Chủ nhật, 24/11/2024 06:35 (GMT+7)
Chủ nhật, 01/05/2022 10:00 (GMT+7)

Vùng ĐBSCL: Điểm nhấn trong chiến lược phát triển của đất nước

Theo dõi KTMT trên

Năm 2030, ĐBSCL sẽ trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, sẽ đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc, khoảng 4.000 km đường quốc lộ, 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách.

Giảm tỷ trọng lúa gạo, tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có lợi thế về phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó, phương hướng phát triển bền vững là chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với thay đổi về điều kiện tự nhiên, theo 3 tiểu vùng sinh thái:

- Vùng sinh thái ngọt ở thượng nguồn và trung tâm của đồng bằng (bao gồm các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ và một phần của các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An); là vùng sinh thái nước ngọt an toàn trước tác động của lũ, ngập, xâm nhập mặn;

Vùng ĐBSCL: Điểm nhấn trong chiến lược phát triển của đất nước - Ảnh 1

Năm 2030, ĐBSCL sẽ trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững. (Ảnh: Internet)

Có thể nói, đây là vùng trọng điểm về sản xuất lúa, thủy sản nước ngọt và trái cây của vùng đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia; phát triển nền nông nghiệp đa dạng, theo hướng hiện đại và bền vững, có tính đến thích ứng với lũ cực đoan, đóng vai trò điều tiết và hấp thu lũ cho ĐBSCL.

Vùng ĐBSCL: Điểm nhấn trong chiến lược phát triển của đất nước - Ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính tóm tắt tư duy phương pháp luận và cách tiếp cận trong phát triển vùng ĐBSCL: Tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, thích ứng chủ động, chuyển đổi linh hoạt, giá trị nâng cao, nguồn lực công - tư, đời sống chất lượng. (Ảnh: VGP)

- Vùng sinh thái mặn - lợ ở ven biển (bao gồm một phần lãnh thổ của các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An): Phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn, mặn - lợ trên bờ và trên biển; đánh bắt hải sản; khôi phục và phát triển rừng ngập mặn ven biển gắn với bảo vệ đa dạng sinh học và dải bờ biển; phát triển hệ thống nông - lâm kết hợp theo hướng sinh thái, hữu cơ, kết hợp du lịch sinh thái; chủ động phòng, tránh, giảm thiểu rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

- Vùng chuyển tiếp ngọt - lợ ở giữa đồng bằng (bao gồm một phần lãnh thổ của các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An): Phát triển thuỷ hải sản nước lợ chuyên canh và luân canh với lúa, rau màu phù hợp với điều kiện về nguồn nước theo mùa.

Ba trọng tâm phát triển các sản phẩm chiến lược: Thủy sản, trái cây và lúa gạo theo hướng tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo. Phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với thương mại, dịch vụ logistic, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Song song đó, phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị có vai trò là trung tâm cấp vùng, tiểu vùng và các đầu mối hạ tầng quốc gia, liên vùng; là nơi cung cấp các dịch vụ về logistics, nghiên cứu phát triển, đào tạo và chuyển giao công nghệ, thu gom, chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.

Vùng ĐBSCL: Điểm nhấn trong chiến lược phát triển của đất nước - Ảnh 3

Đến năm 2030, ĐBSCL đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường quốc lộ.

Công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ chú trọng phát triển

Phương hướng phát triển công nghiệp, vùng ĐBSCL sẽ phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện môi trường trong đó chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; đầu tư chiều sâu, hướng vào xuất khẩu đối với các nhóm ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với vùng nguyên liệu, các sản phẩm hóa chất và cơ khí phục vụ nông nghiệp.

ĐBSCL có diện tích tự nhiên toàn vùng là 39.747 km2, như một bán đảo với 3 mặt Đông, Nam và Tây Nam giáp biển (có đường bờ biển dài 700km), phía Tây có đường biên giới giáp với Campuchia và phía Bắc giáp với vùng kinh tế Đông Nam bộ – vùng kinh tế lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiều nhất Đông Nam Á và thế giới, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam,ĐBSCL hiện có 13 đơn vị hành chính bao gồm: 1 thành phố trực thuộc Trung ương (Thành phố Cần Thơ) và 12 tỉnh (Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau).

Cùng với đó, nâng cao tính tập trung, mật độ của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên cơ sở gắn kết với khu vực đô thị, hệ thống kết cấu hạ tầng liên kết trong vùng, liên vùng, quốc tế để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghệ thông tin; khai thác tiềm năng phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ rừng và bờ biển.

Đồng thời khuyến khích phát triển các nhà máy chế biến thực phẩm về thủy sản, trái cây, lúa gạo áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại tại các trung tâm đầu mối và khu vực thuận lợi về vùng nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giá trị kinh tế cho xuất khẩu; đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh bảo quản hỗ trợ việc thu gom, trung chuyển, vận tải hàng hóa nông sản tại các trung tâm đầu mối.

Phát triển mạng lưới cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi và thức ăn nuôi trồng thủy sản gắn với các trung tâm đầu mối và vùng sản xuất tập trung; xây dựng một số xưởng chế biến bột cá có công nghệ và thiết bị tiên tiến nhằm giảm lượng nhập khẩu bột cá và hạ giá thành thức ăn, khuyến khích các thành phần kinh tế từng bước xây dựng nhà máy có quy mô lớn và chất lượng sản phẩm cao; đầu tư các kho trữ đông có công suất 10.000 tấn/năm.

Tập trung phát triển các nhà máy sản xuất đồ gỗ gia dụng, nhà máy sản xuất ván nhân tạo, ván ép; khuyến khích phát triển sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống như đồ gỗ mỹ nghệ, mây, tre, lá, chiếu cói… phục vụ nhu cầu du lịch tại các địa phương như Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang, Hậu Giang.

Đến năm 2030, không phát triển thêm nhiệt điện than ngoài các nhà máy nhiệt điện than đang trong quá trình xây dựng ở Duyên Hải II (Trà Vinh), Long Phú I (Sóc Trăng), Sông Hậu I (Hậu Giang); tập trung phát triển điện gió ở bán đảo Cà Mau và điện mặt trời; xây dựng các nhà máy điện có khả năng điều chỉnh linh hoạt, các nguồn pin tích năng để đảm bảo vận hành ổn định hệ thống điện có tỷ trọng cao nguồn năng lượng tái tạo; xem xét phát triển các dự án điện khí ở Bạc Liêu, Kiên Giang, Long An sau năm 2030.

Về du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch sinh thái phát triển trở thành thương hiệu quốc tế

Khu vực ĐBSCL đang phấn đấu trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch sinh thái (miệt vườn sông nước, đất ngập nước) và du lịch biển trên cơ sở phát triển sản phẩm và xúc tiến chung cho thương hiệu. Đặc biệt là phát triển Cần Thơ và Phú Quốc trở thành hai trung tâm du lịch quốc tế, là cửa ngõ đón khách của toàn vùng.

Phát triển các khu du lịch, điểm du lịch cấp quốc gia, cấp vùng gắn với việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử gồm: Khu du lịch quốc gia Phú Quốc, Năm Căn - Mũi Cà Mau, Tràm Chim - Láng Sen, Núi Sam, Thới Sơn; điểm du lịch quốc gia: Cù lao Ông Hổ, Khu lưu niệm Cao Văn Lầu, bến Ninh Kiều, Ao Bà Om, Hà Tiên, Văn Thánh Miếu.

Đồng thời phát triển các tuyến du lịch kết nối nội vùng, liên vùng, quốc gia, quốc tế, trong đó chú trọng phát triển các tuyến du lịch liên vùng gắn với Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Cần Thơ, Phú Quốc, Cà Mau; tuyến hành lang ven biển phía Nam (Thái Lan - Campuchia - Rạch Giá - Cà Mau) và hệ thống cửa khẩu quốc tế đường bộ Hà Tiên (Kiên Giang), Tịnh Biên (An Giang), Dinh Bà, Thường Phước (Đồng Tháp) và Bình Hiệp (Long An); tuyến đường biển và tuyến đường sông dọc theo sông Tiền và sông Hậu kết nối với Phnompenh, Seam Reap (Campuchia).

Việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm phục vụ du lịch đồng bộ, kết nối giữa các khu và điểm du lịch trong vùng, liên vùng và quốc tế trong đó chú trọng phát triển hệ thống cảng du lịch trên sông Tiền, sông Hậu và cảng du lịch tàu biển tại các tỉnh ven biển. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Tăng cường đào tạo nghề dịch vụ du lịch, góp phần chuyển đổi nghề bền vững cho lao động nông thôn.

Quyết định cũng nêu rõ phương án phát triển, sắp xếp, lựa chọn và phân bổ nguồn lực phát triển trên lãnh thổ vùng; phương hướng xây dựng hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng; phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng; phương hướng bảo vệ môi trường, khai thác, bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên lãnh thổ vùng.

ĐBSCL đang đứng trước lựa chọn quan trọng

Mới đây, ĐBSCL là vùng đầu tiên trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch. Một chính sách có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển vùng là Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2050 cũng vừa được Thủ tướng phê duyệt.

Ngày 6/3/2022, tại Kiên Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL chủ động thích ứng biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, ĐBSCL với 13 tỉnh, thành phố có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh với diện tích tự nhiên gần 4 triệu km2 (khoảng 13% diện tích cả nước), dân số khoảng 18 triệu người (19% cả nước), có truyền thống lịch sử văn hóa, rất hào hùng trong chiến tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Vùng ĐBSCL: Điểm nhấn trong chiến lược phát triển của đất nước - Ảnh 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Lê Minh Hoan tham quan một số gian hàng giới thiệu sản phẩm của vùng ĐBSCL được tổ chức bên lề Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL chủ động thích ứng BĐKH. (Ảnh TTXVN)

Trước những trăn trở và gợi mở của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, ĐBSCL đang đứng trước lựa chọn chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp” và đã đến lúc cần có cách nghĩ mới hơn, khác hơn, lớn hơn, táo bạo hơn, để kích hoạt vùng đất giàu tiềm năng này.

Hiện nay, ĐBSCL có 13 tỉnh, thành phố, khoảng 150 đơn vị cấp huyện, hơn một ngàn đơn vị cấp xã, gần 10 triệu hộ nông dân đang đứng trước lựa chọn chuyển từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp". Hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học bị suy thoái, sau thời gian dài lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đặt ra thách thức lớn với định hướng tiến đến một nền nông nghiệp xanh.

Tư duy theo mùa vụ của người nông dân, tầm nhìn theo thương vụ của doanh nghiệp vô tình gây trở ngại cho mục tiêu liên kết bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ. Vùng nguyên liệu cây ăn trái, thuỷ sản, lúa gạo tương đồng, phân tán khiến công tác quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại nông sản gặp nhiều khó khăn.

Những vấn đề nội tại cho thấy, dù hạ tầng được đầu tư như thế nào, nhưng nếu không giải quyết thỏa đáng những nút thắt vừa nêu, thì cũng khó và chậm cải thiện được tình hình mất cân đối cung cầu. Chặng đường hướng tới thị trường chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng cao và tăng thêm thu nhập cho người nông dân, lại càng thêm xa.

Sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương cần phải được chú trọng ngay đầu mùa vụ, chứ không phải chỉ tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ sau thu hoạch. Mỗi địa phương cần chủ động mở rộng không gian liên kết, phát triển. Đất đai có thể manh mún, địa giới hành chính có thể bị chia cắt, nhưng tư duy không thể manh mún, không gian kinh tế không thể bị chia cắt.

Vùng ĐBSCL: Điểm nhấn trong chiến lược phát triển của đất nước - Ảnh 5
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL chủ động thích ứng BĐKH, được tổ chức sáng 6/3/2022 tại Kiên Giang. (Ảnh: VGP)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, một doanh nhân nước ngoài đã từng chia sẻ với ông: "Nhiều nhà đầu tư quốc tế có thể khó nhận biết chính xác từng địa phương riêng rẽ, nhưng chắc chắn đều biết đến Mekong Delta – ĐBSCL". Sản xuất nông nghiệp ít nhiều tác động đến biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đến năm 2050 Việt Nam sẽ là quốc gia có nền kinh tế cân bằng carbon. Nếu nói biến đổi khí hậu là một thách thức, thì từ góc nhìn tích cực, khi giải quyết được thách thức này lại tạo ra thương hiệu cho ĐBSCL.

Tới năm 2025, phấn đấu GDP vùng ĐBSCL tăng ít nhất 2 lần so với năm 2018

Mục tiêu tới năm 2025, tốc độ tăng GDP nông nghiệp vùng ĐBSCL đạt trên 3%/năm; tốc độ tăng giá trị chế biến nông, lâm, thủy sản trên 7%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm, thủy sản trên 6%/năm; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết trên 30%.

Về xã hội, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ĐBSCL tăng ít nhất 2 lần so với năm 2018; tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 30% tổng số lao động; tỷ lệ nông dân được đào tạo nghề nông nghiệp trên 30%.

Về môi trường, tỷ lệ sản lượng sản phẩm trồng trọt, thủy sản nuôi trồng vùng ĐBSCL được cấp chứng nhận sản xuất bền vững trên 20%; tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi trên địa bàn xử lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý, sử dụng hiệu quả, sạch 50%; tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản được tưới tiêu hiện đại, thân thiện môi trường trên 30%; tỷ lệ diện tích rừng sản xuất được quản lý bền vững có xác nhận 50%; giảm cường độ phát thải khí nhà kính.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Vùng ĐBSCL: Điểm nhấn trong chiến lược phát triển của đất nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới