Chủ nhật, 24/11/2024 09:40 (GMT+7)
Thứ ba, 02/11/2021 13:30 (GMT+7)

95% doanh nghiệp ở khu chế xuất tại TP.HCM hoạt động trở lại

Theo dõi KTMT trên

Tuy không sử dụng hết lực lượng lao động hiện có nhưng nhiều doanh nghiệp đang từng bước mở rộng quy mô sản xuất, số lượng công nhân sẽ tăng nhanh trở lại trong thời gian tới

Hầu hết ổn định

Theo thống kê đến ngày 1/11, tổng số doanh nghiêp đăng ký hoạt động trở lại sau khi kết thúc giãn cách xã hội tại khu chế xuất là 1.342/1.412 doanh nghiệp (đạt tỉ lệ 95%) với 216.000/288.000 lao động (đạt tỉ lệ 75%); Tại các KCN, khu công nghệ cao có 88/88 doanh nghiệp (đạt tỉ lệ 100%) với 145.000 lao động (đạt tỉ lệ 84%).

“Để đảm bảo sản xuất an toàn, an toàn đến đâu sản xuất đến đó, từ ngày 1/10 đến nay, các nhà máy, xí nghiệp tại thành phố chưa tăng hết công suất hoạt động. Tuy không sử dụng hết lực lượng lao động hiện có nhưng nhiều doanh nghiệp đang từng bước mở rộng quy mô sản xuất, số lượng công nhân sẽ tăng nhanh trở lại trong thời gian tới”, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết.

95% doanh nghiệp ở khu chế xuất tại TP.HCM hoạt động trở lại - Ảnh 1
KCX-KCN cho phép lao động đi làm lại. (Ảnh minh họa)

Theo Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) ở TP.HCM, trước thời điểm dịch bùng phát, thành phố có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao với hơn 320.000 người làm việc trong gần 1.500 nhà máy.

Từ ngày 15/7 đến trước ngày 30/9, theo yêu cầu của UBND Thành phố, doanh nghiệp được phép hoạt động khi đáp ứng một trong hai điều kiện: Doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ” gồm sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ hoặc doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm”, chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân.

Ngược lại, doanh nghiệp nếu không đảm bảo phòng dịch Covid-19 phải dừng hoạt động nên đã có hơn 820 nhà máy, xí nghiệp tại khu vực này ngưng sản xuất, khiến hơn 244.000 công nhân phải tạm ngừng việc.

Phải phát triển có trọng tâm

Thực tế, các KCX-KCN được hình thành tại các vùng sản xuất nông nghiệp ở một số huyện ngoại thành của thành phố. Sự xuất hiện các KCN đã có tác động đến cơ cấu kinh tế của các huyện cũng như cơ cấu của kinh tế thành phố. Trong số lao động được tuyển dụng thì số lao động địa phương chiếm 35-40%. Ngoài việc thu hút trực tiếp lao động vào các KCX-KCN, còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, đồng thời, cung cấp đầy đủ sản phẩm, dịch vụ cho các KCX-KCN.

Các chuyên gia kinh tế đã đưa ra nhận định, KCX-KCN hiện phát triển chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng, thế mạnh vốn có. Với quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, năng lực cạnh tranh còn thấp, ít sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế… đang là hạn chế hiện nay. Ðể khắc phục tình trạng này, tái cấu trúc đang trở thành một giải pháp mạnh mẽ trong thời gian tới.

95% doanh nghiệp ở khu chế xuất tại TP.HCM hoạt động trở lại - Ảnh 2
Tái cấu trúc doanh nghiệp KCX-KCN. (Ảnh minh họa)

Đó là dần thay đổi diện mạo mới của các KCX-KCN như khu công nghiệp hỗ trợ, khu sinh thái, đổi mới sáng tạo, công nghiệp - đô thị - dịch vụ… nhằm đáp ứng nhu cầu phù hợp với mục tiêu thu hút các dự án đầu tư lớn theo định hướng đổi mới sáng tạo trước xu thế phát triển cách mạng công nghiệp 4.0.  

Các KCX-KCN sẽ tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc, xúc tiến thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp trọng yếu, có hàm lượng công nghệ cao và ít thâm dụng lao động, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp… Tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh của các doanh nghiệp trong KCX-KCN đạt 236,1 triệu USD, tăng 22,87% so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, để thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư nhất là vốn đầu tư nước ngoài, thành phố cần phải nhanh chóng cải thiện hạ tầng, tạo quỹ đất sạch sẵn sàng phục vụ các nhà đầu tư. Từ phía các công ty đầu tư hạ tầng phải giải quyết nhanh thủ tục pháp lý cần thiết về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp trong KCX-KCN, tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng phát triển đầu tư sản xuất.

Thu Hà (t/h)

Bạn đang đọc bài viết 95% doanh nghiệp ở khu chế xuất tại TP.HCM hoạt động trở lại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới