Chủ nhật, 24/11/2024 07:34 (GMT+7)
Thứ ba, 03/03/2020 14:14 (GMT+7)

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: Kết nối, nâng cao cạnh tranh

Theo dõi KTMT trên

Hải Phòng, Quảng Ninh đã và đang có những bước phát triển đột phá, mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: Kết nối, nâng cao cạnh tranh - Ảnh 1
Một góc thành phố Hải Phòng, một trong 7 tỉnh, thành phố của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Tăng sự tương tác, kết nối vùng, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Hải Phòng cũng như của cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, ngày 11/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trong đó xác định mục tiêu "Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phải tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của cả nước; là tâm điểm hội tụ nguồn lực và nguyên khí quốc gia, hội nhập và giao thương với khu vực và quốc tế; thực sự trở thành hạt nhân phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước."

Để thực hiện mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu là xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi, thông thoáng, ổn định và phù hợp với đặc thù của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, thực hiện sứ mệnh dẫn dắt, tác động lan tỏa đến các vùng khác trong cả nước.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho rằng sự kiện nổi bật, mở ra trang mới cho công cuộc phát triển của thành phố Hải Phòng là ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Hải Phòng đã và đang có những bước phát triển đột phá, mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Từ năm 2016 tới nay, kinh tế xã hội thành phố luôn duy trì mức tăng trưởng cao và liên tục, năm 2019 GRDP thành phố tăng trưởng 16,68%, đứng đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 21,88%/năm trong giai đoạn 2016-2019. Kết cấu hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, hiện đại…

Chia sẻ về tăng sự tương tác, kết nối vùng, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết trước những cơ hội, thách thức, dựa trên những tiềm năng, lợi thế riêng có, Quảng Ninh đã mạnh dạn tìm tòi đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả “3 đột phá chiến lược” (phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực) từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” nhằm tạo bước đột phá trong quá trình phát triển, nhanh chóng khắc phục những điểm còn bất lợi để chuyển biến thành lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Hình ảnh một Quảng Ninh năng động, sáng tạo đang bứt phá vươn lên và một cộng đồng doanh nghiệp tỉnh tự tin hơn trong hội nhập những năm gần đây là minh chứng sinh động của sự chuyển mình, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Những chuyển động này góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh với tốc độ tăng trưởng GRDP luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt mức cao nhất trong 10 năm qua với tỉ lệ 12,1%; tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 45.900 tỉ đồng, trong đó, thu nội địa đạt trên 34.300 tỉ đồng, tăng 12%...

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng, Quảng Ninh cũng như các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức như trình độ phát triển kinh tế còn chưa đồng đều giữa các địa phương trong vùng. Thu ngân sách của một số địa phương còn chưa bền vững. Khu vực dịch vụ hiện đang là lợi thế nhưng tốc độ tăng trưởng chưa cao, chưa bền vững. Thu hút đầu tư trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế...

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: Kết nối, nâng cao cạnh tranh - Ảnh 2
Một góc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Việc điều phối vùng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, từ quy hoạch, kế hoạch đến cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện. Thỏa thuận hợp tác, liên kết giữa các địa phương chủ yếu còn mang tính hình thức, tự phát thông qua trao đổi thông tin, kinh nghiệm, chưa đi vào thực chất, chưa xuất phát từ nhu cầu chung và sự chủ động của các tỉnh tham gia vào giải quyết các vấn đề mang tính liên vùng.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, cho rằng hiện nay, chúng ta nói nhiều đến hội nhập quốc tế với nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Chúng ta đặt yêu cầu liên kết với thế giới, nhưng lại chưa liên kết với nhau, trong khi muốn hội nhập thành công thì phải liên kết trong nước. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phải đi đầu trong liên kết, lan tỏa, hội nhập.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, để thực hiện mục tiêu này, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và linh hoạt trong triển khai hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thực sự minh bạch, thông thoáng.

Cùng với đó, chính quyền địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp địa phương trong khu vực hợp tác để tạo sự liên kết, tạo mạng lưới các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và kinh doanh với tinh thần hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong vùng.

Đoàn Minh Huệ

Bạn đang đọc bài viết Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: Kết nối, nâng cao cạnh tranh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới