Chủ nhật, 24/11/2024 11:07 (GMT+7)
Thứ năm, 26/08/2021 15:12 (GMT+7)

WHO xác định 2 kịch bản Covid-19 trong thời gian tới

Theo dõi KTMT trên

Sự lây lan của biến thể Delta đang là mối đe dọa với nhiều nước thế giới. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đại diện WHO mới đây đã đưa ra hai kịch bản về đại dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Theo số liệu cập nhật đến 6h sáng 26/8 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh Covid-19 trên thế giới là 214.669.534 ca. Số ca mắc bệnh trong ngày đang có dấu hiệu tăng mạnh trở lại trên phạm vi toàn cầu, với những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại. 

Tuy nhiên, trong biểu đồ của trang thống kê Worldometers.info lại cho thấy bức tranh tổng thể đang có những dấu hiệu tích cực hơn. Số ca mắc Covid-19 đã bắt đầu tăng trở lại từ giữa tháng 6 và liên tục tăng cho tới giữa tháng 8. Từ đây trở đi, đường biểu thị số ca bắt đầu đi ngang và có lúc thậm chí đi xuống.

WHO xác định 2 kịch bản Covid-19 trong thời gian tới - Ảnh 1
Số ca mắc Covid-19 mới hằng ngày. (Ảnh minh họa: VTV)

Trong khi đó, sự lây lan của biến thể Delta đang là mối đe dọa với nhiều nước thế giới. Hiện hầu hết các nước đều mong muốn đẩy nhanh chương trình tiêm chủng để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng.

Theo Tiến sĩ Takeshi Kasai, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương thì với khả năng lây nhiễm cao, biến thể Delta nhanh chóng dẫn đến các đợt bùng phát lớn hơn, đặc biệt trong không gian kín, nơi đông người và tiếp xúc gần gũi. Các cụm dịch gia đình trở nên phổ biến.

Ông nhận định rằng, virus sẽ không biến mất trong tương lai gần, dù các nước áp dụng biện pháp mạnh mẽ nhất. Trong bối cảnh này, WHO đã đưa ra một số kịch bản Covid-19 trong tương lai.

Kịch bản thứ nhất là “sống chung với virus” bằng tiêm phòng và các biện pháp ngăn ngừa như tập trung dập những ổ dịch ngay khi xuất hiện.

"Chúng ta giảm thiểu rủi ro bằng cách triển khai hiệu quả chương trình tiêm chủng và những cách phòng ngừa khác, đồng thời ứng phó với các đợt bùng phát bằng biện pháp ngắn hạn, có mục tiêu", ông Kasai nói.

Điều này không đồng nghĩa với từ bỏ chống dịch. Thay vào đó, các nước xử lý Covid-19 như cúm mùa và những mầm bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine khác. Chính phủ tập trung hạn chế lây lan, bảo vệ những người dễ tổn thương, giảm thiểu tác động về sức khỏe và xã hội của các đợt bùng phát.

Kịch bản thứ hai là khi biến thể nguy hiểm hơn phát triển, các biến thể lây lan nhanh hoặc gây triệu chứng nặng, làm giảm hiệu quả vaccine. Theo Giám đốc WHO, đây là viễn cảnh mà "tất cả chúng ta đều muốn tránh nếu có thể". Cách đối phó hiệu quả nhất là nỗ lực hạn chế virus lây truyền ngay lúc này. Giống với những mầm bệnh khác, càng nhiều ca nhiễm, virus càng phát triển mạnh.

Tiến sĩ Kasai cho rằng "diễn biến dịch bệnh tương lai phụ thuộc và hành động của mỗi cá nhân, tập thể trong những tuần và tháng tới".

WHO xác định 2 kịch bản Covid-19 trong thời gian tới - Ảnh 2
Thực hiện các biện pháp y tế công cộng là chìa khóa để ngăn chặn và giảm thiểu tác động của đại dịch. (Ảnh minh họa)

Theo WHO, trong bối cảnh biến thể Delta lây lan mạnh mẽ, phát hiện sớm các ca nhiễm cộng đồng, thực hiện biện pháp y tế công cộng là chìa khóa để ngăn chặn và giảm thiểu tác động của đại dịch. WHO chỉ rõ tầm quan trọng của chương trình tiêm chủng, đặc biệt là với nhóm dân số nguy cơ cao nhiễm Sars-CoV-2..

Đơn cử, Singapore mới đây đã kiểm soát được Covid-19 bằng truy vết, xét nghiệm, kết hợp tiêm chủng nhanh chóng để đạt miễn dịch cộng đồng. Quốc gia Đông Nam Á này là một trong những nước có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất khu vực, với 74% dân số, tương đương hơn 4,3 triệu người đã tiêm đủ hai liều vaccine Covid-19. 

Trong khi đó, với Việt Nam, WHO đánh giá cao nỗ lực mở rộng nguồn cung vaccine Covid-19 và củng cố năng lực sản xuất vaccine trong nước. Giống nhiều quốc gia, WHO nhận định Việt Nam đối mặt với tình trạng thiếu hụt vaccine. Tuy nhiên, chính phủ nhanh chóng bổ sung nguồn cung cần thiết, phân phối cho người dân ngay khi vaccine có mặt. Việt Nam cũng cố gắng củng cố năng lực sản xuất nội địa.

Khắc phục ngay tâm lý lựa chọn, chờ đợi vaccine

Thực hiện quyết liệt mục tiêu bảo vệ tính mạng nhân dân, tạo điều kiện sớm chuyển sang “bình thường mới” được coi là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, hàng đầu của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và của toàn dân trong giai đoạn hiện nay.

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong điều kiện hiện nay, bên cạnh việc nhanh chóng nhập khẩu vaccine, thuốc cần đẩy mạnh, đẩy nhanh việc nghiên cứu sản xuất vaccine, thuốc trong nước, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, tiến hành thủ tục cấp phép nhanh chóng đối với lưu hành, sản xuất vaccine.

“Vaccine tốt nhất là vaccine đã được cấp phép lưu hành và đến sớm nhất, kịp thời nhất” trong lúc chúng ta đang rất cần vaccine ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Khi đã tiêm vaccine Covid-19 thì giảm nguy cơ nhiễm bệnh, nếu đã nhiễm bệnh thì không bị bệnh nặng, nếu đã có bệnh nặng thì khả năng gây tử vong là thấp, kể cả đối với biến thể Delta…”.

Đồng thời, khắc phục ngay tâm lý phân biệt đối xử với các vaccine của các nhà sản xuất, tâm lý lựa chọn, chờ đợi vaccine; các cơ quan truyền thông phải thông tin rộng rãi cho nhân dân biết về lợi ích của việc tiêm vaccine Covid-19;.

Thùy Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết WHO xác định 2 kịch bản Covid-19 trong thời gian tới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới