Chủ nhật, 24/11/2024 05:02 (GMT+7)
Thứ hai, 30/08/2021 13:55 (GMT+7)

Nhiều vướng mắc khi thực hiện quy định tiêu hủy phế liệu, phế thải

Theo dõi KTMT trên

Theo Tổng cục Hải quan, việc thực hiện quy định về tiêu hủy các phế liệu, phế phẩm, phế thải đang gây khó khăn cho cơ quan Hải quan trong việc áp dụng văn bản pháp luật và doanh nghiệp phát sinh thủ tục khi xin phép Sở TN&MT.

Bất cập giữa các quy định

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, nhu cầu nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu có xu hướng gia tăng mạnh. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng số lượng phế liệu Việt Nam nhập khẩu năm 2018 là 9.254.300 tấn, tăng hơn 1.308.100 tấn so năm 2017 và trong những tháng đầu năm 2019. Trung bình mỗi tuần có hơn 2.000 container phế liệu được nhập khẩu vào Việt Nam, đồng thời cũng có hơn 2.000 container được cơ quan Hải quan giải quyết thủ tục thông quan.

Thông qua việc nhập khẩu phế liệu, nhiều mặt hàng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như: Máy móc, thiết bị lạc hậu cũ, hỏng, linh kiện điện tử có chứa chất thải nguy hại. Điều này đã gây sức ép lớn đối với quá trình tiêu hủy phế liệu, phế phẩm, phế thải trong công tác bảo vệ môi trường.

Nhiều vướng mắc khi thực hiện quy định tiêu hủy phế liệu, phế thải - Ảnh 1
Pháp luật về môi trường không quy định việc doanh nghiệp (chủ nguồn chất thải) phải xin phép Sở TN&MT để tiêu hủy phế liệu, phế thải. (Ảnh minh họa).

Theo Bộ TN&MT, việc tiêu hủy phế liệu được quy định như sau:

Trường hợp tiêu hủy máy móc, thiết bị, phế liệu, phế phẩm là chất thải nguy hại hoặc có chứa các thành phần nguy hại thì cơ quan quản lý môi trường chỉ cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại cho đối tượng là doanh nghiệp thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại, chủ nguồn chất thải nguy hại có trách nhiệm đăng ký với Sở TN&MT (không quy định phải có giấy phép).

Trong trường hợp tiêu hủy máy móc, thiết bị, phế liệu, phế phẩm không phải là chất thải nguy hại, căn cứ vào các quy định về quản lý chất thải nguy hại thì không quy định chủ nguồn chất thải rắn phải có văn bản cho phép của Sở TN&MT, chỉ quy định về việc báo cáo tình hình phát sinh, quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường trong báo cáo giám sát môi trường định kỳ.

Như vậy, pháp luật về môi trường không quy định việc doanh nghiệp (chủ nguồn chất thải) phải xin phép Sở TN&MT.

Trong khi đó, theo quy định tại Điều 44 Nghị định 69, “việc tiêu hủy các phế liệu, phế phẩm, phế thải (nếu có) chỉ được phép thực hiện sau khi có văn bản cho phép của Sở TN&MT và phải được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan Hải quan. Trường hợp không được phép tiêu hủy tại Việt Nam thì phải tái xuất theo chỉ định của bên đặt gia công”.

Do đó, quy định trên chưa có sự thống nhất với các quy định hiện hành tại pháp luật về môi trường. Vì vậy, doanh nghiệp thực hiện hoạt động gia công không xin được văn bản cho phép của Sở TN&MT trước khi tiêu hủy.

Khó khăn trong giám sát tiêu hủy phế liệu

Theo Tổng cục Hải quan, thực hiện quy định nêu trên đang gây khó khăn cho cơ quan Hải quan trong việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật và doanh nghiệp phát sinh thủ tục hành chính, chi phí khi xin phép Sở TN&MT để được tiêu hủy các phế liệu, phế phẩm, phế thải.

Nhiều vướng mắc khi thực hiện quy định tiêu hủy phế liệu, phế thải - Ảnh 2
Quy định về tiêu hủy phế liệu, phế thải thiếu thống nhất gây khó khăn cho cơ quan Hải quan và các doanh nghiệp. (Ảnh minh họa).

Theo đó, Cơ quan Hải quan thực hiện giám sát trực tiếp việc tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị trừ trường hợp nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị tiêu hủy có trị giá dưới 1.000.000 đồng hoặc số tiền thuê dưới 50.000 đồng. Trường hợp cơ quan Hải quan giám sát trực tiếp việc tiêu hủy, khi kết thúc tiêu hủy, các bên tiến hành lập biên bản xác nhận việc tiêu hủy. Riêng đối với tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, phế liệu, phế phẩm của doanh nghiệp ưu tiên, cơ quan Hải quan không thực hiện việc giám sát.

Như vậy, quy định tại Điều 44 Nghị định 69/2018/NĐ-CP yêu cầu việc tiêu hủy các phế liệu, phế phẩm, phế thải (nếu có) phải được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan Hải quan là chưa thống nhất với các quy định tại Thông tư 38 và gây nhiều khó khăn cho cơ quan Hải quan trong việc tổ chức thực hiện vì phế liệu, phế phẩm thường xuyên được loại ra trong quá trình sản xuất, đối với các doanh nghiệp lớn, việc tiêu hủy phải thực hiện thường xuyên, cơ quan Hải quan không đủ lực lượng để tổ chức việc giám sát tiêu hủy của tất cả các doanh nghiệp.

Trước đó, Tổng cục Hải quan đã có hướng dẫn về việc thực hiện các quy định về xử lý đối với phế liệu, phế phẩm tạo thành trong quá trình sản xuất, gia công xuất khẩu.

Theo đó, hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản phẩm gia công xuất khẩu, phế liệu, phế phẩm tạo thành trong quá trình gia công được phép tiêu hủy tại Việt Nam. Và thực tế đã tiêu hủy theo quy định của pháp luật Hải quan được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại điểm e khoản 1, điểm e khoản 2 Điều 10 được nêu tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 18.

Hàng hóa nhập khẩu để gia công, phế liệu, phế phẩm tạo thành trong quá trình gia công xuất khẩu trả cho bên nước ngoài đặt gia công được miễn thuế xuất nhập khẩu theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 10 được nêu tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 18.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Nhiều vướng mắc khi thực hiện quy định tiêu hủy phế liệu, phế thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới