Chủ nhật, 24/11/2024 02:31 (GMT+7)
Thứ bảy, 28/05/2022 07:00 (GMT+7)

Xử lý phế liệu không đạt tiêu chuẩn môi trường còn nhiều vướng mắc

Theo dõi KTMT trên

Hàng nghìn container phế liệu và container hàng hoá quá hạn không có người nhận tồn đọng đang chờ được xử lý tại các cảng ở TP.HCM. Với tiến độ tiêu hủy như hiện nay, cần tới 2 năm mới xử lý hết hàng trăm container phế liệu tồn đọng này.

Cần 2 năm mới xử lý hết hàng trăm container phế liệu tồn đọng

Từ cuối tháng 3/2022, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 bắt đầu triển khai kế hoạch tổ chức tiêu hủy 357 container trong tổng số 682 container phế liệu mà Tổng cục Hải quan đã ra quyết định tiêu huỷ nhằm giải phóng mặt bằng cho cảng. Đây là số container phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu, không đạt quy chuẩn quốc gia về môi trường, tồn đọng nhiều năm qua.

Theo đó, 357 container 40 feet của 10 hãng tàu sẽ bị tiêu hủy tại các nhà máy xử lý chất thải công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Đồng Nai. Hình thức tiêu hủy là ép, xay cắt, sau đó đốt trong lò 2 cấp có hệ thống xử lý khí thải hoặc lò đốt chất thải công nghiệp. Tuy nhiên, tính đến 19/5, mới có 41 container phế liệu được tiêu hủy, bình quân mỗi ngày chỉ tiêu hủy được 1 container.

“Với tốc độ tiêu huỷ như hiện nay, chỉ riêng đợt tiêu huỷ đầu tiên phải mất hơn 1 năm và xử lý hết 682 contianer đã có quyết định tiêu huỷ phải mất đến 2 năm. Việc này không chỉ khiến tốc độ giải phóng chỗ trống cho cảng bị chậm mà còn ảnh hưởng đến nhân lực, năng suất làm việc của Chi cục Hải quan do phải cử người giám sát liên tục”, ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Chi cục Hải quan Tân cảng Cát Lái) cho hay.

Trên thực tế, biện pháp khả thi nhất hiện nay đối với phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu, không đạt quy chuẩn quốc gia về môi trường là tiêu huỷ còn với hàng hoá quá hạn không có người nhận là bán đấu giá nộp vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc xử lý các container này hiện đang gặp khó do vướng nhiều quy trình, thủ tục và tốn kém cả thời gian và chi phí.

Xử lý phế liệu không đạt tiêu chuẩn môi trường còn nhiều vướng mắc - Ảnh 1
Với tốc độ tiêu huỷ như hiện nay, chỉ riêng đợt tiêu huỷ đầu tiên phải mất hơn 1 năm và xử lý hết 682 contianer đã có quyết định tiêu huỷ phải mất đến 2 năm. (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, số lượng container tồn đọng tại cảng Tân Cảng - Cát Lái trong năm 2021 là 2.934 container, những tháng đầu năm 2022 phát sinh thêm 702 container. Đến hiện tại, đã kiểm kê, phân loại, bán đấu giá, tiêu hủy, tái xuất, thông quan được tổng cộng 1.228 container. Như vậy, còn 2.408 container cần xử lý, trong đó khoảng 1.600 container là phế liệu.

Để việc tiêu hủy đúng quy định, đúng thời gian, các công ty xử lý môi trường sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển nguyên trạng hàng hóa tiêu hủy về địa điểm tiêu hủy theo hợp đồng tiêu hủy và biên bản bàn giao. Việc vận chuyển thực hiện trước ít nhất một ngày theo lịch trình tiêu hủy để tạo thuận lợi cho việc giám sát.

Trước tình hình trên, Cục Hải quan TP.HCM đã có công văn gửi Tổng cục Hải quan, báo cáo những vướng mắc trong việc tiêu hủy phế liệu tồn đọng. Cụ thể, phần lớn các hãng tàu đều ký hợp đồng tiêu hủy tập trung với 3 công ty xử lý chất thải môi trường.

Tuy nhiên các công ty này tiếp nhận xử lý phế liệu chủ yếu bằng phương pháp thủ công; công nhân đưa từng kiện hàng vào lò đốt bằng phương tiện thô sơ, xe nâng hạ, rút hàng hóa ra khỏi container một cách không chuyên nghiệp. Do đó, công suất tiêu hủy rất thấp, trung bình chỉ 1 tấn/giờ. Nếu hoạt động hết công suất cũng chỉ tiêu hủy 1 container/ngày.

Ngoài ra, toàn bộ quá trình tiêu hủy phải được giám sát từ khi cắt seal đến khi tiêu hủy toàn bộ lô hàng, tốn rất nhiều nhân lực. Trong khi đó, cán bộ, công chức giám sát tiêu hủy chỉ làm việc 8 giờ/ngày, một số thời điểm không đủ thành viên tham gia đã khiến quá trình tổ chức tiêu hủy phế liệu bị gián đoạn và kéo dài.

Do đó, tiến độ tiêu hủy thời gian qua rất chậm, chưa kể điều kiện làm việc của cán bộ, công chức giám sát tiêu hủy không được bảo đảm, về lâu dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Quá trình xử lý tiêu hủy phế liệu bằng phương pháp đốt với nhiệt độ trên 1.000 độ C còn gây ô nhiễm môi trường, gây độc hại mà mắt thường không nhìn thấy được... 

Bất cập giữa các quy định

Theo Bộ TN&MT, việc tiêu hủy phế liệu được quy định như sau: Trường hợp tiêu hủy máy móc, thiết bị, phế liệu, phế phẩm là chất thải nguy hại hoặc có chứa các thành phần nguy hại thì cơ quan quản lý môi trường chỉ cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại cho đối tượng là doanh nghiệp thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại, chủ nguồn chất thải nguy hại có trách nhiệm đăng ký với Sở TN&MT (không quy định phải có giấy phép).

Trong trường hợp tiêu hủy máy móc, thiết bị, phế liệu, phế phẩm không phải là chất thải nguy hại, căn cứ vào các quy định về quản lý chất thải nguy hại thì không quy định chủ nguồn chất thải rắn phải có văn bản cho phép của Sở TN&MT, chỉ quy định về việc báo cáo tình hình phát sinh, quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường trong báo cáo giám sát môi trường định kỳ.

Như vậy, pháp luật về môi trường không quy định việc doanh nghiệp (chủ nguồn chất thải) phải xin phép Sở TN&MT.

Trong khi đó, theo quy định tại Điều 44 Nghị định 69, “việc tiêu hủy các phế liệu, phế phẩm, phế thải (nếu có) chỉ được phép thực hiện sau khi có văn bản cho phép của Sở TN&MT và phải được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan Hải quan. Trường hợp không được phép tiêu hủy tại Việt Nam thì phải tái xuất theo chỉ định của bên đặt gia công”.

Do đó, quy định trên chưa có sự thống nhất với các quy định hiện hành tại pháp luật về môi trường. Pháp luật về môi trường không quy định việc doanh nghiệp (chủ nguồn chất thải) phải xin phép Sở TN&MT. Quy định tại Điều 44 Nghị định 69/2018/NĐ-CP lại yêu cầu việc tiêu hủy các phế liệu, phế phẩm, phế thải (nếu có) chỉ được phép thực hiện sau khi có văn bản cho phép của Sở TN&MT là chưa thống nhất với các quy định hiện hành tại pháp luật về môi trường. 

Vì vậy, doanh nghiệp thực hiện hoạt động gia công không xin được văn bản cho phép của Sở TN&MT trước khi tiêu hủy.

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, nhu cầu nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu có xu hướng gia tăng mạnh. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng số lượng phế liệu Việt Nam nhập khẩu năm 2018 là 9.254.300 tấn, tăng hơn 1.308.100 tấn so năm 2017 và trong những tháng đầu năm 2019. Trung bình mỗi tuần có hơn 2.000 container phế liệu được nhập khẩu vào Việt Nam, đồng thời cũng có hơn 2.000 container được cơ quan Hải quan giải quyết thủ tục thông quan.

Thông qua việc nhập khẩu phế liệu, nhiều mặt hàng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như: Máy móc, thiết bị lạc hậu cũ, hỏng, linh kiện điện tử có chứa chất thải nguy hại. Điều này đã gây sức ép lớn đối với quá trình tiêu hủy phế liệu, phế phẩm, phế thải trong công tác bảo vệ môi trường.

Để kiểm soát phế liệu nhập khẩu, trong đó thực hiện ngăn chặn từ xa các lô hàng hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng quy định, Ông Bùi Sỹ Đức, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, cần yêu cầu các hãng tàu/đại lý hãng tàu khi khai báo thông tin đầy đủ, cụ thể về chủ hàng tại Việt Nam (tên doanh nghiệp, mã số thuế, địa chỉ, số giấy chứng nhận, giấy các nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất…).

Đồng thời mô tả hàng hóa chi tiết; kiên quyết không dỡ hàng phế liệu từ tàu xuống cảng nếu chủ hàng không có trong danh sách tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và chưa thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu; yêu cầu hãng tàu vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và xử lý vi phạm theo quy định.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Xử lý phế liệu không đạt tiêu chuẩn môi trường còn nhiều vướng mắc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới