Chủ nhật, 24/11/2024 05:22 (GMT+7)
Thứ sáu, 01/03/2024 11:00 (GMT+7)

Xử lý chủ doanh nghiệp khai thác tài nguyên trái phép, hết thời ‘đất cát’ là 'lộc trời'

Theo dõi KTMT trên

Việc các cơ quan chức năng tăng cường xử lý đối với các chủ doanh nghiệp có hành vi vi phạm về khoáng sản cũng là một trong những yếu tố làm giảm tình trạng khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên...

Việc cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản không được công khai nên tại một số địa phương người dân hầu như không biết đâu là khu được phép khai thác, đâu là khai thác trái phép để thể hiện quyền kiểm tra, giám sát của cộng đồng.

Lợi dụng việc này chủ doanh nghiệp đã tự ý khai thác tài nguyên khoáng sản hoặc khai thác quá mức cho phép của các cơ quan Nhà nước. Việc này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn gây thất thoát tài nguyên khoáng sản Nhà nước, vi phạm quy định pháp luật.

Xử lý chủ doanh nghiệp khai thác tài nguyên trái phép, hết thời ‘đất cát’ là 'lộc trời' - Ảnh 1
Hoạt động khai thác khoáng sản rất cần sự giám sát của cộng đồng dân cư (ảnh minh họa)

Mới đây, ngày 28/2/2024, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hà Giang ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với Nguyễn Thị Hòa (SN 1967), là Giám đốc công ty TNHH Vạn Phúc, trú tại: Tổ 7, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang về tội: Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên, quy định tại khoản 2, Điều 227 Bộ luật Hình sự.

Sáng ngày 21/11/2023 tổ công tác tiến hành kiểm tra phát hiện, lập biên bản vụ việc nghi có dấu hiệu khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trái pháp luật, xảy ra tại tổ 7, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang.

Xử lý chủ doanh nghiệp khai thác tài nguyên trái phép, hết thời ‘đất cát’ là 'lộc trời' - Ảnh 2
Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc công ty TNHH Vạn Phúc (ảnh CA Hà Giang).

Theo kết quả điều tra năm 2023, Nguyễn Thị Hòa với vai trò là Giám đốc công ty TNHH Vạn Phúc đã lợi dụng chủ trương của UBND tỉnh về việc chấp thuận các điểm khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ Chương trình nông thôn mới nằm trên địa bàn tỉnh Hà Giang để khai thác đá bán ra ngoài thị trường với số lượng lớn, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng.

Cũng tại tỉnh Hòa Bình, ngày 03/1/2024, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự: Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tân Phú Ninh Hòa Bình (địa chỉ Xóm Hui, xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn).

Đồng thời, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Hữu Thắng (SN 1988), trú tại xã Phú Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội là Giám đốc Công ty Cổ phần Tân Phú Ninh Hòa Bình về tội: Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên.

Xử lý chủ doanh nghiệp khai thác tài nguyên trái phép, hết thời ‘đất cát’ là 'lộc trời' - Ảnh 3
Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Cty CP Tân Phú Minh Hòa Bình (ảnh CA Hòa Bình).

Ngày 24/12/2023, Công an tỉnh Hòa Bình kiểm tra đột xuất hoạt động khai thác đất tại nhà máy sản xuất gạch của Công ty cổ phần Tân Phú Ninh Hòa Bình. Tại thời điểm kiểm tra, công ty không xuất trình được giấy phép khai thác đất theo quy định với sản lượng gạch đã sản xuất năm 2023 trên 54 triệu viên. Trước đó, Nguyễn Hữu Thắng đã chỉ đạo công nhân tiến hành khai thác trái phép đất trong khuôn viên nhà máy sản xuất gạch với tổng khối lượng trên 47.000m3 đất để làm nguyên liệu sản xuất gạch, giá trị trên 5,8 tỷ đồng.

Tại tỉnh Lâm Đồng, ngày 18/1/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với Khổng Văn Quý (SN1987), trú tại xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà để điều tra, làm rõ về tội: Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên. Đây là vụ việc khai thác trái phép khoáng sản đầu tiên bị khởi tố trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Từ tháng 1 đến tháng 9/2023, Quý đã sử dụng một số phương tiện, máy móc, tiến hành khai thác cát tại khu vực thượng nguồn lòng hồ thủy điện Đạ Cho Mo (xã Phi Tô, huyện Lâm Hà) để bán. Ngay khi phát hiện sự việc, cơ quan chức năng đã khẩn trương củng cố hồ sơ, chứng cứ. Kết quả điều tra xác định, tới thời điểm bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt quả tang, Khổng Văn Quý đã khai thác trên 6.000m3 cát, gây thiệt hại giá trị khoáng sản hơn 2 tỷ đồng.

Đây mới chỉ là những vụ án mà cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố đầu năm 2024, tới đây sẽ có nhiều vụ việc trên khắp cả nước tiếp tục được cơ quan chức năng thụ lý, điều tra và khởi tố khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong khai thác tài nguyên khoáng sản. Như vậy việc quản lý Nhà nước đang được thắt chặt và cái thời đất cát, tài nguyên đất nước được xem là “lộc trời” sẽ không còn.

Chiều ngày 6/11/2023, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về vấn đề kiểm soát việc khai thác khoáng sản trái phép: Vừa qua Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT kiểm tra việc cấp phép, giám sát việc khai thác khoáng sản và khoáng sản là vật liệu xây dựng ở các địa phương. Trong khai thác khoáng sản trái phép, các địa phương có vai trò lớn trong kiểm tra, giám sát vì khoáng sản nằm trên địa bàn, khai thác chở bằng ô tô và chạy trên đường. Nhưng qua khám phá các vụ án về khai thác khoáng sản thì có liên quan đến cán bộ địa phương, có hệ thống "bảo kê" cho việc này. Thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với các địa phương, các ngành, các cấp để kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong việc này và xử lý nghiêm việc khai thác khoáng sản trái phép.

Kiên Giang

Bạn đang đọc bài viết Xử lý chủ doanh nghiệp khai thác tài nguyên trái phép, hết thời ‘đất cát’ là 'lộc trời'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới