Vũng Áng: Nâng cấp Quốc lộ 8 nối cảng Vũng Áng với Lào, Vinhomes muốn làm khu đô thị 82 ha
Việt Nam và Lào đang hợp tác đầu tư khai thác cảng Vũng Áng, đồng thời Công ty cổ phần Vinhomes (thuộc Tập đoàn Vingroup) vừa có đề xuất tài trợ lập quy hoạch chi tiết khu đô thị trung tâm khu kinh tế Vũng Áng, phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Vinhomes đề xuất tài trợ lập quy hoạch
Ngày 23/3, theo thông tin tại buổi làm việc mới đây giữa lãnh đạo UBND thị xã Kỳ Anh và đại diện Vinhomes, quy hoạch chi tiết sẽ được xây dựng trên tỷ lệ 1/500 với diện tích 81,92 ha gồm 2 khu có ranh giới phía bắc giáp đường Trần Phú, phía tây giáp khu quy hoạch hành chính, phía đông và nam giáp khu dân cư hiện trạng.
Lãnh đạo UBND thị xã Kỳ Anh cho biết, sẽ sớm có văn bản trình UBND tỉnh Hà Tĩnh cho chủ trương để triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết đồng thời, đề nghị Vinhomes tiếp tục xem xét mở rộng quy hoạch để phù hợp với phát triển chung của địa phương.
Mới đây, Vinhomes cũng đã có văn bản đề xuất dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tại lô CN4, CN5 - khu công nghiệp trung tâm thuộc khu kinh tế Vũng Áng với tổng mức đầu tư dự kiến 9.311 tỷ đồng tại khu kinh tế Vũng Áng.
Theo kế hoạch, dự án sẽ được thực hiện trên diện tích 1.007 ha. Thời gian hoạt động của dự án là 70 năm kể từ ngày được cấp quyết định chủ trương đầu tư.
Dự kiến, trong quý I/2022, các bên sẽ triển khai các thủ tục pháp lý về quy hoạch và chủ trương đầu tư, thành lập quy hoạch khu công nghiệp; trong quý II/2022 triển khai giải phóng mặt bằng, giao đất phê duyệt dự án; trong năm 2023 sẽ thi công hạ tầng và đưa dự án vào hoạt động kinh doanh.
Theo kế hoạch của Vingroup, đến quý IV/2022, tập đoàn sẽ triển khai các dự án nằm trong tổ hợp gồm nhà máy sản xuất ô tô, cảng biển kết hợp logistic và khu du lịch nghỉ dưỡng tại khu kinh tế Vũng Áng.
Dự án có quy mô 2.000 ha tại khu kinh tế Vũng Áng thuộc thị xã Kỳ Anh. Trong đó, diện tích đất liền là 1.500 ha, diện tích mặt nước biển là 500 ha. Dự kiến giai đoạn 1 sẽ xây dựng trong 2 năm kể từ khi có giấy phép xây dựng, giai đoạn 2 sẽ xây dựng sau khi giai đoạn 1 vận hành từ 3-5 năm.
Dự kiến, nhà máy ô tô Vinfast sẽ triển khai vào quý III/2022. Tiếp đến là dự án đầu tư cảng biển và logistics có tổng diện tích 824 ha, triển khai vào quý IV/2022. Cũng nằm trong tổ hợp các dự án, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Kỳ Ninh dự kiến sẽ triển khai vào quý IV/2022.
Vào cuối tháng 12/2021, Vingroup đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất pin VinES. Dự án nhà máy sản xuất pin sẽ cung cấp pin lithium dành cho các dòng xe ô tô điện và bus điện của VinFast.
Trong giai đoạn I, nhà máy được triển khai xây dựng với quy mô 8 ha, tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng. Toàn bộ hạ tầng của nhà máy gồm các phân xưởng đúc linh kiện, hàn tổ hợp và đóng gói sẽ được xây dựng nhằm đảm bảo công suất 100.000 pack pin/năm.
Giai đoạn 2 nhà máy sẽ được mở rộng để sản xuất các tế bào pin và nâng cao công suất lên 1 triệu pack pin/năm.
Nâng cấp Quốc lộ 8 nối cảng Vũng Áng với Lào
Cũng vừa mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 2713/BGTVT-KHĐT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc tham gia ý kiến về các đề xuất của phía Lào.
Cụ thể, Bộ GTVT đã nhận được Công văn số 1346/BKHĐT-KTĐN ngày 4/3 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xin ý kiến về nâng cấp Quốc lộ 8 để trả lời phía Lào.
Sau khi khi nghiên cứu, Bộ GTVT có ý kiến như sau:
Về việc nâng cấp, cải tạo quốc lộ 8 kết nối Việt Nam – Lào, dự án chủ yếu được nghiên cứu trên địa phận của Lào. Bộ GTVT đánh giá, quốc lộ 8 trên địa phận Việt Nam đã và đang được đầu tư nâng cấp phù hợp quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cơ bản đáp ứng việc vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo đến cảng Cửa Lò và cảng Vũng Áng.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT có các văn bản số 372/BGTVT-HTQT ngày 30/7/2021 và văn bản số 478/BGTVT-HTQT ngày 15/9/2021 báo cáo đề xuất của phía Nhật Bản về dự án hợp tác chuyên môn hóa giữa Lào và Việt Nam, trong đó đã tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương liên quan đến việc nâng cấp, cải tạo quốc lộ 8.
Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 3110VPCP-QHQT ngày 11/10/2021 giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và phía Lào đề xuất với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) xem xét hỗ trợ thực hiện nghiên cứu, khảo sát và đánh giá với các đề nghị của phía Nhật liên quan đến kết nối giao thông Việt Nam – Lào trong khuôn khổ GMS nhằm thống nhất với chủ trương của Lào.
Về đường cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn, Bộ GTVT cho biết, trong thời gian tới sẽ phối hợp với Bộ Công chính và Vận tải Lào tiếp tục làm việc với phía Nhật Bản để tài trợ cho dự án đường cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn, đồng thời xúc tiến kêu gọi các nhà tài trợ khác tham gia nghiên cứu đầu tư dự án.
“Hiện nay, Việt Nam và Lào đang hợp tác đầu tư khai thác cảng Vũng Áng. Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi và chủ động trong quá trình khai thác cảng, việc nghiên cứu phương án kết nối đến cảng Vũng Áng như đề xuất phía Lào là phù hợp”, Bộ GTVT nhận định.
Bùi Hằng