Chủ nhật, 24/11/2024 10:51 (GMT+7)
    Thứ tư, 08/06/2022 07:58 (GMT+7)

    Xuất hiện 'những nhân tố mới', Yeah1 có quay lại thời vàng son?

    Theo dõi KTMT trên

    Ngoài việc ông Nguyễn Hữu Thanh trở thành cổ đông lớn, YEG cũng đã công bố 5 thành viên dự kiến bầu vào HĐQT YEG nhiệm kỳ mới. Trong đó có 2 nhân sự không liên quan đến hoạt động của YEG.

    Theo đó, vào ngày 1/6 vừa qua, ông Nguyễn Hữu Thanh đã hoàn tất việc mua thêm 508.900 đồng cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Yeah1 (HoSE: YEG), qua đó, nâng tỷ lệ sở hữu tại YEG từ 4,2% lên 5,8% và trở thành cổ đông lớn duy nhất tại doanh nghiệp ngành truyền thông này tính đến thời điểm hiện tại, sau khi bà Trần Uyên Phương và Chủ tịch YEG Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã thoái gần hết vốn khỏi YEG.

    Việc ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã bán toàn bộ 4 triệu cổ phiếu, tương đường gần 13% vốn điều lệ của YEG, đồng nghĩa với việc ông không còn là cổ đông của YEG và cũng không tham gia HĐQT nhiệm kỳ mới 2022-2027 sắp tới khi không có tên trong danh sách ứng viên trình đại hội cổ đông bầu cử.

    Ngoài việc xuất hiện cổ đông lớn mới là ông Nguyễn Hữu Thanh, mới đây, YEG cũng đã công bố 5 thành viên dự kiến để ĐHĐCĐ bầu vào HĐQT YEG nhiệm kỳ mới. Trong danh sách này có 2 nhân sự không liên quan đến hoạt động của YEG trước đây gồm ông Trần Hoài Nam và ông Nguyễn Hoàng Giang.

    Ông Trần Hoài Nam hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Tập đoàn Thái Tuấn, một doanh nghiệp dệt may lớn hoạt động gần 30 năm. Còn ông Nguyễn Hoàng Giang là Chủ tịch Công ty Chứng khoán DNSE, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ Tài chính Encaptial. Ông Giang cũng từng đảm nhận vai trò Tổng giám đốc tại Công ty chứng khoán VNDirect.

    Như vậy, sau 16 năm sáng lập và điều hành YEG, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã chính thức từ bỏ “đứa con” của mình. Được thành lập năm 2006, khởi đầu là một trang thông tin, ông Tống đã đưa YEG trở thành một doanh nghiệp truyền thông hàng đầu Việt Nam và cũng là doanh nghiệp đầu tiên trong ngành truyền thông niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2018.

    Ngay sau khi lên sàn chứng khoán, cổ phiếu YEG đã trở thành “ngôi sao sáng chói” trên thị trường chứng khoán Việt Nam, khi thị giá cổ phiếu này được giao dịch với mức giá 343.000 đồng/cổ phiếu, đây là mức giá cao nhất trên thị trường lúc bấy giờ. Với thị giá này, YEG còn đặt mục tiêu đạt giá trị vốn hóa tỷ USD và trở thành kỳ lân của Việt Nam.

    Tuy nhiên, một sự kiện rủi ro bất ngờ xảy ra vào đầu năm 2019, khi Youtube chấm dứt quan hệ hợp tác với mạng lưới đa kênh MCN (Multi-channel network), đã khiến mọi thành quả của YEG biến mất. Giá cổ phiếu YEG khi ấy "rơi tự do" từ vùng 250.000 đồng/cổ phiếu về khoảng 37.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2019, tương đương mức giảm 85%. Truyền thông gọi cuộc khủng hoảng ở YEG là một cú “sập hầm”; bởi chỉ trong một ngày, YEG đã bốc hơi 500 tỷ đồng vốn hóa và sau 10 ngày đã bốc hơi 3.000 tỷ đồng vốn hóa.

    Cổ phiếu YEG đã có 7 phiên tăng điểm liên tiếp, trong đó có 5 phiên tăng trần. Qua đó, đưa thị giá cổ phiếu YEG từ vùng giá chỉ hơn 17.000 đồng/cổ phiếu (ngày 30/5) lên vùng giá 24.400 đồng/cổ phiếu (ngày 7/6), tương đương với mức tăng gần 41%.

    Không còn “đất” làm ăn với “ông lớn”, mọi kế hoạch lớn lao của YEG coi như bị đổ vỡ. Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống khi đó đã tự gọi mình là "tội đồ" và thừa nhận sau cú ngã 200 triệu USD với YouTube, YEG đã có được một bài học rất lớn. Bài học mà theo người đứng đầu YEG lúc bấy giờ là phải bỏ ra hàng ngàn tỷ để nhận lại. Tuy nhiên, một bài học lớn hơn mà lãnh đạo YEG nhận ra đó chính là "không nên xây nhà trên đất người khác và phụ thuộc quá nhiều vào một đối tác", nếu muốn vươn ra thế giới.

    Sau giai đoạn khủng hoảng đó, YEG đã chi hơn 141 tỷ đồng để mua lại gần 2,5 triệu cổ phiếu; Chủ tịch và Tổng giám đốc đăng ký mua tổng cộng 3 triệu cổ phiếu, thay đổi nhiều vị trí nhân sự cấp cao, chuyển hướng sang đầu tư game, tự phát triển nội dung, các kênh chuyên dành cho trẻ em và âm nhạc…

    Nhưng có lẽ những chiến lược và hành động vực dậy YEG sau cơn bạo bệnh đã không thành công. Kể từ thời điểm xảy ra biến cố với YouTube, YEG đã trải qua 3 năm liên tiếp là 2019, 2020 và 2021 kinh doanh thua lỗ, với số lỗ lần lượt là 385 tỷ đồng, 251 tỷ đồng và 258 tỷ đồng. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận của doanh nghiệp này cũng giảm từ mức 34% năm 2018, xuống còn 4,9% năm 2021.

    Điều này đã khiến cho các cổ đông lớn và gắn bó lâu dài như quỹ ngoại thuộc VinaCapital, bà Trần Uyên Phương hay như chính “cha đẻ” của YEG là Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cũng đã không còn đủ kiên nhẫn và quyết định “quay xe” rời bỏ YEG.

    Ở một diễn biến khác, trong hơn một tuần qua, phản ứng trước thông tin Chủ tịch và những cổ đông gắn bó lâu năm thoái toàn bộ vốn tại công ty, nếu như bình thường vốn có của thị trường thì thông tin này sẽ tác động tiêu cực đến thị giá của cổ phiếu, thậm chí cổ phiếu có thể bị bán tháo và mất thanh khoản.

    Tuy nhiên, cổ phiếu YEG lại phản ứng ngược lại, cổ phiếu này liên tục tăng mạnh, với 7 phiên tăng điểm liên tiếp, trong đó có 5 phiên tăng trần. Qua đó, đưa thị giá cổ phiếu YEG từ vùng giá chỉ hơn 17.000 đồng/cổ phiếu (ngày 30/5) lên vùng giá 24.400 đồng/cổ phiếu (ngày 7/6), tương đương với mức tăng gần 41%. Vốn hóa thị trường của YEG qua đó cũng đạt gần 700 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa bằng 10% mức định giá ở thời điểm mới lên sàn.

    Diễn biến cổ phiếu YEG trên thị trường những ngày qua cho thấy, nhà đầu tư đã có những lạc quan và tin tưởng vào “những nhân tố mới” xuất hiện trong đợt “thay máu” này tại YEG sẽ có những định hướng và quyết sách giúp cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngành truyền thông này khởi sắc trong thời gian tới.

    Đáng chú ý là tại YEG, trước khi thoái vốn, cựu Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cũng đã bán “lúa non” toàn bộ vốn tại 6 công ty con trong các lĩnh vực quảng cáo, sản xuất chương trình, dịch vụ quản lý hình ảnh và phim trên internet... - những lĩnh vực có thể mang lại nguồn thu cho YEG. Liệu rằng “những nhân tố mới” trong nhiệm kỳ này, với những gì còn lại của một hệ sinh thái hẹp hơn, lại vừa trải qua chặng đường dài xóc nảy, có giúp YEG vượt qua “cơn bĩ cực” để trở lại thời vàng son?

    Mai Linh

    Bạn đang đọc bài viết Xuất hiện 'những nhân tố mới', Yeah1 có quay lại thời vàng son?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới