Chủ nhật, 24/11/2024 04:38 (GMT+7)
Thứ sáu, 15/04/2022 14:00 (GMT+7)

Việt Nam ưu tiên phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp

Theo dõi KTMT trên

Muốn chuyển đổi được mô hình sản xuất nông nghiệp từ “tăng trưởng về sản lượng, năng suất, thâm dụng tài nguyên” sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp “xanh, ít phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu”, cần khơi thông nguồn lực từ doanh nghiệp, nông dân.

Giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến nêu quan điểm này tại khai mạc Diễn đàn "Vai trò của khu vực tư nhân đối với giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp và hệ thống thực phẩm ở Việt Nam", tổ chức ngày 13/4. Diễn đàn có sự tham dự của Phó Chủ tịch Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Alfonso Garcia Mora.

Việt Nam ưu tiên phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp - Ảnh 1
Các sản phẩm ít phát thải sẽ chi phối thị trường nông sản và thương mại toàn cầu. (Ảnh minh họa)

Tại Diễn đàn, ông Phùng Đức Tiến đánh giá cao những cam kết của IFC trong việc hỗ trợ Bộ NN&PTNT tăng cường đóng góp của khu vực tư nhân vào nền nông nghiệp hiện đại, mang tính cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường.

"Nông nghiệp carbon thấp là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ NN&PTNT, nhằm góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 là đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050", Thứ trưởng Tiến chia sẻ quan điểm.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, cùng với phát triển bền vững, xu hướng sản xuất và tiêu dùng xanh, ít phát thải sẽ chi phối thị trường nông sản và thương mại toàn cầu. Chính vì vậy, để hội nhập trong kinh tế nông nghiệp, Việt Nam cần có những bước đi táo bạo và có tầm nhìn để chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phầm xanh, ít phát thải và bền vững. Bộ NN&PTNT đang định hướng xây dựng những chính sách quản lý sử dụng tài nguyên hướng thân thiện với môi trường, nhấn mạnh vào 2 ngành có lượng thải carbon lớn của Việt Nam là chăn nuôi và trồng lúa.

Thực tế hiện nay, trong phát triển nông nghiệp tại Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức để giảm phát thải, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi, giữ an toàn sinh học, giữ an toàn thực phẩm… Đây là những thách thức không chỉ để sản xuất sản phẩm cho nội địa mà cả việc đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường cao cấp.

"Để giải quyết vấn đề này, ngành nông nghiệp hiện đang hướng tới việc áp dụng công nghệ số trong nông nghiệp, chú trọng vào nông hộ nhỏ", Thứ trưởng Tiến khẳng định.

Cùng với đó, Thứ trưởng Tiến đề nghị IFC hỗ trợ tài chính và hỗ trợ kỹ thuật trong giảm phát thải chăn nuôi như nguồn lực để thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi; Hỗ trợ xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu trực tuyến về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính trong chăn nuôi. Hỗ trợ xây dựng và triển khai các hướng dẫn kỹ thuật kiểm soát phát thải khí nhà kính ngành NN&PTNT, bao gồm cả lĩnh vực chăn nuôi.

"Hiện nay Việt Nam đã hoàn thành đề xuất chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi theo cam kết COP26. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành chăn nuôi vì những tác dụng và hiệu quả của chương trình mang lại, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo nguồn năng lượng sạch và có thể bán tín chỉ tạo nguồn thu cho người dân và cho ngân sách nhà nước", Thứ trưởng Tiến cho biết thêm.

Tại diễn đàn, Phó Chủ tịch IFC, ông Alfonso Garcia Mora, khẳng định, IFC và Ngân hàng Thế giới cam kết hỗ trợ Bộ NN&PTNT Việt Nam trong việc triển khai chương trình mới và thực hiện các khuyến nghị của IFC. Bao gồm khuyến khích việc áp dụng các kỹ thuật thân thiện với môi trường, cải cách để triển khai các giải pháp kỹ thuật số trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng khả năng tiếp cận tài chính cho sản xuất công nghệ cao, quy mô lớn, áp dụng công nghệ bền vững và tiêu chuẩn quốc tế.

Việt Nam ưu tiên phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp - Ảnh 2
Ông Alfonso Garcia Mora và Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tại hội thảo.

Ông Alfonso Garcia Mora cũng nhìn nhận, với tầm nhìn của mình, Việt Nam đã sớm thực hiện các bước quan trọng nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi ngành nông nghiệp theo hướng xanh và carbon thấp thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tài chính.

Ô nhiễm môi trường do chăn nuôi

Việt Nam là một nước nông nghiệp với khoảng 70% số dân sống ở vùng nông thôn. Sản xuất nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế - xã hội nước ta. Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá mạnh về cả số lượng lẫn quy mô. Tuy nhiên, việc chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, thiếu quy hoạch, nhất là các vùng dân cư đông đúc đã gây ra ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.

Ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây nên chủ yếu từ các nguồn chất thải rắn, chất thải lỏng, bụi, tiếng ồn, xác gia súc, gia cầm chết chôn lấp, tiêu hủy không đúng kỹ thuật. Một kết quả kiểm tra mức độ nhiễm khuẩn trong chuồng nuôi gia súc cho thấy, tổng số vi khuẩn trong không khí ở chuồng nuôi cao gấp 30-40 lần so với không khí bên ngoài.

Đối với các cơ sở chăn nuôi, các chất thải gây ô nhiễm môi trường có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, làm giảm sức đề kháng vật nuôi, tăng tỷ lệ mắc bệnh, năng suất bị giảm, tăng các chi phí phòng trị bệnh, hiệu quả kinh tế của chăn nuôi không cao, . . .

Sức đề kháng của gia súc, gia cầm giảm sút sẽ là nguy cơ gây nên bùng phát dịch bệnh. Vì vậy, WHO [2005] khuyến cáo phải có các giải pháp tăng cường việc làm trong sạch môi trường chăn nuôi, kiểm soát, xử lý chất thải, giữ vững được an toàn sinh học, tăng cường sức khỏe các đàn giống. Các chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường do vi sinh vật (các mầm bệnh truyền nhiễm) là đặc biệt nguy hiểm, vì nó sẽ làm phát sinh các loại dịch bệnh như ỉa chảy, lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm H5N1,...

Lượng chất thải rắn mà các vật nuôi có thể thải ra theo tính toán thì (kg/con/ngày) là: Bò 10, trâu 15, lợn 2, gia cầm 0.2, do vậy hàng năm, đàn vật nuôi Việt Nam thải vào môi trường khoảng 73 triệu tấn chất thải rắn (phân khô, thức ăn thừa) và 25-30 triệu khối chất thải lỏng (phân lỏng, nước tiểu và nước rửa chuồng trại).

Khoảng 50% lượng chất thải rắn (36,5 triệu tấn), 80% chất thải lỏng (20-24 triệu m3) xả thẳng ra môi trường, hoặc sử dụng không qua xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ước tính một tấn phân chuồng tươi với cách quản lý, sử dụng như hiện nay sẽ phát thải vào không khí khoảng 0,24 tấn CO2 quy đổi thì với tổng khối chất thải nêu trên sẽ phát thải vào không khí 17,52 triệu tấn CO2.

Các nhà nghiên cứu đã ước tính được rằng chăn nuôi gây ra 18% khí gây hiệu ứng nhà kính làm cho nhiệt độ trái đất tăng lên (biến đổi khí hậu toàn cầu), lớn hơn cả phần do giao thông vận tải gây ra.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến,thực tế hiện nay trong phát triển nông nghiệp tại Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức để giảm phát thải, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi, giữ an toàn sinh học, giữ an toàn thực phẩm… Đây là những thách thức không chỉ để sản xuất sản phẩm cho nội địa mà cả việc đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường cao cấp. Để giải quyết vấn đề này, ngành nông nghiệp hiện đang hướng tới việc áp dụng công nghệ số trong nông nghiệp, chú trọng vào nông hộ nhỏ.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam ưu tiên phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới