2022: Bắc Kinh hiện thực hóa 66.000 ha rừng
Ngày 6/1, chính quyền thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc thông báo kế hoạch trồng 10.000ha cây xanh trong năm nay, nhằm nâng tỷ lệ bao phủ rừng tại đây lên 44,8%.
Theo báo cáo công tác của Thị trưởng Bắc Kinh Trần Cát Ninh, thành phố này sẽ cải thiện sự đa dạng, tính kết nối và sự an toàn của hệ sinh thái, nhằm hoàn tất kế hoạch trồng rừng vào năm 2022.
Thị trưởng Trần Cát Ninh nêu rõ Bắc Kinh sẽ cải thiện chất lượng rừng, xây dựng và thực hiện các kế hoạch bảo vệ đa dạng sinh học và quy hoạch môi trường sống của động vật hoang dã, cũng như kế hoạch hành động 3 năm nhằm bảo tồn và phục hồi các vùng đất ngập nước, với việc thành lập 20 khu bảo tồn đa dạng sinh học.
Mục tiêu trên nằm trong kế hoạch trồng rừng vốn được thành phố Bắc Kinh triển khai từ năm 2017. Theo kế hoạch này, Bắc Kinh sẽ trồng tổng cộng hơn 66.000 ha rừng vào cuối năm 2022.
Trong nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu và tăng cường bảo vệ môi trường sống tự nhiên, Trung Quốc có kế hoạch mỗi năm trồng mới 36.000 km2 rừng, lớn hơn diện tích của nước Bỉ.
Phát biểu với báo giới ngày 20/8, Phó Chủ tịch Ủy ban lâm nghiệp và đồng cỏ Lý Xuân Lượng cho biết đến năm 2025, Trung Quốc sẽ trồng mới 36.000 km2 rừng mỗi năm theo các chương trình phủ xanh đất trống quy mô lớn.
Đến năm 2035, nước này sẽ nâng cấp toàn diện chất lượng và sự ổn định của các hệ sinh thái sa mạc, đầm lầy, đồng cỏ và rừng quốc gia.
Theo kế hoạch 5 năm về rừng và đồng cỏ được công bố trong tuần này, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc từ 23,04% vào cuối năm ngoái lên 24,1% vào cuối năm 2025.
Ông Lý Xuân Lượng không đề cập cụ thể sẽ trồng loại cây nào, song kế hoạch này cho thấy chiến lược sẽ được triển khai dựa một phần vào “tái trồng rừng tự nhiên,” tức là trồng nhiều loại cây khác nhau tùy theo điều kiện môi trường địa phương.
Trong 5 năm tới, Trung Quốc cũng dự kiến mở rộng hệ thống công viên quốc gia và tăng cường trấn áp hoạt động buôn lậu động vật hoang dã.
Trồng cây là trọng tâm trong các nỗ lực bảo vệ môi trường của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua và cũng là ưu tiên quan trọng trong các kế hoạch của nước này nhằm giảm khí thải carbon xuống mức 0 vào năm 2060.
Trong một báo cáo công bố cùng ngày 20/8, nhóm nghiên cứu thị trường comparethemarket.com cho biết riêng thành phố Bắc Kinh sẽ cần trồng hơn 15 triệu cây xanh mỗi năm để hấp thụ lượng khí thải hằng năm.
Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore mỗi nơi sẽ phải trồng hơn 9 triệu cây trong khi London (Anh) sẽ chỉ cần trồng hơn 4 triệu cây xanh mỗi năm.
Cũng trong nỗ lực giảm khí thải carbon, Ngân hàng Công nghiệp (Trung Quốc) ngày 18/8 đã cấp khoản vay đầu tiên với tổng trị giá 18 triệu nhân dân tệ (gần 3 triệu USD) để tạo bể chứa carbon.
Khoản vay này được cấp cho một công ty quản lý đất ngập nước ven biển tại Vịnh Giao Châu ở thành phố Thanh Đảo, thuộc tỉnh Sơn Đông, để mua các loại cây trồng sống ở đất ngập nước có khả năng hấp thụ carbon cao hơn, góp phần bảo vệ các hệ sinh thái.
Hệ sinh thái rừng rất phức tạp và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bên ngoài. Do đó, các tiêu chí để quản lý rừng bền vững phải liên tục thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới. Các tiêu chí này phải phản ánh bối cảnh của quốc gia và các điều kiện sinh thái, môi trường cụ thể cũng như các khía cạnh xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa và tinh thần.
Thách thức đối với hệ thống chứng nhận rừng toàn cầu là việc xây dựng một cách tiếp cận đủ linh hoạt để phản ánh các hoàn cảnh cụ thể của từng quốc gia, nhưng cũng cần phải phù hợp với các yêu cầu của quốc tế. Cách tiếp cận này cần đảm bảo các yêu cầu thực tiễn và các tiêu chí thực tế để quản lý rừng bền vững trên phạm vi toàn cầu và cần được cập nhật liên tục để kết hợp các kiến thức mới cũng như thay đổi theo mong đợi.
Tại châu Á, Nhật Bản là quốc gia có đến 68,6% diện tích đất là rừng che phủ, đứng thứ 17 trên thế giới. Cách đây hơn 300 năm, quốc gia này đã phải trải qua giai đoạn rừng bị tàn phá nghiêm trọng, biến cảnh quan thành những vùng đất hoang hóa. Việc quản lý rừng cộng đồng của các địa phương đã khởi đầu cho một kỷ nguyên mới trong phục hồi rừng và phát triển lâm nghiệp của Nhật Bản.
Nguyễn Linh (T/h)