Xuất khẩu rượu có nhiều triển vọng trong bối cảnh mới
Theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp Việt Nam có thể nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu về rượu và các loại đồ uống có cồn của một số nước, tận dụng các ưu đãi về thuế quan theo cam kết tại các FTA mà Việt Nam tham gia hoặc áp dụng loại thuế quan có lợi thế hơn.
Hàn Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ đồ uống có cồn lớn trên thế giới do tập tục uống rượu bắt nguồn từ Nho giáo và văn hóa uống rượu hiện đại (hoesik), tụ tập gặp nhau sau giờ làm việc, ăn uống cùng nhau.
Theo báo cáo của của công ty nghiên cứu và dữ liệu Fitch Solutions, sự gia tăng chi tiêu cho đồ uống có cồn hiện nay tại Hàn Quốc còn do người tiêu dùng ở nhà uống nhiều hơn thay vì đến quán bar trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ngày càng lan rộng.
Số liệu của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc cho thấy, kim ngạch nhập khẩu rượu năm 2020 của Hàn Quốc tăng 8,3% so với năm 2019, đạt 1,1 tỉ USD, là mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Riêng 7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu rượu vào Hàn Quốc đã tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước, lên 800 triệu USD.
Fitch Solutions ước tính, chi tiêu cho rượu ở Hàn Quốc sẽ đạt 6,8 tỉ USD trong năm 2021. Giai đoạn 2022 - 2025, tăng trung bình hàng năm về chi tiêu cho rượu sẽ là 4,3% so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ có Hàn Quốc, nhiều quốc gia khác trên thế giới hiện cũng đang tăng nhập khẩu rượu, đồ uống có men, cồn do việc ở nhà tránh dịch bệnh.
Từ những dữ liệu trên có thể thấy đây là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu rượu của Việt Nam sang Hàn Quốc và nhiều thị trường khác. Tuy nhiên, thị phần rượu Việt Nam trên thế giới mới chỉ chiếm 0,1%, đứng thứ 59 trong các quốc gia xuất khẩu rượu toàn cầu.
Xuất khẩu rượu của Việt Nam những năm gần đây giảm trong khi tiêu thụ mặt hàng này ở nhiều quốc gia có xu hướng tăng trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng tránh đại dịch Covid-19. Đáng kể là các nước đã tham gia và ký kết các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương thế hệ mới với Việt Nam như Canada, Phần Lan, Hàn Quốc…
Theo Bộ Công Thương, thực phẩm và đồ uống nằm trong nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh. Trong nhiều năm qua, đây luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và nhiều tiềm năng phát triển với tốc độ tăng trưởng được dự báo từ 5%-6%/năm trong giai đoạn 2020-2025 như nhận định và đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế.
Dù đang đang trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng đây cũng là thời điểm được cho rằng có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ đối với ngành thực phẩm, đồ uống tại Việt Nam.
Cùng với đó là sự dịch chuyển thói quen từ ăn uống tại nhà hàng sang tại nhà và những mối lo ngại về thực phẩm nhập khẩu... khiến cho nhu cầu tiêu dùng của một số nhóm thực phẩm đồ uống không ngừng tăng nhanh và được dự báo sẽ có nhiều bứt phá trong nhiều năm tiếp theo.
Nguyễn Luận