Chủ nhật, 24/11/2024 08:24 (GMT+7)
Thứ năm, 10/03/2022 15:00 (GMT+7)

Xăng tăng giá, hệ lụy tới môi trường từ các hoạt động kinh doanh

Theo dõi KTMT trên

Hiện nay, trên thế giới, bảo vệ môi trường được coi là một trong những chỉ tiêu phát triển bền vững, là một xu thế tất yếu của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Nguy cơ đe dọa môi trường từ hoạt động kinh doanh

Xăng dầu là một trong những mặt hàng thuộc diện ngành nghề kinh doanh có điều kiện vì có thể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nếu xâm nhập ra môi trường. Trong đó, dầu gây ô nhiễm nguồn nước, xăng có thể gây ngạt thở dẫn đến tử vong, ngoài ra còn dễ cháy nổ, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản.

Vì vậy, để bảo vệ môi trường các chủ thể tham gia kinh doanh xăng dầu phải tuân thủ các điều kiện cụ thể. Ngoài các quy định về quy hoạch, xây dựng, công nghệ, an toàn cháy nổ thì cán bộ, nhân viên trực tiếp kinh doanh xăng dầu nói chung phải được đào tạo nghiệp vụ kinh doanh xăng dầu, gas, kỹ thuật an toàn phòng cháy, chữa cháy và phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về bảo vệ môi trường theo quy định của Nhà nước.

Trên thực tế, ô nhiễm nguồn nước do dầu và các sản phẩm gốc dầu có thể gây tổn thất lớn cho ngành cấp nước, thủy sản, nông nghiệp, du lịch và cả các ngành kinh tế quốc dân khác. Ngoài các tác động tiêu cực đến môi trường nước mặt, dầu tràn hoặc dầu rơi vãi từ kho chứa xăng sẽ có khả năng ngấm vào lòng đất ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm có sự hiện diện của dầu, nước sẽ xuất hiện mùi hôi thối, không thể sử dụng cho sinh hoạt và ăn uống, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con người.

Mặt khác, khi dầu nhiễm nước, phần lớn dầu loang nhanh trên mặt nước tạo thành những mảng dầu, một ít trong chúng được hòa tan trong nước. Dầu nổi trên mặt nước làm cản trở quá trình ánh sáng xuyên vào trong nước, làm giảm quá trình quang hợp của các thực vật biển và phytoplankton. Điều này làm giảm lượng cá thể của hệ động vật, ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái. 

Xăng tăng giá, hệ lụy tới môi trường từ các hoạt động kinh doanh - Ảnh 1
Làm thế nào để bảo vệ môi trường, giảm thiểu các nguy cơ đe dọa môi trường do hoạt động kinh doanh xăng dầu gây ra là một bài toán khó. (Ảnh minh họa)

Trong dầu có các thành phần hidrocarbon, lưu huỳnh, nito gặp ánh sáng nhiệt độ, bốc hơi lên sẽ gây ô nhiễm nguồn không khí. Các kim loại nặng, lưu huỳnh và các thành phần khác sẽ lặng xuống và chúng tích tụ dưới đáy biển gây nguy hại cho các loài thủy sinh ở tầng đáy. 

Được biết, hệ sinh thái biển bao gồm nhiều các vi sinh vật, các vật chất hữu cơ giúp duy trì và tạo ra các vi sinh vật đó. Cá tôm và các loài thủy sinh sống được cũng là nhờ nguồn này. Khi dầu loang ra môi trường nước, nó sẽ làm các nguồn vi sinh chết đi, dẫn đến chuỗi thức ăn của chúng bị ảnh hưởng. 

Cùng với với việc tăng trưởng sản lượng kinh doanh xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu làm gia tăng tần suất hoạt động các công trình xăng dầu, việc quản lý một hệ thống công nghệ, trang thiết bị đa dạng về chủng loại và số lượng, lại phân bố trên một phạm vi rộng lớn, trong đó có những hạng mục nằm ngầm dưới đất như tuyến ống vận chuyển xăng dầu làm cho nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật, cháy nổ, tràn dầu, mất an toàn. Thậm chí có thể gây thiệt hại nghiêm trọng ngày càng cao.

Đáng chú ý, tác động chính tới môi trường trong hoạt động xăng dầu đó là hơi xăng dầu phát sinh trong quá trình xuất nhập, tồn chứa và vận chuyển xăng dầu; nước thải nhiễm dầu phát sinh từ các hoạt động vệ sinh bồn bể, thiết bị, nước mặt nhiễm dầu; chất thải rắn nhiễm dầu; sự cố tràn dầu… Kinh nghiệm từ nhiều nước cho thấy ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm do dầu và các sản phẩm dầu phân hủy gây tổn thất lớn cho ngành cấp nước, thủy sản, nông nghiệp, du lịch và các ngành nghề kinh tế khác. Cùng với đó, ô nhiễm không khí từ hơi xăng dầu gây tổn hại tới sức khỏe của người lao động, của cộng đồng dân cư sinh sống gần khu vực công trình xăng dầu.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều đơn vị kinh doanh xăng dầu, chỉ tính riêng Petrolimex đã có khoảng hơn 14.000 cửa hàng xăng dầu trên cả nước. Do đó, việc làm thế nào để bảo vệ môi trường, giảm thiểu các nguy cơ đe dọa môi trường do dầu gây ra là một điều không hề dễ dàng. Chỉ cần một hành động bất cẩn hay sơ xuất trong một khâu của quá trình vận hành đều có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng đến cuộc sống của những người dân lân cận, ảnh hưởng đến hệ sinh thái của khu vực đó.

Giải pháp bền vững cho môi trường

Đã có rất nhiều quy định và chế tài sự phạt cho các đơn vị kinh doanh xăng dầu được chính phủ đưa ra nhằm bảo vệ môi trường, tránh những tác động khủng khiếp của dầu gây ra cho môi trường nói chung và cho nguồn nước khu vực đó nói riêng. Tuy nhiên, những vụ việc tràn đổ dầu với quy mô lớn, nhỏ vẫn luôn diễn ra và gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Việc phòng tránh hay xây dựng các phương pháp ứng phó sự cố vẫn chưa được chú trọng. 

Để hoạt động của hệ thống các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đạt được hiệu quả kinh tế cao và an toàn môi trường, hiện nay các cấp, ngành chức năng đã tăng cường áp dụng song song các giải pháp về quản lý và kỹ thuật cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động, tự giác đầu tư cơ sở vật chất.

Bên cạnh đó, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho công tác an toàn và bảo vệ môi trường, đảm bảo không để xảy ra sự cố rò rỉ xăng dầu ra môi trường. Yêu cầu các doanh nghiệp phải bảo đảm ở tất cả các kho xăng dầu đều có hệ thống xử lý nước thải, đáp ứng yêu cầu về môi trường; các mái phao ở các bể chứa nhằm giảm hao hụt, nâng cao hiệu quả kinh doanh, giảm thiểu thấp nhất hơi xăng dầu phát thải ra môi trường trong quá trình xuất, nhập xăng dầu. Các kho cảng xăng dầu có hệ thống phao quây để khi xảy ra sự cố tràn dầu sẽ giảm thiểu mức độ ô nhiễm lan rộng ra khu vực. Chất thải nguy hại phát sinh tại các công trình xăng dầu được quản lý, thu gom, lưu chứa và tiêu hủy theo quy định.

Đặc biệt, tại các cửa hàng xăng dầu phải có hệ thống thu hồi hơi trong quá trình nhập hàng, vừa giảm hao hụt xăng dầu, vừa đảm bảo môi trường không bị ô nhiễm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp phải quan tâm đầu tư đồng bộ trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, nâng cấp các tuyến ống dẫn xăng dầu, cải tạo bể chứa, hệ thống tự động hóa, sử dụng các cột bơm điện tử; lắp đặt mái phao và sơn phản nhiệt để chống bay hơi xăng dầu tại các bể chứa xăng ở các kho xăng dầu. Chủ động xây dựng các tiêu chuẩn an toàn nội bộ như tiêu chuẩn về xử lý nước thải; về xử lý chất thải rắn và hoàn thiện một bộ tiêu chuẩn, quy phạm nội bộ về công tác an toàn, trong đó có an toàn phòng cháy, chữa cháy và an toàn về môi trường.

Bộ Công Thương kiến nghị giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

Theo Bộ Công Thương, việc giảm mạnh thuế là để có dư địa điều hành, bình ổn giá xăng dầu trong nước khi giá thế giới tăng mạnh, tác động bất lợi đến đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch.

Trong bối cảnh công cụ Quỹ BOG không còn nhiều, Bộ Công Thương kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức cao hơn tại Dự thảo Nghị quyết. Cụ thể, giảm 50% so với mức thuế bảo vệ môi trường hiện tại đang áp dụng đối với các mặt hàng xăng dầu, theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol) là 2.000 đồng/lít; đối với dầu diesel là 1.000 đồng/lít; đối với dầu hỏa là 500 đồng/lít; đối với dầu mazut là 1.000 đồng/kg; đối với dầu nhờn là 1.000 đồng/lít  và đối với mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg. 

Cũng theo Bộ Công Thương, với sự biến động của thị trường thế giới sẽ tác động lớn đến giá xăng dầu trong nước, kỳ điều hành ngày 11/3 có thể tăng 5.000-8.000 đồng/lít, kg tuỳ loại, tương đương tăng 27-44% so với giá xăng dầu đầu năm 2022. Việc này có thể làm ảnh hưởng lớn đến CPI chung của cả nước năm 2022.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Xăng tăng giá, hệ lụy tới môi trường từ các hoạt động kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới