Chủ nhật, 24/11/2024 09:05 (GMT+7)
Chủ nhật, 01/03/2020 11:40 (GMT+7)

Xử phúc thẩm sếp dầu khí tham ô tại dự án Nam Côn Sơn 2

Theo dõi KTMT trên

Ngày 27/2, Toà án nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã xét xử phúc thẩm vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định xảy ra tại Công ty cổ phần Bọc ống dầu khí Việt Nam. Liệu còn những ai tại Tổng công ty PVGas sẽ phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham ô tài sản Nhà nước tới 48,38 tỉ đồng?

Xử phúc thẩm sếp dầu khí tham ô tại dự án Nam Côn Sơn 2 - Ảnh 1
PVCoating thực hiện gói thầu bọc ống dẫn khí của Dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 (có tổng mức đầu tư 24.823 tỉ đồng) do PVGas làm chủ đầu tư.

Phiên toà phúc thẩm diễn ra trong hai ngày (27 và 28/2/2020) đã xem xét về kháng cáo của 4 bị cáo liên quan đến hai tội danh 'Tham ô tài sản' và 'Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng' xảy ra tại Công ty cổ phần Bọc ống dầu khí (PVCoating), thuộc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam – CTCP (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) khi triển khai gói thầu bọc ống dẫn khí của dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 – giai đoạn 1.

Trước đó, trong phiên xử sơ thẩm, Toà án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tuyên phạt các lãnh đạo của Công ty cổ phần Bọc ống dầu khí Việt Nam về tội 'Tham ô tài sản' gồm: bị cáo Trần Đức Minh bị phạt 16 năm tù, Phạm Ngọc Minh (nguyên phó giám đốc) và Nguyễn Thị Hà Nhung (nguyên Kế toán trưởng - Trưởng phòng tài chính kế toán) là 11 năm tù, Bùi Nhật Vinh (nguyên Trưởng phòng kinh tế - kỹ thuật) là 10 năm tù.

Các bị cáo Nguyễn Công Chương (nguyên Phó trưởng phòng tài chính kế toán), Nguyễn Phước Toàn (nguyên Phó giám đốc), Kim Văn Anh (nguyên Giám đốc) bị phạt từ 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội 'Cố ý làm trái quy định nhà nước…'

Sau bản án sơ thẩm, bị cáo Trần Đức Minh đã kháng cáo đề nghị xem xét thay đổi tội danh đối với bị cáo; ông Phan Ngọc Minh, Bùi Nhật Vinh, Nguyễn Thị Hà Nhung kháng cáo kêu oan.

Theo tài liệu vụ án, năm 2014, PVCoating (địa chỉ tại KCN Phú Mỹ 1, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được Tổng giám đốc PVGas giao bọc ống chống ăn mòn và bêtông gia trọng cho dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 - giai đoạn 1 với tổng giá trị gói thầu này là gần 1.047 tỉ đồng,

Để triển khai dự án, ông Trần Đức Minh (nguyên Giám đốc PVCoating) đã thuê Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) xây dựng định mức, đơn giá và biết rằng định mức được lập cao hơn thực tế thi công, nhưng vẫn kí hợp đồng mua hàng từ đối tác Hồng Kông. Ông Minh đã chỉ đạo cấp dưới nhập vật tư về tương đương với định mức này rồi điều chỉnh hồ sơ kế toán nâng 'khống' khối lượng vật tư cao hơn thực tế sử dụng thi công bọc ống dẫn khí.

Mặc dù biết số liệu các chứng từ kế toán (phiếu đề nghị xuất kho và phiếu xuất kho) mà các bị cáo trên yêu cầu ký lại là không đúng, nhưng Nguyễn Phước Toàn, Nguyễn Công Chương, Kim Văn Anh vẫn ký, tạo điều kiện cho giám đốc thực hiện chiếm đoạt tài sản.

Xử phúc thẩm sếp dầu khí tham ô tại dự án Nam Côn Sơn 2 - Ảnh 2
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định xảy ra tại PVCoating.

Sau đó, lượng vật tư dư thừa gồm hơn 836 tấn hạt nhựa và sáu loại vật tư khác (gồm các loại bột nhựa, các loại thép) với trọng lượng hơn 100 tấn, trị giá gần 49 tỉ đồng đã được đem gửi vào kho ở Đồng Nai. Đến tháng 8/2016, khi ông Minh nghỉ hưu và sự việc bại lộ qua quá trình kiểm kê, bàn giao tài sản. Ngoài 39,3 tấn lưới thép bị phát hiện thiếu đã được chuyển trả về cho PVCoating, mặc dù biết còn nhiều vật tư cất giấu tại Kho K752 nhưng ông Lê Quyết Thắng (Giám đốc mới) và ông Trần Đức Minh và hai cán bộ quản lý vẫn kí biên bản bàn giao thể hiện PVCoating không còn gửi gì ở kho 752…

Khi Bộ Công an vào cuộc điều tra theo đơn tố cáo, ngày 19/10/2016, ông Trần Đức Minh khai báo sự việc và giao nộp lại toàn bộ số vật tư đã cất giấu (hạt nhựa, bột nhựa, thép…). Kết quả giám định cho thấy số vật tư cất giấu này có giá trị 48,38 tỉ đồng. Tháng 11/2016, Bộ Công an đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với 7 người gồm Giám đốc, Phó giám đốc và các trưởng, Phó phòng có liên quan của PVCoating để điều tra nhiều sai phạm tại đây.

Sau hai ngày xét xử phúc thẩm, toà án nhân dân TP. HCM không tuyên án như dự kiến, mà quay lại phần xét hỏi do tính chất phức tạp của vụ án và sẽ tuyên án vào sáng 3/3. Hội đồng xét xử nhận thấy cần làm rõ việc sơ thẩm cho rằng các bị cáo đã sửa sổ sách để nâng khống số liệu vật tư cho bằng với số vật tư mua vào để chiếm đoạt tài sản, làm rõ thiệt hại của PVCoating.

Phần xét hỏi đã hé lộ nhiều chi tiết đáng chú ý về quá trình 'rút ruột' hàng hoá vật tư sản xuất ở gói thầu bọc ống dẫn khí của dự án nghìn tỉ Nam Côn Sơn 2- giai đoạn 1.

Hội đồng xét xử đã hỏi ông Lê Hồng Hải (Giám đốc đương chức của PVCoating) về số vật tư dôi dư nhờ áp dụng cải tiến kỹ thuật thì ai được hưởng?

Ông Hải cho biết, trong hợp đồng quy định rõ khối lượng vật tư đầu vào. Khi PVCoating thực hiện dự án phải đảm bảo đưa đủ vật tư vào sản xuất. Nếu công ty có sáng kiến tiết kiệm giảm vật tư thì khi thanh toán hợp đồng, số vật tư dôi dư phải được trả lại cho nhà thầu (cụ thể là PVGas). Song ông Hải cũng không trả lời được câu hỏi của Hội đồng xét xử về việc 'PVCoating có bị thiệt hại hay không?'.

Bị cáo Trần Đức Minh trình bày: PVGas là công ty mẹ của PVCoating nắm sở hữu 52,9% vốn, nên khi thanh toán rất khó khăn, bị cáo mới chỉ đạo nhân viên thực hiện việc nâng 'khống' số liệu vật tư để đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, sản phẩm và kỳ thanh toán. Theo yêu cầu của chủ đầu tư, gần giai đoạn thanh toán, sáng kiến cải tiến kỹ thuật sẽ bằng 0 nếu phải đáp ứng đúng yêu cầu. Kể cả sáng kiến có tốt bao nhiêu thì PVCoating cũng không được hưởng lợi. Ngay từ đầu, bị cáo Đức Minh không có ý đồ tham ô tài sản.

Thực tế, sau khi PVCoating đã triển khai thi công xong gói thầu bọc ống của dự án và Ban quản lý khí Đông Nam Bộ đề xuất điều chỉnh định mức công tác bọc ống khi tiến hành nghiệm thu, thanh lý hợp đồng hoàn thành gói thầu. Tuy nhiên, ngày 3/3/2015, ông Đỗ Khang Ninh, Tổng giám đốc PVGas đã có văn bản phản hồi không phê duyệt lại định mức trong dự toán gói thầu bọc ống của dự án Nam Côn Sơn 2-giai đoạn 1 và chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiệm thu, thanh lý hợp đồng.

Sau đó, đến ngày 15/9/2015, ông Dương Mạnh Sơn - Tổng giám đốc mới của PVGas đã ban hành Quyết định số 1218/QĐ-KVN chấp thuận định mức, đơn giá bọc ống chống ăn mòn và bê tông gia trọng sử dụng trong dự toán công trình Đường ống dẫn khí Nam Công Sơn 2- giai đoạn 1, nhằm thay thế cho định mức cũ mà Viện Kinh tế Xây dựng đưa ra (chính là kẽ hở để lãnh đạo PVCoating mua sắm vật tư cao hơn thực tế sử dụng để chiếm đoạt vật tư dôi dư có trị giá 48,3 tỉ đồng).

PVGas vẫn chỉ đạo 'việc ban hành định mức và đơn giá mới không làm thay đổi giá trị dự toán công trình đã được PVGas phê duyệt từ năm 2014' và lấy làm căn cứ xác định giá trị hợp đồng, thanh quyết toán cho PVCoating.

Từ thực tế thi công gói thầu bọc ống có thể tiết giảm chi phí vật tư lớn cho nhà nước, nhưng vì sao ban lãnh đạo PVGas vẫn chậm trễ, chỉ điều chỉnh sau khi sự việc đã xảy ra và còn những ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những thất thoát tài sản của nhà nước?

Phạm Dũng

Bạn đang đọc bài viết Xử phúc thẩm sếp dầu khí tham ô tại dự án Nam Côn Sơn 2. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới