Chủ nhật, 24/11/2024 08:11 (GMT+7)
Thứ bảy, 16/01/2021 11:40 (GMT+7)

‘Vỡ mộng’ khi đầu tư vào điện mặt trời

Theo dõi KTMT trên

Sau khi chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (quyết định 13) hết hiệu lực từ 31/12/2020 không ít doanh nghiệp lâm vào cảnh nợ nần vì đầu tư vào điện mặt trời.

Những năm gần đây, phát triển điện mặt trời (ĐMT) điện gió được Chính phủ và giới chuyên gia xem là định hướng để giải quyết bài toán an ninh năng lượng của đất nước, nhờ tiềm năng lớn và thân thiện với môi trường.

Nhiều cơ chế ưu đãi đã được Chính phủ ban hành nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào năng lượng tái tạo như Quyết định 11/2017/QĐ-TTg của Chính phủ, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg về cơ chế ưu đãi với lĩnh vực điện năng lượng mặt trời; Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

‘Vỡ mộng’ khi đầu tư vào điện mặt trời - Ảnh 1
Khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp ĐMT đối mặt với nhiều rủi ro. (Ảnh minh họa: Internet)

Trước cơ hội to lớn từ mảng năng lượng mặt trời, nhiều doanh nghiệp và cá nhân đã bị sức hấp dẫn của mảng điện năng lượng mặt trời thu hút.

Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp ĐMT cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro. Ở đầu vào là yếu tố biến động thời tiết. Năm nào mưa nhiều, ít nắng, nhà máy không phát huy hết công suất. Những nhà máy được xây dựng ở khu vực có tiềm năng bức xạ nhiệt tốt như Ninh Thuận, Bình Thuận lại gặp phải câu chuyện quá tải đường dây truyền tải như từng xảy ra giữa năm 2019, khiến một số nhà máy phải xả bỏ tới 50% công suất.

Việc các chủ đầu tư dồn dập triển khai để kịp tiến độ hưởng cơ chế ưu đãi giá khiến hệ thống truyền tải điện không theo kịp là nguyên nhân của tình trạng này. Công suất lắp ĐMT ở thời điểm giữa tháng 7 đạt 4.464 MW, tăng 49% so với hồi đầu năm và gấp 5 lần so với mục tiêu 850 MW trong Quy hoạch điện 7 sửa đổi cho năm 2020.

Với các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng ngành điện, chi phí có thể lên tới 90% doanh thu, do phải trả lãi vay và chi phí khấu hao lớn. Chỉ cần giảm công suất 10% là có thể “bay” hết lợi nhuận. Tình trạng này càng kéo dài thì thiệt hại với doanh nghiệp càng tăng.

Nhà đầu tư "ngồi trên lửa"

Chia sẻ với báo Giao thông, ông Lê Văn Hoàng (Thanh Hóa), Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và du lịch Hoàng Sơn, cho biết, năm 2018, khi nghe thấy đài báo nói Chính phủ mở nhiều ưu đãi, kêu gọi các nhà đầu tư vào ĐMT góp phần tạo nguồn năng lượng sạch, ông Hoàng khi đó đang “phất” với mảng thương mại dịch vụ, du lịch, khách sạn liền thử sức “đánh liều” với lĩnh vực mới.

“Theo tính toán, mỗi dự án ĐMT chỉ cần khoảng 10 năm là hòa vốn. Có ai ngờ, đường vào thì dễ nhưng càng đi lại càng nhiều nút thắt, giờ thì không rút chân ra được”, ông Hoàng nói.

Tháng 10/2018, ông bắt đầu triển khai nhưng mất quá nhiều thời gian chạy thủ tục. Tới khi lo liệu giấy tờ, mặt bằng, thiết bị xong hai dự án (60MWh và 45 MWh) thì lúc đó thời hạn ưu đãi chỉ còn hơn một tháng (từ ngày 1/6/2017 đến ngày 30/6/2019, các dự án đầu tư ĐMT hòa lưới điện được hưởng giá bán điện cho EVN là 9,35 Uscents/kWh, tương đương 2.086 đồng/kWh).

“Vậy nên, tôi gấp rút đổ vốn làm dự án nhỏ trước nhưng vắt chân lên cổ cũng không kịp. Chờ tới ngày 6/4/2020, Chính phủ mới ra Quyết định 13, với mức giá mua ưu đãi khoảng hơn 1.600 đồng/kWh, thấp hơn nhiều so với giá lần 1”, ông Hoàng nói và cho rằng, chính sách lần này cũng ngắn hạn quá khiến doanh nghiệp xoay không kịp.

Thời gian gia hạn lần 2 chỉ kéo dài trong 9 tháng, trong khi tình hình dịch Covid-19 lại bùng phát, thiết bị nhập từ Trung Quốc khan hiếm, giá có lúc bị đẩy lên gấp 3 lần. Không mua thì không hoàn thành trước thời hạn 31/12/2020 mà mua thì chấp nhận chịu thua lỗ.

Hiện, nhà máy đã xong nhưng vẫn chưa biết tới bao giờ mới đấu tải được. Tới nay, ông Hoàng đã bỏ ra hơn 100 tỉ đồng cho dự án 45MWh, chưa tính tiền nhập thiết bị, trong đó có tới 70% tiền vay từ ngân hàng. Từ cuối năm 2019 tới nay, cả tiền trả ngân hàng lẫn chi phí khác để duy trì dự án, tính sơ, mỗi tháng ông Hoàng phải “vứt đi” hơn 200 triệu đồng.

“Cũng với số vốn này, nếu tôi đầu tư sang 3 dự án thương mại thì nay đã khác rồi, không phải chịu cảnh “giật gấu vá vai” để ôm dự án, đợi chính sách thì chưa biết tới bao giờ, với mức giá ra sao …”, vị giám đốc ngậm ngùi chia sẻ.

Cũng như anh Hoàng, nhiều người đã nôn nóng lắp đặt ĐMT khi chưa tham vấn cụ thể về hoạt động của hệ thống này. Miền Nam nắng nóng, ban ngày thừa điện, ban đêm không sử dụng được, vẫn phải sử dụng điện lưới như trước.

Do hòa mạng chung nên khi điện lưới bị cúp, nguồn ĐMT cũng ngừng theo. Và thực tế là điện năng thu được thấp hơn nhiều so với dự tính khi lắp đặt.

Với những hộ có nhu cầu sử dụng điện rất cao vào ban đêm thì sẽ rất lãng phí với lượng điện dư. Như gia đình anh Linh chỉ tiết kiệm mỗi tháng 500.000 đồng, tính ra muốn thu hồi số tiền đầu tư ban đầu phải mất đến vài mươi năm.

Nhiều chủ trang trại, cơ sở kinh doanh quy mô lớn đã đầu tư hàng tỉ đồng, thậm chí hàng chục tỉ đồng cho ĐMT đang như "ngồi trên lửa" khi rơi vào tình cảnh thất thu, "vương thì nợ". Nhiều người không khỏi thất vọng, chưng hửng khi bấy lâu nay vẫn nghĩ sẽ bán được điện dư với giá ổn định đến năm 2025.

‘Vỡ mộng’ khi đầu tư vào điện mặt trời - Ảnh 2
Nhiều chủ trang trại, cơ sở kinh doanh quy mô lớn rơi vào cảnh thất thu. (Ảnh: Internet)

Khó lường trước

Trước câu hỏi có tính toán khi quy hoạch để không xảy ra việc các nhà máy ĐMT phải giảm công suất liên tiếp thời gian dài gây thiệt hại nặng nề, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, khi xây dựng hệ thống điện, bao giờ đơn vị chức năng cũng phải xây dựng đủ công suất và có cả dự phòng cho trường hợp nguồn phải phát ở giờ cao điểm cao. Ví dụ, mức phát cao là 40 nghìn MW thì phải xây dựng để tối thiểu phải đáp ứng được mức phát 40 nghìn MW, chưa kể, cộng với mức dự phòng 30 - 40%.

Mặt khác, quy hoạch không phải “ngày mai cần điện, nay mới xây dựng” mà nó đã được xây dựng trước đó 3 - 4 năm nên thời điểm hiện tại chính là kết quả của những tính toán theo giả định tăng trưởng kinh tế xã hội nên mọi tác động “không lường trước được” sẽ dẫn đến những tác động ngoài ý muốn.

“Làn sóng Covid-19 vừa rồi làm giảm tốc độ tăng trưởng nhu cầu phụ tải, khiến nhu cầu tiêu thụ giảm thấp hơn. Hơn nữa, việc phát triển năng lượng mặt trời áp mái thời gian qua không lường trước được khi mọi người đều chạy đua nước rút để kịp đóng điện trước ngày 31/12/2020. Việc này đã khiến cho Trung tâm Điều hành điện quốc gia (A0) phải đưa ra cảnh báo điều độ, do vậy có thể tiếp tục dẫn tới việc phải cắt giảm nhiều nhà máy. Tuy nhiên, vượt qua giai đoạn phục hồi sau Covid-19 thì nhu cầu phụ tải sẽ tăng lên và sẽ tăng cao hơn vào những ngày hè”, vị này dẫn giải.

Giá mua ĐMT mái nhà năm 2021 sẽ là 2.162 đồng/kWh

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa cho biết giá mua ĐMT mái nhà năm 2021 sẽ là 2.162 đồng/kWh (tương đương 9,35 cent/kWh) đối với các dự án vận hành từ 1/6/2017 đến 30/6/2019 và 1.938 đồng (tương đương 8,38 cent/kWh) đối với các dự án vận hành từ 1/7/2019 đến 31/12/2020.

Mức giá này được quy đổi theo tỉ giá đồng Việt Nam đối với USD (1 USD bằng 23.131 đồng), dành cho những dự án đã vận hành thương mại trước ngày 31/12/2020. Còn đối với các dự án phát triển sau thời điểm trên, hiện nay Bộ Công Thương đang nghiên cứu chính sách giá nên vẫn còn "trống" về giá cũng như cơ chế phát triển.

Theo EVN, tính đến ngày 11/1, cả nước đã có 101.996 dự án ĐMT đã lắp đặt với tổng công suất 9.583 MWp. Trong đó, Tổng công ty Điện lực Miền Nam cho biết trong năm 2020, có 43.609 khách hàng lắp ĐMT mái nhà với công suất khoảng 5.409 MWp, tăng 26 lần so với năm 2019. Số tiền mà doanh nghiệp này đã thanh toán cho khách hàng bán ĐMT dư thừa lên lưới là 721 tỉ đồng.

Gánh nặng với môi trường

Xét một cách toàn diện, việc phát triển ồ ạt các dự án điện mặt trời còn tạo gánh nặng đối với môi trường. Hơn 1 triệu tấm pin được lắp đặt tại cụm nhà máy điện mặt trời của BIM Group, khoảng 300.000 tấm panel tại dự án của Srêpok và Quang Minh hay gần 150.000 tấm pin năng lượng tại dự án TTC Phong Điền cũng như nhiều dự án khác được đưa vào khai thác mà chưa tính đến việc sẽ phải làm gì khi các tấm pin hết hạn sử dụng.

Theo Cục Năng lượng Mỹ, một tấm pin mặt trời có thời gian sử dụng khoảng 20 - 30 năm tùy vào điều kiện môi trường. Nhiệt độ cao có thể khiến thời gian sử dụng ngắn hơn và yếu tố tiêu cực như tuyết, bụi sẽ gây tổn hại vật liệu bề mặt và mạch điện bên trong, làm giảm dần năng suất.

Pin mặt trời chứa các kim loại như chì, đồng, nhôm với các tế bào năng lượng mặt trời làm từ tinh thể silicon và được bọc trong lớp nhựa dày để bảo vệ. Việc phân loại và xử lý rác tốn chi phí lớn, chưa kể các hóa chất sinh ra trong quá trình tái chế gây hại cho môi trường.

Hiện có hai loại chất thải gây hại từ tấm pin năng lượng mặt trời. Chất thải từ sản xuất và chất thải từ pin năng lượng mặt trời sau khi đã qua vòng đời sử dụng, nếu rò rỉ ra bên ngoài sẽ gây tác hại khó lường. Điều đáng nói, cho đến nay hầu như vẫn chưa có phương pháp nào để giảm những vấn đề về chất thải độc của pin mặt trời. Trong quy trình sản xuất các tấm pin mặt trời đều sử dụng các chất liệu nguy hiểm như acid sulfuric và khí phosphine độc hại. Để tái sử dụng được các chất liệu này là cực kỳ khó khăn và các tấm năng lượng thường có vòng đời sử dụng rất ngắn.

Số liệu nghiên cứu từ Mỹ cho thấy, việc sử dụng các tấm năng lượng mặt trời làm tăng mạnh khí nhà kính nitrogen trifluoride (NF3), một loại khí mạnh hơn gấp 17.200 lần so với khí CO2.

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết ‘Vỡ mộng’ khi đầu tư vào điện mặt trời. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới