Xả thải vượt quy chuẩn - Lỗ hổng nào trong quản lý?
Công ty Thiết bị xây dựng và chiếu sáng đô thị Tấn Phát Hưng Yên vừa bị phạt gần 200 triệu đồng vì xả nước thải sinh hoạt vượt quy chuẩn và không thu gom chất thải nguy hại.
Thực tế cho thấy, cùng một lĩnh vực hoạt động nhưng các cơ sở sản xuất lớn thường đưa vào môi trường lượng chất thải lớn hơn các cơ sở sản xuất nhỏ. Điều đó, đồng nghĩa với việc các cơ sở sản xuất có tổng lượng chất thải là khác nhau.
Rõ ràng, lượng chất thải vào môi trường nhiều hay ít hoàn toàn phụ thuộc vào quy mô, lĩnh vực hoạt động của cơ sở đó. Vì thế, việc xử lý các chất thải đó cũng đòi hỏi các quy trình xử lý khác nhau. Bên cạnh đó, việc không quy định cụ thể thời điểm xả có thể khiến ô nhiễm môi trường càng thêm trầm trọng.
Mới đây, Công ty Thiết bị xây dựng và chiếu sáng đô thị Tấn Phát Hưng Yên đã bị phạt gần 200 triệu đồng. Theo Quyết định của số 1984/QĐ-XPVPHC của UBND tỉnh Hưng Yên, Công ty Thiết bị xây dựng và chiếu sáng đô thị Tấn Phát Hưng Yên đã không thu gom chất thải nguy hiểm theo quy định và xả nước thải sinh hoạt vượt quy chuẩn.
Công ty hoạt động trong các lĩnh vực: Sản xuất cột đèn chiếu sáng, ống thép. Các hành vi vi phạm của đơn vị, gồm: không thu gom chất thải nguy hại theo quy định. Quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 21 Nghị định 155/2016/NĐ-CP với mức xử phạt là 30 triệu đồng; xả nước thải sinh hoạt vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên, trong trường hợp xả lượng nước thải nhỏ hơn 5 m3/ ngày đêm. Mức xử phạt đối với hành vi trên là 80 triệu đồng; phạt tăng thêm 88 triệu đồng đối với 04 chỉ số vượt tiêu chuẩn kỹ thuật về chất thải: BOD5 vượt 7,576 lần; Amoni (tính theo N) vượt 4,765 lần; Dầu mỡ động vật, thực vật vượt 2,5 lần; tổng chất rắn lơ lửng (TSS) vượt 1,483 lần. Tổng số tiền phạt mà Công ty Thiết bị xây dựng và chiếu sáng đô thị Tấn Phát Hưng Yên bị phạt là 198 triệu đồng.
Công ty TNHH thiết bị xây dựng và chiếu sáng đô thị Tấn Phát Hưng Yên phải nộp tiền phạt vì hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn trên mà Công ty không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật. Cùng với việc chấp hành nộp phạt theo quy định, Công ty phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Công ty Thiết bị xây dựng và chiếu sáng đô thị Tấn Phát Hưng Yên có trụ sở ở TT.Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Công ty này hoạt động sản xuất kinh doanh đa ngành nghề trong nhiều lĩnh vực như thiết bị chiếu sáng đô thị, chiếu sáng sân vườn, kết cấu thép, ống thép mạ kẽm.
Trước đó ngày 21/5/2019, UBND tỉnh Hưng Yên cũng đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Công nghiệp Mỹ Việt, đóng tại Khu Công nghiệp Phố Nối A, thuộc địa bàn xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm. Công ty xả thải vượt quy chuẩn.
Công ty này đã thực hiện 2 hành vi vi phạm: xả nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt vượt mức cho phép. Trong đó, Công ty đã xả nước thải sản xuất vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, với hàm lượng BOD5 (hàm lượng ôxy cần thiết của 5 ngày đầu) vượt 4,7 lần trong trường hợp xả thải từ 10 m3 đến dưới 20 m3/ngày đêm. Hành vi này đã vi phạm điểm C, khoản 4, Điều 13, Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Công ty Thương mại và Công nghiệp Mỹ Việt bị xử phạt tổng số tiền 199 triệu đồng.
Chất thải và nước thải của các Công ty này xả trực tiếp ra môi trường có màu đen đặc, bốc mùi nồng nặc khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sản xuất và sinh hoạt của khu dân cư xung quanh.
Lỗ hổng nào trong việc quản lý, xử lý chất thải
Chính phủ và nhiều bộ, ngành, địa phương đã huy động lực lượng vào cuộc tìm kiếm nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, sự việc này đã và đang cho thấy một số lỗ hổng trong quản lý nhà nước về môi trường.
Đầu tiên là lỗ hổng trong giám sát thường xuyên kết quả xử lý nước thải các khu công nghiệp lớn. Theo phân công quản lý hiện hành, nguồn nước thải hằng ngày từ các khu công nghiệp - chủ nguồn nước xả thải này tự chịu trách nhiệm xử lý. Họ chỉ phải báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường mỗi năm một lần vào trung tuần tháng 12; còn hằng tháng cán bộ sở TN và MT địa phương chỉ cử người vào công ty lấy mẫu nước thải một lần. Việc không cử người túc trực và lấy mẫu nước thải hằng ngày, hoặc hằng tuần tại công ty, khiến cơ quan chức năng thiếu giám sát thường xuyên, không phản ứng kịp thời, thậm chí không có chứng cứ độc lập về chất lượng nguồn nước thải, mà chỉ trông cậy vào sự tự giác và đạo đức kinh doanh của công ty - chủ nguồn phát thải.
Tiếp nữa là về năng lực về nghiên cứu, phân tích, xét nghiệm, đánh giá, xác định nguyên nhân thảm họa môi trường. Thực tế này cho thấy, Việt Nam cần nhiều hơn nữa các chuyên gia giỏi, các thiết bị chuyên dụng và công nghệ hiện đại, cũng như sự hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực quốc gia trong sớm nhận diện, đánh giá kịp thời các thảm họa môi trường quốc gia cả hiện tại và tương lai.
Trong quy trình phối hợp và xử lý thảm họa môi trường quốc gia. Thực tế cho thấy, dù đến nay cả Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực vào cuộc, song về tổng thể, các động thái phản ứng chính sách, nhận diện, tiếp nhận thông tin và xử lý hàng loạt các vụ xả thải trái phép thời gian qua dường như còn khá chậm, lúng túng, thiếu thống nhất và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả theo quy trình chuẩn và kịch bản cấp quốc gia được chuẩn bị kỹ và tập huấn thành thục. Thậm chí còn hiện tượng mơ hồ nhận thức và "đá bóng" trách nhiệm.
Đối với các nhà máy, khu công nghiệp có lượng xả nước thải lớn, cần có hệ thống đo đạc tự động các thông số môi trường của nước thải tại chỗ và truyền số liệu đo đạc về trung tâm quan trắc môi trường của cơ quan quản lý nhà nước.
Luật sư Đặng Xuân Cường, Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, mức xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe.
Theo Luật sư Cường, pháp luật hiện hành đã có tương đối đầy đủ các văn bản quy định về việc xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường trong đó có hành vi xả thải không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng doanh nghiệp chấp nhận bị phạt còn hơn đầu tư hệ thống xử lý do mức xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành với nhiều trường hợp là chưa đủ sức răn đe. Hơn nữa, việc vận dụng và thực thi pháp luật của những người có trách nhiệm là chưa thực sự quyết liệt và hiệu quả.
Để quản lý tốt việc xả thải tại các KCN, tôi cho rằng trong thời gian tới đây chúng ta cần nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp luật quy định một cách cụ thể hơn về việc xây dựng hạ tầng xử lý chất thải. Cùng với đó, trong các văn bản xử phạt cần phải tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường. Các chế tài này phải đảm bảo đủ sức răn đe đối với những đối tượng có hành vi xả thải ra môi trường, kiên quyết không có sự nương tay cho những hành vi gây ô nhiễm môi trường dù đối tượng này là bất cứ ai.
Thanh Thúy