Chủ nhật, 24/11/2024 06:09 (GMT+7)
Thứ ba, 03/11/2020 10:49 (GMT+7)

Yên Bái: Rừng trong khu bảo tồn 'chảy máu', trách nhiệm thuộc về ai?

Theo dõi KTMT trên

Để xảy ra tình trạng chặt phá rừng tại khu bảo tồn thì người phải chịu trách nhiệm đầu tiên sẽ là lãnh đạo địa phương và tiếp đến là những đơn vị liên quan.

Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có loạt bài phản ánh về tình trạng chặt phá rừng tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải (xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) diễn ra trong một thời gian dài khiến một lượng lớn cây gỗ Pơ mu (nhóm IIA). Trong đó, nhiều cây có độ tuổi hàng trăm năm bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc, ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của người dân xung quanh, khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Yên Bái: Rừng trong khu bảo tồn 'chảy máu', trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 1
Gỗ Pơ mu được xẻ thành nhiều phiến nhỏ để dễ vận chuyển.

Trao đổi với PV, một số lãnh đạo cơ quan chức năng tại Yên Bái xác nhận có vụ việc phá rừng này nhưng lại né tránh cung cấp thông tin xử lý vụ việc. Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh ủy Yên Bái, UBND tỉnh Yên Bái đề nghị cung cấp thông tin và chỉ đạo cung cấp thông tin về việc xử lý vụ việc và sẽ cung cấp thông tin tới bạn đọc khi có thông tin phản hồi.

Trao đổi với PV Tạp chí Kinh tế Môi trường xoay quanh câu chuyện chặt phá rừng tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải (KBT-PV), Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho rằng, việc các cá nhân tự ý chặt phá rừng trong Khu bảo tồn là trái với quy định của pháp luật và cần phải xử lý nghiêm. Ngoài ra,để xảy ra tình trạng chặt phá rừng tại KBT thì người phải chịu trách nhiệm sẽ là lãnh đạo địa phương và tiếp đến là những đơn vị liên quan.

Theo luật sư Bình, hành vi khai thác rừng trái pháp luật sẽ bị xử lý hành chính theo Điều 13 Nghị định 35/2019 NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Cụ thể: "Đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA: ...Phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật... từ 0,8 m3 đến dưới 01 m3 gỗ rừng tự nhiên. Tịch thu tang vật đối với hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 điều này". 

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật đối với hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 điều này. 

Vì vậy, quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân khi thực hiện hành vi khai thác rừng dưới 1m3 gỗ rừng tự nhiên thuộc nhóm IIA (gỗ Pơ mu). Khi số lượng nhiều hơn sẽ bị xử lí hình sự theo Điều 232 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị tù từ 05 năm đến 10 năm: Khai thác trái phép tại rừng đặc dụng 60 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật thông thường; 20 mét khối (m3) trở lên gỗ loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA; Khai thác trái phép thực vật rừng khác trị giá 400.000.000 đồng trở lên; Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng. 

Yên Bái: Rừng trong khu bảo tồn 'chảy máu', trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 2
Những cây bị chặt hạ và xẻ thành từng phiến không nằm cạnh nhau, mà rải rác từng đoạn trong khu bảo tồn. 

Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật nói thêm, tại Điều 103 Luật Lâm nghiệp quy định chức năng của Kiểm lâm là tổ chức có chức năng quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; là lực lượng chuyên ngành về phòng cháy và chữa cháy rừng.

Điều 104 về nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm lâm được quy định như sau: Xây dựng chương trình, kế hoạch bảo vệ rừng, phương án phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, phòng cháy và chữa cháy rừng; Bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức bảo vệ rừng thuộc sở hữu toàn dân chưa giao, chưa cho thuê.

Tổ chức cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng; tổ chức lực lượng chuyên ngành phòng cháy và chữa cháy rừng, theo dõi diễn biến rừng hằng năm; Tổ chức đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật trong bảo vệ rừng, khai thác rừng, sử dụng rừng, vận chuyển, kinh doanh, cất giữ, chế biến lâm sản theo quy định của pháp luật.

Hướng dẫn chủ rừng lập và thực hiện phương án phòng cháy và chữa cháy rừng; bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng cho chủ rừng; Tuyên truyền, vận động Nhân dân bảo vệ và phát triển rừng; tổ chức lực lượng quần chúng bảo vệ rừng ở cơ sở; Thực hiện nhiệm vụ khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật.

Như vậy, có thể thấy nếu lực lượng kiểm lâm để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng thì có thể sẽ bị xử lý theo Luật Cán bộ công chức hoặc theo Luật hình sự.

Hiện trường vụ phá rừng trong khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại mục 5, Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã nêu: Xác định  rõ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức địa phương. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị nhân dân coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức tại địa phương phải chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi lĩnh vực địa bàn mình quản lý, hoặc để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Minh Quang

Bạn đang đọc bài viết Yên Bái: Rừng trong khu bảo tồn 'chảy máu', trách nhiệm thuộc về ai?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới