Chủ nhật, 24/11/2024 07:52 (GMT+7)
Thứ sáu, 07/08/2020 06:00 (GMT+7)

Xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị: Cần tăng tốc để về đích

Theo dõi KTMT trên

Trong bối cảnh lượng hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý, tài chính không thể theo kịp với khối lượng chất thải gia tăng hiện nay thì mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Quản lý chất thải rắn, Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ khó đạt được.

Thu gom, xử lý thấp

Thống kê của Tổng cục Môi trường cho thấy, tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt theo dân số của các tỉnh, thành phố có giá trị dao động lớn. Tại TP.HCM, mỗi ngày phát sinh thêm 13.000 tấn rác thải, trong đó có 8.300 tấn rác thải sinh hoạt, 1.500 - 2.000 tấn rác công nghiệp, 1.200 - 1.600 tấn rác xây dựng, 22 tấn rác thải y tế và hơn 2.000 tấn bùn thải các loại. Còn trên địa bàn thành phố Hà Nội, tổng khối lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình khoảng 6.500 tấn/ngày.

Lượng rác thải phát sinh cao trong khi đó, hoạt động quản lý chất thải hiện nay không hiệu quả; phí không đủ chi trả chi phí vận hành. Chi phí thực tế hiện tại trên một tấn rác thải ước tính là 24 USD cho thu gom, 11 USD cho vận chuyển và 4 USD cho chôn lấp, với tổng chi phí là 39 USD tại Hà Nội; trong khi mức phí trung bình cho mỗi hộ gia đình ở Hà Nội là 26.500 VNĐ/ hộ/tháng hoặc 218.630 VNĐ/tấn1 (9.7 USD/ tấn) bao gồm 172,600 VNĐ/tấn (7,6 USD/tấn) cho thu gom và 46,030 VNĐ/tấn (2 USD/ tấn) cho vận chuyển. Việc thu không đủ chi đã khiến cho chính quyền địa phương và trung ương đối mặt với việc không hoàn thành mục tiêu 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường mà Chiến lược Quốc gia về Quản lý chất thải rắn đề ra.

Xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị: Cần tăng tốc để về đích - Ảnh 1
90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý. Ảnh: Hoàng Minh

Bên cạnh đó, trong số rác thải đươc thu gom, chỉ số ít đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường. Phần lớn rác thải được xử lý trong các bãi chôn lấp với thiết kế không hợp vệ sinh, gây ra các vấn đề môi trường nghiêm trọng. Hiện có 660 bãi chôn lấp ở Việt Nam nhưng chỉ có 30% được xếp loại là bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh cũng có các bãi chôn lấp lớn với diện tích tương ứng 85 ha và 130 ha. Chỉ có 9% bãi chôn lấp có cân trọng lượng, 36% có lớp lót đáy. Hầu hết các bãi chôn lấp không có máy đầm nén, hệ thống thu gom khí, xử lý nước rỉ rác, hoặc hệ thống quan trắc môi trường.

Ông nguyễn Thượng Hiền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, giai đoạn 2016 – 2020, một trong những mục tiêu là xử lý ô nhiễm môi trường của 30 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thế nhưng, cho đến nay, vẫn chưa xử lý được các bãi chôn lấp này do thiếu nguồn lực.

Loay hoay tái chế

Chiến lược Quốc gia về Quản lý chất thải rắn cũng đặt ra mục tiêu tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ; phấn đấu tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đạt tỉ lệ dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom; đến năm 2025, tất cả các đô thị loại đặc biệt và loại 1 có công trình tái chế chất thải rắn phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình; 85% các đô thị còn lại có công trình tái chế chất thải rắn phù hợp với việc phân loại tại hộ gia đình.

Tuy nhiên, đến nay công cuộc phân loại chất thải rắn tại nguồn vẫn không thực hiện được. Điều này đồng nghĩa với việc ngay cả khi có các nhà máy với công nghệ xử lý phù hợp thì vẫn rất khó để xử lý rác thải.

Xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị: Cần tăng tốc để về đích - Ảnh 2
Xử lý rác thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Ảnh: MH

Điều đáng nói là, có khoảng 22% rác thải thu gom được đưa vào các cơ sở xử lý khác nhau thay vì bãi chôn lấp nhưng việc xử lý gặp nhiều trở ngại. Tại Hà Nội, đã có hai nhà máy xử lý rác thải thành phân nhưng hiện đã dừng do phân compost không tiêu thụ được vì chất lượng kém. Tương tự tại Hải Phòng, Phú Thọ các nhà máy này đều chung số phận. Đối với công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã và đang triển khai thì hầu hết là các lò đốt công suất nhỏ (chưa đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt - QCVN 61-MT: 2016/BTNMT), chưa tích hợp hệ thống thu hồi năng lượng hoặc phát điện.

Theo các chuyên gia về môi trường, với thực tế như hiện nay: thiếu bãi chôn lấp hợp vệ sinh, công nghệ xử lý tiên tiến rất hạn chế, hệ thống quản lý chất thải rắn chưa phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế và đô thị hóa thì 5 năm nữa Chiến lược Quốc gia chất thải rắn khó về đích. Để đạt được các mục tiêu như dự kiến. Thời gian tới, Việt Nam cần phải có một hệ thống quản lý chất thải rắn hiện đại, tổng hợp và bền vững; công nghệ và cơ sở hạ tầng mới và đặc biệt phải có tài chính bền vững và mức thu phí chất thải hợp lý.

Mai Giang

Bạn đang đọc bài viết Xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị: Cần tăng tốc để về đích. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới