Thứ bảy, 22/02/2025 10:12 (GMT+7)
Thứ ba, 28/01/2025 09:13 (GMT+7)

Vĩnh Phúc đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng xanh và bền vững

Theo dõi KTMT trên

Nhất quán quan điểm không đánh đổi môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Phát triển các khu công nghiệp theo hướng bền vững đang trở thành tiêu chí lựa chọn cao của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành với trách nhiệm xã hội. Trước xu hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, tỉnh Vĩnh Phúc xác định lấy công nghiệp làm mũi nhọn đột phá, động lực cho tăng trưởng, thu ngân sách Nhà nước và phát triển kinh tế, trong đó tập trung phát triển khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái để kiến tạo lợi thế cạnh tranh bền vững.

Phát huy tốt tiềm năng và lợi thế, sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, Vĩnh Phúc đã vươn lên trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư ở khu vực miền Bắc. Với vị trí tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, hạ tầng giao thông của địa phương này ngày càng được chú trọng hoàn thiện nên dễ dàng kết nối với các khu công nghiệp trọng điểm trong vùng, cả nước và quốc tế. Đặc biệt là hạ tầng logistics với cảng cạn ICD thuận tiện cho thông quan, xuất khẩu. Cùng với đó, Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch quỹ đất khoảng 4.500ha sẵn sàng dành cho các dự án công nghiệp công nghệ cao.

Vĩnh Phúc đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng xanh và bền vững - Ảnh 1
Khu công nghiệp Bá Thiện I được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Ảnh: VCCINews

Để thu hút đầu tư, tỉnh này chú trọng phát triển hạ tầng khu công nghiệp, nhất là ưu tiên phát triển các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp mới dọc theo các trục đường giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường vành đai 4, vành đai 5. Tập trung quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp gắn với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc nhằm hình thành hệ thống các khu công nghiệp phân bố hợp lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất bảo đảm phát triển bền vững, thực sự trở thành động lực cho phát triển chung toàn tỉnh.

Cùng với đó là cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong, ngoài nước; tăng cường quảng bá tiềm năng, xúc tiến đầu tư vào tỉnh tạo cơ hội kết nối hệ sinh thái phát triển công nghiệp; đồng hành cùng các doanh nghiệp đầu chuỗi, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đưa ra các giải pháp phát triển xanh, bền vững.

Hướng tới xây dựng môi trường xanh và bền vững, nhiều năm qua tỉnh Vĩnh Phúc luôn nhất quán quan điểm không thu hút đầu tư đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Điển hình phải kể đến năm 2018, tỉnh Vĩnh Phúc đã từ chối dự án xây dựng nhà máy dệt may có tổng vốn đầu tư 350 triệu USD của Tập đoàn TAL (Hồng Kông) bởi nhận thấy sự tác động tiêu cực đối với môi trường nếu triển khai, thực hiện dự án. Quan điểm này tiếp tục được khẳng định tại Quyết định số 2906/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, các dự án hạn chế thu hút đầu tư, không thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Trong quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này đã đề ra các phương án bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực điện tử, ô tô, xe máy, dược phẩm, nông nghiệp chất lượng cao gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bắt kịp xu hướng Net Zero trên thế giới.

Năm 2024, Vĩnh Phúc đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 637 triệu USD, tăng 59% so với kế hoạch; thu hút vốn đầu tư trong nước (DDI) đạt 6.080 tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra; số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ước đạt 1.550 doanh nghiệp, tăng 1,8% so với năm 2023.

Nhiều dự án công nghiệp công nghệ cao có thể kể đến như: Dự án sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH BH Flex tại Khu công nghiệp Khai Quang tăng vốn đầu tư 75 triệu USD; Dự án Korea Circuit Vina của Korea Circuit và Interflex Vina tại Cụm công nghiệp Đồng Sóc tăng 91 triệu USD; Dự án trung tâm dữ liệu HN03 của Công ty Cổ phần Viễn thông FPT với tổng vốn đầu tư hơn 1.121 tỷ đồng; Công ty TNHH Polaris Việt Nam là doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Polaris hoạt động tại Khu công nghiệp Bá Thiện II, huyện Bình Xuyên chuyên sản xuất mô tô, xe máy, phụ tùng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, châu Âu.

Vĩnh Phúc đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng xanh và bền vững - Ảnh 2
Lễ ký kết biển bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup. (Ảnh tư liệu)

Trước đó, ngày 23/11/2024, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup tổ chức Hội nghị "Chuyển đổi xanh - nhận thức và hành động vì một tương lai Vĩnh Phúc phát triển bền vững”. Ông Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh việc ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Vingroup là một sự thúc đẩy mới, quan trọng trong quá trình xây dựng một Vĩnh Phúc phát triển và bền vững.

Theo biên bản ghi nhớ hợp tác, UBND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phối hợp với Vingroup nghiên cứu, xây dựng Chương trình Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững tỉnh giai đoạn 2025 - 2030. Trong đó, các lĩnh vực trọng tâm chuyển đổi xanh bao gồm: du lịch xanh, công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh, hạ tầng đô thị xanh, giao thông xanh, lối sống xanh.

Hiện nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh này đi vào hoạt động cơ bản có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, gồm hệ thống thoát nước mưa, xử lý nước thải tập trung, khu vực lưu giữ chất thải rắn, hệ thống quan trắc nước thải tự động. Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khu công nghiệp được thiết kế đồng bộ và tuân thủ theo quy định, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Cùng với đó, diện tích cây xanh trong khu công nghiệp cơ bản bảo đảm theo quy định với tổng diện tích đất cây xanh 94,2ha, chiếm gần 9% diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch. Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp cũng đã thành lập bộ phận chuyên trách bảo vệ môi trường, có trách nhiệm vận hành hệ thống xử lý nước thải, giám sát chặt chẽ hoạt động xả thải của doanh nghiệp.

Nhằm đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển theo hướng kinh tế số, kinh tế tri thức, thời gian tới tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, sử dụng năng lượng sạch, công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí chế tạo, công nghiệp ô tô xe máy. Đồng thời đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, mở ra không gian phát triển mới; hỗ trợ về mặt bằng, đất đai, viễn thông, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng giao thông tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư; phát triển các khu công nghiệp mới gắn chặt với yêu cầu bảo vệ môi trường, hạ tầng xã hội.

Sông Hồng

Bạn đang đọc bài viết Vĩnh Phúc đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng xanh và bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Lãng đãng mùa Thu Nam Cầu Kiền
Lời thơ Phạm Hồng Điệp đã được phổ nhạc, tạo nên khúc tình ca lãng đãng Thu, thấm đãm tâm, tình của người doanh nhân trước những rung động nguyên sơ.