nguồn gốc từ động vật, bao gồm 60% - 73% các bệnh truyền nhiễm mới bùng phát. 71% các bệnh xuất hiện trong thời gian gần đây (từ năm 1940 - 2004) có nguồn gốc từ động vật và vật chủ là ĐVHD.

Các cuộc phỏng vấn với 16 thợ săn người Cơ Tu tại Việt Nam cho thấy, hơn một nửa trong số này (9 người) đặt bẫy để kiếm thêm thu nhập, không phải để cung cấp thực phẩm cho bản thân họ. Các cuộc khảo sát về kinh tế - xã hội tại các cộng đồng sống xung quanh 3 KBT của Trung Trường Sơn cho thấy khoảng 25%-33% làng bản chủ yếu dùng bẫy để săn bắt thú, không phải vì thức ăn hay để tồn tại mà đó là nguồn thu nhập chủ yếu của gần 40% người sống bằng nghề đi săn.

Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ động vật hoang dã - Ảnh 2

Bẫy thú đang gây ra sự chết chóc khủng khiếp cho các loài ĐVHD

Việt Nam là một trong hai nước duy nhất tại Đông Nam Á áp dụng mức phạt tối thiểu nghiêm khắc nhất đối với mọi hình thức săn bắt bằng bẫy trong các khu bảo tồn.

Ông Stuart Chapman, người đứng đầu Sáng kiến Tigers Alive của WWF, chia sẻ: “Các bẫy thú này đang gây ra sự chết chóc khủng khiếp cho các loài hoang dã, quét sạch bóng dáng của chúng khỏi những khu rừng, từ hổ đến voi, cầy vòi hương và tê tê. Nếu chính phủ các quốc gia Đông Nam Á không khẩn trương hành động, những loài động vật hoang dã này sẽ không có cơ hội tồn tại”.

“Nạn đặt bẫy chính là mối đe dọa hàng đầu đối với loài hổ trong khu vực. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc loài hổ được coi là đã tuyệt chủng ở Campuchia, Lào và Việt Nam. Nếu không có những biện pháp quyết liệt, nạn đặt bẫy thú sẽ dẫn đến một làn sóng tuyệt chủng ở khắp các quốc gia châu Á”, ông Stuart tiếp tục cho biết.

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng thịt thú rừng làm món ăn đặc sản trong khu vực đô thị, việc đặt bẫy đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hơn 700 loài thú bao gồm những loài đang có nguy cơ tuyệt chủng cao như voi châu Á, hổ, sao la và bò rừng. Khi mắc bẫy, động vật phải chịu đau đớn vài ngày hoặc hàng tuần trước khi chết bởi các vết thương, và, rất hiếm khi, nếu chúng có thể thoát khỏi bẫy thì chúng cũng chết bởi các vết thương hoặc do nhiễm trùng.

Bà Sophia Lim, Giám đốc Điều hành của WWF-Malaysia chia sẻ: “Chỉ tháo dỡ các bẫy thôi thì chưa đủ. Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á phải tăng cường thực thi luật pháp, cải thiện hệ thống pháp luật để ngăn chặn đặt bẫy một cách hiệu quả và quan trọng hơn là kêu gọi sự tham gia của người dân bản địa và các cộng đồng địa phương trong cuộc chiến này”.

Chính phủ các nước nói chung và Việt Nam nói riêng cần có những hành động cấp bách để giải quyết mối đe dọa này đối với các loài hoang dã, các hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng; phải ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển và tiêu thụ các loài động vật hoang dã có nguy cơ cao lây truyền dịch bệnh sang người, bao gồm hầu hết các loài móng guốc và các loài động vật ăn thịt - mục tiêu chính của các hoạt động đặt bẫy.

WWF cho rằng Luật về Bảo vệ ĐVHD phải đưa các chế tài xử lý các hành vi đặt bẫy, đồng thời công tác quản lý khu bảo tồn cần được đầu tư nguồn lực (cả về tài chính và nhân sự) hơn nữa để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và ứng dụng kỹ thuật và công nghệ hiệu quả hơn.

Các giải pháp chiến lược khác cũng cần được song song thực hiện như giảm cầu thịt thú rừng và các sản phẩm từ thú rừng trong và ngoài khu vực sông Mekong.

Ngoài ra, việc thực thi pháp luật tại các tụ điểm bán và tiêu thụ các sản phẩm ĐVHD cũng cần được triển khai hiệu quả hơn nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng đặt bẫy tại điểm nóng đa dạng sinh học toàn cầu này.

Bảo My

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ động vật hoang dã. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.

Tin mới