3 cơ sở để nền kinh tế phục hồi nhanh chóng sau đại dịch
Nền kinh tế của Việt Nam vẫn có rất nhiều cơ sở để phục hồi nhanh chóng sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Số liệu báo cáo tăng trưởng GDP “âm” của quý III/2021 không gây ngạc nhiên bởi đó là điều mà ai cũng có thể dự đoán được. Tuy nhiên, nền kinh tế của Việt Nam vẫn có rất nhiều cơ sở để phục hồi nhanh chóng sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Dấu hiệu phục hồi kinh tế
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng đầu năm ước tính tăng 1,425 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó GDP quý III giảm khoảng 6,17%. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ năm 2000 đến nay.
Phân tích tốc độ tăng trưởng GDP “âm” của quý III/2021, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng tình thế khó khăn là do có yếu tố “đột biến” mang tính tạm thời. Nền kinh tế vẫn chứa đựng nhiều cơ sở cho sự phục hồi mạnh mẽ.
Mới đây, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã công bố các số liệu về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021, theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng ước tăng 1,42%. Trong đó, GDP quý III/2021 ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý (từ năm 2000).
Mặc dù còn nhiều khó khăn trước mắt nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để phục hồi và phát triển nhanh chóng trong thời gian tới. Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, những khó khăn vừa qua chỉ mang tính tạm thời. Nó cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận những điểm yếu của nền kinh tế cũng như xu hướng phát triển để đưa ra các chính sách phù hợp.
Trong 9 tháng đầu năm, nhiều tỉnh là trọng điểm kinh tế của cả nước như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh… phải thực hiện giãn cách trong một thời gian dài. Vì vậy, việc suy giảm tốc độ tăng trưởng là điều đương nhiên. Sự bùng phát của đại dịch khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng thì việc duy tri một mức tăng trưởng GDP dương là điều đáng mừng.
Không chỉ thế, xuất khẩu tăng trưởng 18,8% so với cùng kỳ và trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế của nước ta. Đây là kết quả của chính sách ưu tiên của chính phủ dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhằm giảm thiểu nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, điều này cũng giúp nền kinh tế Việt Nam bám sát đà phục hồi của nền kinh tế thế giới.
PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng: “Tôi đánh giá cao sự đồng hành của Chính phủ khi cùng doanh nghiệp chống chịu với Covid-19 trong suốt quãng thời gian khó khăn đặc biệt vừa qua nhưng chúng ta cũng phải mổ xẻ, nhìn nhận cho hết khó khăn để có giải pháp. Nhận diện rõ khó khăn không phải để tiêu cực, gây mất lòng tin mà để tìm ra những chính sách phù hợp nhất”.
Cơ sở của phục hồi kinh tế ở Việt Nam
Mặc dù những khó khăn và sự suy giảm của nền kinh tế chỉ là tạm thời nhưng cũng nên tính đến khả năng sức khỏe của nền kinh tế suy giảm khi các khó khăn đó kéo dài thêm. Tuy nhiên, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế của Việt Nam có thể nhanh chóng phục hồi trong thời gian tới
Cơ sở thứ nhất là dịch bệnh đã được kiểm soát. Nhà nước đang có kế hoạch mở cửa nền kinh tế một cách tích cực nhưng thận trọng. Điều này tạo niềm tin và động lực để các doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ sau thời gian đình trệ.
Thứ hai là khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, hiện nay, liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế trong nước còn lỏng lẻo. Thời điểm này là cơ hội để các doanh nghiệp Việt liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công giúp phục hồi kinh tế và phát hiện ra những bất hợp lý của chính sách. Trên cơ sở đó, tìm cách tháo gỡ nhanh và hiệu quả nhất.
Quốc Khánh