An Phát Holdings thúc đẩy "Vai trò của phụ nữ trong tạo thuận lợi thương mại”
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings, phụ nữ có vai trò quan trọng trong công tác quản lý, lãnh đạo và quan trọng hơn là công tác tạo thuận lợi thương mại.
Việt Nam có độ mở nền kinh tế ngày càng cao, tham gia ngày càng sâu rộng vào nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA,…) với yêu cầu cao hơn và phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, thực hiện cắt giảm thuế quan, cũng như yêu cầu mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ...
Các cam kết đó mang lại rất nhiều lợi ích cho Việt Nam, đồng thời có ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và ngành Hải quan nói riêng.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm “Vai trò của phụ nữ trong tạo thuận lợi thương mại” do Báo Hải quan phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 23/3, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ chia sẻ: Ngành Hải quan một mặt phải tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước, mặt khác vẫn phải kiểm soát chống buôn lậu và gian lận thương mại một cách hiệu quả.
Bắt nhịp với tốc độ hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, Hải quan Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ để ngày càng khẳng định rõ nét vai trò trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng là tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Xuất phát từ yêu cầu hội nhập, phát triển của đất nước, thực hiện các nhiệm vụ được giao, vai trò, trách nhiệm và khối lượng công việc của Hải quan Việt Nam ngày một nặng nề hơn. Với sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã nỗ lực triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp.
Đặc biệt, ngành Hải quan đang nỗ lực đổi mới và nâng cao hiệu quả, chất lượng của quan hệ đối tác Hải quan- doanh nghiệp. Việc đổi mới tư duy từ xem doanh nghiệp là đối tượng quản lý sang đối tác để đồng hành, phục vụ là một đột phá được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Với tinh thần cải cách, Tổng cục Hải quan luôn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, qua đó đưa ra giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao năng suất, hiệu quả kinh doanh. Thông điệp được thể hiện xuyên suốt của Tổng cục Hải quan là tạo thuận lợi thương mại, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp chấp hành đúng quy định của pháp luật.
Đóng góp rất lớn vào thành tích chung của ngành Hải quan trong thời gian qua không thể không kể đến vai trò của đội ngũ nữ cán bộ công chức Hải quan.
Giai đoạn mới thành lập, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia trong ngành Hải quan rất ít, nắm giữ vai trò quản lý lại càng ít hơn. Tuy nhiên, trải qua quá trình 77 năm phát triển của ngành Hải quan, tỷ lệ cán bộ nữ trong ngành đã chiếm gần 50% với khoảng hơn 5.000 cán bộ nữ trong tổng số 10.500 cán bộ toàn ngành.
14/189 lãnh đạo cấp Vụ, Cục là cán bộ nữ; nhiều cán bộ công chức nữ là lãnh đạo các phòng, ban, Chi cục, phủ rộng trong các lĩnh vực nghiệp vụ, đặc biệt là cả những lĩnh vực nghiệp vụ quan trọng của ngành hải quan.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn hài hòa giữa công việc gia đình, chăm sóc con cái, vừa hoàn thành công việc chuyên môn nghiệp vụ nhưng cán bộ nữ trong ngành Hải quan đã khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
"Tọa đàm lần này hướng tới việc xây dựng hình ảnh cán bộ nữ trong ngành Hải quan và một số doanh nghiệp có nhân sự nữ tiêu biểu, thông qua đó tăng cường hợp tác giữa Hải quan và doanh nghiệp trong tạo thuận lợi thương mại", lãnh đạo Tổng cục Hải quan nói.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ, TS. Claudio Dordi, Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ cho biết: Thông qua Dự án Tạo thuận lợi thương mại, USAID đang làm việc với Tổng cục Hải quan để chuẩn hóa các thủ tục hải quan. Mục tiêu bao trùm Dự án là hỗ trợ Việt Nam phát triển môi trường đầu tư và thương mại hấp dẫn hơn.
Dù đã đạt đươc nhiều tiến bộ về bình đẳng giới và trao quyền kinh tế cho phụ nữ nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Sự tham gia của phụ nữ vào nền kinh tế với tư cách là chủ doanh nghiệp, lao động và người tiêu dùng đã được chứng minh là dẫn đến tăng trưởng kinh tế bền vững và mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, phụ nữ tiếp tục gặp phải những rào cản đáng kể so với nam giới. Những nghiên cứu quốc tế chỉ ra rằng, luật pháp và các Hiệp định thương mại thường hạn chế cơ hội tiếp cận việc làm ổn định và thỏa đáng của phụ nữ, hạn chế cơ hội hưởng lợi từ thương mại quốc tế của phụ nữ.
Phát biểu tại buổi tọa đàm với vai trò diễn giả, bà Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong công tác quản lý, lãnh đạo và quan trọng hơn là công tác tạo thuận lợi thương mại. Đặc biệt, trong khối các doanh nghiệp tư nhân, sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ mang giá trị vượt trội cho nền kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, An Phát Holdings là Tập đoàn nhựa công nghệ cao và thân thiện môi trường hàng đầu Đông Nam Á. Tính tới thời điểm hiện tại, Tập đoàn đã sở hữu 16 CTTV với nhiều loại sản phẩm có mặt ở 70 quốc gia trên thế giới. Trong giai đoạn 2020-2021, An Phát Holdings có nhiều CTTV nằm trong danh sách “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” và đóng góp tích cực trong tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước. Tổng doanh thu xuất khẩu năm 2021 của An Phát Holdings đạt 10.436 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh mẽ hơn 62% so với cùng kỳ năm 2020.
Để đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng như vậy một phần nhờ sự sáng tạo và năng lực quản lý của toàn thể Ban lãnh đạo Tập đoàn. Trong đó, đến 40% lãnh đạo là nữ nắm vai trò tích cực đóng góp vào chiến lược phát triển bền vững của An Phát Holdings.
Bên cạnh những chia sẻ về vai trò của phụ nữ trong hoạt động thương mại, bà Nguyễn Thị Thu Hương cũng cho biết một số thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu trong đại dịch Covid-19 và sự hỗ trợ tích cực của cơ quan Hải quan trong hoạt động xuất, nhập khẩu.
Hà Lan