22 phố đi bộ được xem xét mở thêm tại trung tâm TP.HCM
Theo đề án Tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm TP. HCM vừa được Sở Giao thông vận tải TP trình UBND TP, trong 3 năm tới TP sẽ mở thêm 22 tuyến phố đi bộ nhằm hạn chế xe vào nội đô, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế đêm.
Thông tin về việc mở cấc tuyến phố đi bộ tại khu vực trung tâm Thành phố, Sở Giao thông vận tải TP. HCM cho biết, thời gian gần đây một số quận, huyện có đề xuất tổ chức điều chỉnh tổ chức giao thông trên một số tuyến đường để tổ chức phố đi bộ (quận 3, quận 10, quận 11...). Tuy nhiên, các phương án đề xuất còn định tính, chưa có tiêu chí rõ ràng, chưa đánh giá cụ thể tác động đến giao thông, kinh tế, môi trường...
Từ những nhu cầu thực tiễn của người dân, tác động đến giao thông và tiềm năng động lực phát triển kinh tế mà các tuyến đi bộ mang lại, Sở Giao thông vận tải TP đã nghiên cứu Đề án Tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm Thành phố. Đề án nhằm nghiên cứu toàn diện về các tiêu chí, thiết kế, kế hoạch các giai đoạn thực hiện để có một lộ trình triển khai các tuyến phố đi bộ chất lượng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức giao thông phụ trợ để nâng cao mức độ an toàn, tiếp cận, khả năng di chuyển, mức độ kết nối, sức khỏe cộng đồng, các hoạt động thể chất, môi trường và các cơ hội giải trí cho người dân.
Bên cạnh đó, Đề án mở các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm Thành phố góp phần nâng cao tính hấp dẫn, thúc đẩy hoạt động du lịch, thương mại và dịch vụ ở khu vực trung tâm, nơi có nhiều công trình di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc – văn hóa đặc sắc của thành phố...
Theo đề án của Sở Giao thông vận tải TP. HCM, đến năm 2025 tổ chức phố đi bộ khu trung tâm thành phố vào các ngày thứ Bảy và Chủ Nhật, phạm vi được chia thành 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (2022 - 2023), cấm các loại xe qua lại khi phố đi bộ được mở ở vòng xoay Công trường Quốc Tế, đường Phạm Ngọc Thạch, Công Xã Paris (từ đường Lê Duẩn đến Nguyễn Du), Đồng Khởi (từ đường Nguyễn Du đến Lê Lợi), Lê Lợi (từ đường Nguyễn Huệ đến vòng xoay Quách Thị Trang), Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu. Đường Nguyễn An Ninh, Lưu Văn Lang ưu tiên cho đi bộ, hạn chế xe đi lại.
Giai đoạn 2 (2023 - 2024), TP Hồ Chí Minh mở rộng phạm vi phố đi bộ ngày cuối tuần trên đường Đồng Khởi (từ đường Lê Lợi đến Tôn Đức Thắng), Lê Lợi (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi), Công trường Lam Sơn (từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng), Nguyễn Thiệp (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi), Mạc Thị Bưởi (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi), Ngô Đức Kế (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi).
Các tuyến như đường Đông Du (từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng), Mạc Thị Bưởi (từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng), Hồ Huấn Nghiệp, Ngô Đức Kế (Đồng Khởi đến Công trường Mê Linh), Phan Văn Đạt, Tôn Đức Thắng (từ Nguyễn Huệ đến Công trường Mê Linh) sẽ ưu tiên đi bộ, hạn chế xe qua lại.
Giai đoạn 3 (2024 - 2025), mở rộng phạm vi tuyến phố đi bộ vào cuối tuần đối với đường Hàm Nghi (từ Tôn Đức Thắng đến vòng xoay Quách Thị Trang). Đối với đường Tôn Thất Đạm (từ Hàm Nghi đến Huỳnh Thúc Kháng), Thái Văn Lung, Thi Sách sẽ ưu tiên cho đi bộ, hạn chế xe.
Như vậy phạm vi tổ chức các phố đi bộ này xoay quanh tuyến Metro Số 1, dự kiến vận hành thương mại từ cuối năm sau. Trước đó, từ tháng 10/2020, Sở Giao thông vận tải đề xuất 5 tuyến đường thành phố đi bộ, gồm: Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách. Khu vực này có hơn 50 tuyến xe buýt, sau này các tuyến metro đều hoạt động, mỗi năm đón hàng triệu khách bộ hành...
Để tổ chức 22 đường thành phố đi bộ, đề án của Sở Giao thông vận tải TP. HCM cũng nêu ra các giải pháp nhằm tu sửa lại các tuyến đường như cải tạo nút giao, vỉa hè; điều chỉnh giao thông, tăng kết nối giao thông công cộng; tổ chức sự kiện thu hút người dân, du khách...
Được biết, hiện TP. HCM hiện hai phố đi bộ cấp thành phố là Nguyễn Huệ (hoạt động năm 2015) và Bùi Viện (hoạt động năm 2017). Năm 2020, quận 10 đầu tư 2,5 tỷ đồng tổ chức phố đi bộ ẩm thực, mua sắm theo mô hình kinh tế đêm trước chợ Nguyễn Tri Phương. Năm 2021, quận 3 đề xuất mở phố đi bộ ở khu vực Hồ Con Rùa, song phạm vi các tuyến đường trùng với nghiên cứu nên Sở Giao thông Vận tải đã gộp vào đề án trên.
Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, khi quy hoạch phố đi bộ cần tính toán lợi ích kinh tế và phát triển bền vững. Hiện nay, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ tạo ra không gian vui chơi, sinh hoạt cho người dân nhưng phải sử dụng ngân sách hoạt động trong khi các tuyến phố Bùi Viện chỉ là địa điểm hạn chế phương tiện để các hàng quán được hưởng lợi trực tiếp từ đó. Qua nhiều năm, phố đi bộ Bùi Viện vẫn chưa thể hiện nét tái đầu tư phát triển mang hướng đặc sắc hơn.
"Nếu giải quyết hết nỗi trăn trở của người dân và bài toán ngân sách thì việc mở rộng không gian đi bộ sẽ hiệu quả, bền vững" - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.
Cũng theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, tạo không gian đi bộ ở các trung tâm đô thị là xu hướng chung trên toàn thế giới chứ không riêng ở Việt Nam hay TP. HCM, bởi các tuyến phố đi bộ đúng nghĩa luôn tạo ra không gian thoải mái, từ mua sắm đến thư giãn cho người dân và du khách.
Thư Anh - Thanh Vũ