Chủ nhật, 24/11/2024 05:18 (GMT+7)
Thứ sáu, 29/04/2022 13:00 (GMT+7)

Ao, hồ bị "bức tử" giữa Thủ đô: Những câu chuyện buồn (Bài 2)

Theo dõi KTMT trên

Ngoài việc bị san lấp để phục vụ cho các hoạt động xây dựng, gắn liền với phát triển kinh tế, nhiều ao hồ tại Hà Nội đang bị “bức tử” bởi hoạt động san lấp, lấn chiếm trái phép của một số cá nhân, tổ chức.

Ao, hồ bị "bức tử" giữa Thủ đô: Những câu chuyện buồn (Bài 2) - Ảnh 1

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng san, lấp hồ ao, lấn sông, lấn chiếm, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đang diễn ra ngày càng phổ biến, phức tạp và chưa được kiểm soát chặt chẽ. Việc này uy hiếp đến sự ổn định, an toàn, khiến các nguồn nước ngày càng bị suy thoái, cạn kiệt, giảm khả năng cấp nước dân sinh.

Ao, hồ bị "bức tử" giữa Thủ đô: Những câu chuyện buồn (Bài 2) - Ảnh 2

Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều ao, hồ nhất cả nước. Mỗi ao, hồ đều có vẻ đẹp và giá trị lịch sử riêng biệt, làm nên một phần hồn cốt của Thăng Long nghìn năm văn hiến, đồng thời cũng là điểm nhấn khác biệt thu hút du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh các giá trị về văn hóa, ao, hồ Hà Nội còn có vai trò vô cùng quan trọng trong tạo lập môi trường sống, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ và hiệu ứng nhà kính ngày một gia tăng, ao, hồ cùng với hệ thống cây xanh quanh hồ được ví như "lá phổi xanh" giúp làm mát, thanh lọc không khí, giảm bụi, giảm tiếng ồn, giảm bức xạ của mặt trời... Do đó, việc đảm bảo diện tích ao hồ của Thủ đô không bị sụt giảm rất quan trọng. Đây không chỉ là câu chuyện của chính quyền các cấp mà còn là trách nhiệm của cộng đồng.

Ao, hồ bị "bức tử" giữa Thủ đô: Những câu chuyện buồn (Bài 2) - Ảnh 3
Hồ Ngòi Cầu Trại đang bị lấn chiếm. Ảnh: Nguyễn Cường

Trên thực tế, dưới tác động của con người và quá trình đô thị hóa, diện tích ao, hồ của Thủ đô đang ngày càng bị thu hẹp. Vai trò "lá phổi xanh" điều hòa của thành phố cũng vì thế mà suy giảm. "Cơn lốc bê tông hóa" khiến nhiều ao hồ biến dạng, thậm chí là xóa sổ trên bản đồ.

Ngoài việc bị san lấp để phục vụ cho các hoạt động xây dựng, gắn liền với phát triển kinh tế, nhiều ao hồ của Hà Nội đang bị “bức tử” bởi hoạt động san lấp, lấn chiếm trái phép của một số cá nhân, tổ chức.

Theo thống kê gần đây nhất của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn Thủ đô hiện chỉ còn lại 111 hồ với tổng diện tích 1.165 ha. Nhiều diện tích ao hồ đã bị san lấp và lấn chiếm. Chỉ trong vòng hơn 30 năm, tính từ 1990 trở lại đây, tại Hà Nội đã có tới 21 hồ bị xóa sổ, hơn 150 ha diện tích mặt nước hồ "bốc hơi".

Ao, hồ bị "bức tử" giữa Thủ đô: Những câu chuyện buồn (Bài 2) - Ảnh 4
Diện tích thực tế của hồ còn rất ít do bị lấn chiếm. Ảnh Nguyễn Cường. 

"Hệ quả nhãn tiền" mà ai cũng có thể thấy đó là môi trường sống, không gian sống của người dân Thủ đô bị ảnh hưởng. Giữa cuộc sống đô thị hối hả, đôi khi con người cần một chỗ để có thể hít sâu, thở nhẹ, sống chậm lại và phóng tầm mắt ra xa. Nhưng, thứ đập vào mắt họ là những ngôi nhà bê tông chọc trời hoặc những bãi rác, những căn nhà tạm bợ mọc ra từ ven hồ.

Diện tích ao hồ bị thu hẹp cũng làm giảm khả năng tiêu thoát, điều hòa nước mưa của đô thị, khiến tình trạng ngập úng lan rộng. Đã có thời gian người dân Hà Nội quen với cảnh "cứ mưa là lụt".

Mặc dù Thành phố Hà Nội đã đưa ra hàng loạt biện pháp quyết liệt để bảo vệ ao hồ nhưng dường như những biện pháp quyết liệt ấy không chống lại được sự cám dỗ của "cơn sốt đất".

Ao, hồ bị "bức tử" giữa Thủ đô: Những câu chuyện buồn (Bài 2) - Ảnh 5

Hồ nước lớn nhất trong nội thành Hà Nội là Hồ Tây cũng không thoát được "cơn lốc bê tông hóa". Trước đây, hồ rộng tới hơn 500 ha, nhưng sau khi kè bờ để làm đường (năm 2010), nay chỉ còn khoảng 460 ha.

Hay như hồ Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội), khoảng thập niên 90 của thế kỷ trước, hồ rộng mênh mông, nước trong veo. Người dân quanh hồ Hạ Đình còn có thể canh tác rau muống trên mặt hồ để tăng thu nhập.

Thế nhưng, theo thời gian hồ bị thu hẹp để xây dựng trường học, đường giao thông và có không ít diện tích do người dân lấn chiếm. Nước trong hồ cũng bị ô nhiễm dần, rau muống hồ Hạ Đình đến nay không còn nữa.

Ao, hồ bị "bức tử" giữa Thủ đô: Những câu chuyện buồn (Bài 2) - Ảnh 6

Hồi cuối năm 2021, gần 100 hộ dân thuộc tổ 11, 12 (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) đã gửi đơn kêu cứu, phản đối và tha thiết xin giữ lại 2 hồ tự nhiên Xuân Quế và Sơn Thủy (hồ Bà Đồ) có diện tích 12.000m2, đang bị san lấp lấy mặt bằng để phân lô bán nền.

Tuy nhiên, khoảng đầu tháng 3/2022, một số đơn vị thuộc quận Long Biên đã lắp đặt máy bơm, huy động xe chuyên dụng, máy ủi để tiến hành hút nước và lấp hồ tạo mặt bằng.

Chứng kiến hồ Bà Đồ vốn là lá phổi xanh của cụm dân cư tổ 11, 12 sắp bị "khai tử", những người dân không khỏi tiếc nuối và đã tiếp tục làm đơn kêu cứu, kiến nghị và tập trung tại khu vực san lấp để phản đối.

Các hộ dân tại đây cho biết, trong bối cảnh quỹ đất công, không gian xanh ngày càng thu hẹp vì đô thị hóa, hồ tự nhiên càng trở nên quý giá, giúp cân bằng sinh thái cho các khu dân cư. Việc đánh đổi hồ nước, công viên, cây xanh để lấy mặt bằng làm khu đô thị, dự án thương mại hay việc lấp hồ tự nhiên cũ làm hồ mới đang khiến người dân cảm thấy bức xúc và lãng phí.

Ao, hồ bị "bức tử" giữa Thủ đô: Những câu chuyện buồn (Bài 2) - Ảnh 7

Theo ông Bùi Dương - Phó Chánh văn phòng HĐND-UBND quận Long Biên, việc san lấp hồ Bà Đồ được Chủ đầu tư là quận Long Biên giao cho UBND phường Ngọc Thụy phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận tiến hành triển khai. Việc lấp hồ nhằm thực hiện dự án "hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất".

Để triển khai dự án buộc phải tiến hành san lấp, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống điện, nước và đèn chiếu sáng. Do vậy buộc phải thu hồi mặt bằng mới có thể triển khai thực hiện.

Trước phản ứng gay gắt của các hộ dân, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Long Biên đã quyết định tạm dừng việc san lấp hồ Bà Đồ để đối thoại với người dân.

Số phận của hồ Bà Đồ đến nay vẫn còn đang bỏ ngỏ, nhưng có thể thấy được rằng, người dân Thủ đô đã dần nhận ra tầm quan trọng của ao hồ đối với không gian sống và môi trường sống. Không thể vì sức hấp dẫn của việc kinh doanh bất động sản mà đánh đổi ao hồ lấy nhà cao tầng, khu đô thị.

Ao, hồ bị "bức tử" giữa Thủ đô: Những câu chuyện buồn (Bài 2) - Ảnh 8

Ngoài việc bị thu hẹp do hệ quả của quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa, diện tích ao hồ của Hà Nội đang mất dần bởi hoạt động san lấp, lấn chiếm trái phép của các cá nhân, tổ chức.

Hồ Ngòi Cầu Trại nằm trên địa bàn giáp ranh giữa quận Nam Từ Liêm và Hà Đông. Trước đây, vốn dĩ là một đoạn ngòi được lấp dần và trở thành một hồ dài. Hồ nằm giữa chung cư cao cấp Mulberry Lane và khu đô thị Làng Việt kiều châu Âu. Quanh hồ đã được kè cẩn thận cùng với đường nhựa chạy quanh 2/3 chu vi.

Ao, hồ bị "bức tử" giữa Thủ đô: Những câu chuyện buồn (Bài 2) - Ảnh 9
Tình trạng san lấp, lấn chiếm trái phép vẫn diễn ra ở hồ Ngòi Cầu Trại.

Tuy nhiên, hiện nay một nửa hồ đã không còn nước. Hai nửa bị ngăn cách bởi một con đường đất và phế thải. Mặt hồ tiếp giáp khu dân cư khang trang dù có đường và kè vẫn bị lấn chiếm công khai. Mép kè cũ lùi xa mép nước từ 5 - 7 m, trên đó là hàng loạt quán nước vỉa hè, quán cà phê, chòi câu cá, tiệm rửa xe... thoải mái hoạt động.

Phía hồ cạn nước, tình trạng lấn chiếm còn khủng khiếp hơn. Hàng chục căn nhà cấp bốn có cả công trình phụ phủ kín phía ngoài, lòng hồ bị xẻ lô trồng rau và đổ phế thải.

"Với tốc độ lấn chiếm hiện tại, có lẽ chỉ trong vòng vài năm tới thì một nửa hồ Ngòi Cầu Trại sẽ mất hẳn, nhường chỗ cho một "xóm liều" mới mọc lên. Năm 2021, cộng đồng dân cư Mulberry Lane đã ký đơn tập thể gửi các cấp chính quyền đề nghị ngăn chặn những hành vi lấn chiếm hồ.

Sau đó, dù cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng tình trạng lấn chiếm, đổ thải vẫn diễn ra hàng ngày", bà Lê Thị Phương (55 tuổi, cư dân Mulberry Lane) lo lắng.

Ngay ở trong nội thành Hà Nội, Dự án cải tạo hồ Linh Quang (phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội) đã có từ lâu, một số đoạn đã có cắm cọc, thực hiện cải tạo nhưng nhiều năm vẫn giậm chân tại chỗ. Tình trạng xâm lấn hồ vẫn diễn ra, khiến người dân vô cùng bức xúc.

Ao, hồ bị "bức tử" giữa Thủ đô: Những câu chuyện buồn (Bài 2) - Ảnh 10
Hồ Linh Quang ngổn ngang, ô nhiễm.

Không biết chính quyền xử lí thế nào mà việc cải tạo hồ Linh Quang mãi không xong, hơn chục năm nay rồi. Trước cũng thấy có đơn vị mang máy móc đến làm, hút nước xây kè xung quanh nhưng được một thời gian lại nghỉ, gần đây thì không thấy ai làm nữa.

Mấy hộ quanh đây ngày nào cũng phải ngửi mùi hôi thối từ hồ bốc lên, nhiều người ý thức kém còn đến đổ rác bừa bãi ở đây, mất vệ sinh. Đó là chưa kể đến tình trạng lấn chiếm lòng hồ vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ", một người dân phường Văn Chương băn khoăn.

Về phía chính quyền, ông Trần Hoàng - Chủ tịch UBND phường Văn Chương cho biết, dự án bị chậm tiến độ là do chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB-PV), có 17/208 hộ dân chưa nhận tiền và chưa bàn giao mặt bằng, công tác bố trí nhà tái định cư chưa ổn thoả. Việc bàn giao không liền tuyến, ngắt quãng, không có đường thi công nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn, hiện còn khoảng 200m kè và đường chưa thể thi công được.

Được biết, dự án cải tạo Hồ Linh Quang có từ năm 2004, nhưng do thiếu nguồn vốn nên phải tạm dừng. Năm 2016, dự án được thành phố bố trí vốn và tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, giá đất hàng năm có nhiều thay đổi, cùng những kiến nghị, thắc mắc về chế độ, chính sách GPMB nên dự án chậm tiến độ, kéo dài.

Ở ngoại thành Hà Nội, ngay sát khu đô thị Đặng Xá (xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội), nơi mà người dân địa phương gọi là ao Kim Âu cũng đang đứng trước nguy cơ bị "xóa sổ" khỏi bản đồ do hoạt động đổ thải, san lấp trái phép.

"Thi thoảng có những đoàn xe chở rác thải xây dựng về đây (ao Kim Âu - PV) đổ, 3/4 diện tích ao đã bị lấp bởi rác thải xây dựng và cả rác thải sinh hoạt, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị", ông Đặng Xuân Lâm (60 tuổi, cư dân khu đô thị Đặng Xá) cho hay.

Ngoài những địa điểm được đề cập đến trong bài viết, vẫn còn hàng chục ao hồ của Hà Nội đang bị "bức tử" do các hoạt động kinh tế, do các hoạt động san lấp, lấn chiếm trái phép, đe dọa trực tiếp đến không gian sống và môi trường sống của người dân Thủ đô. Bảo vệ diện tích ao hồ cần sự nỗ lực chung tay của các cấp, ngành và cả người dân.

Mới đây, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường nhận được thông tin phản ánh của người dân về tình trạng san lấp, lấn chiếm lòng hồ Đà Sen (thôn Hòa Lạc, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội).

Ghi nhận thực địa cho thấy, hồ Đà Sen đã bị chia làm hai do hoạt động san lấp, lấn chiếm gây mất cảnh quan, ảnh hưởng đến chức năng của hồ. Không những thế, cá nhân vi phạm còn xây tường bao, lấn vào phần lòng hồ.

Ao, hồ bị "bức tử" giữa Thủ đô: Những câu chuyện buồn (Bài 2) - Ảnh 11

Theo người dân thôn Hòa Lạc, hồ Đà Sen có tổng diện tích khoảng hơn 3 ha. Hồ có chức năng là hồ điều hòa nguồn nước, cải thiện môi trường sống của người dân trong thôn. Phần diện tích lấn chiếm lòng hồ nằm trên phần đất của gia đình ông Đỗ Anh Minh.

Hành động tự ý san lấp, lấn chiếm lòng hồ Đà Sen của gia đình ông Minh khiến người dân cảm thấy vô cùng bức xúc. 

"Hồ Đà Sen có vị trí khá đắc địa, nằm gần quốc lộ 21, cũng vì thế mà giá đất ở đây đang ngày một tăng cao. Những miếng đất xung quanh hồ đều được chia ra theo từng lô vuông vức, còn có cả đường nhựa. Có lẽ chính vì thế mà người ta bất chấp pháp luật, tự ý lấn chiếm, san lấp lòng hồ để trục lợi", ông H. (46 tuổi, xã Bình Yên, Thạch Thất) cho hay.

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Lê Văn Mão, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Yên xác nhận có việc san lấp, lấn chiếm diện tích mặt bằng hồ Đà Sen của hộ gia đình ông Đỗ Anh Minh.

UBND xã đã lập biên bản yêu cầu hộ gia đình tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm trả lại hiện trạng ban đầu. Được biết, ông Minh cam kết với chính quyền xã, đến ngày 26/4 sẽ phải tháo dỡ hết toàn bộ công trình. Nhưng ở thời điểm hiện tại, phần lấn chiếm lòng hồ Đà Sen vẫn còn đó.

"Chính quyền xã đang phối hợp với UBND huyện và công an huyện Thạch Thất để xử lý hành vi vi phạm của gia đình ông Minh", ông Mão cho biết thêm.

Ao, hồ bị "bức tử" giữa Thủ đô: Những câu chuyện buồn (Bài 2) - Ảnh 12

Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, những năm qua các chính sách cụ thể, việc cải tạo và hiệu quả trong công tác bảo vệ ao hồ vẫn chưa được nâng cao. Kết quả là nhiều ao hồ còn bị ô nhiễm, tiếp tục bị lấn chiếm. Thậm chí đến bây giờ vẫn bị lấn chiếm mà chưa có phương án để giải quyết dứt điểm.

Ao, hồ bị "bức tử" giữa Thủ đô: Những câu chuyện buồn (Bài 2) - Ảnh 13

"Phải mặc lại áo cho ao, hồ. Nói cụ thể hơn là cần phải quan tâm hơn, bảo vệ ao hồ không bị ô nhiễm, cải tạo lại tránh để nhếch nhác đến khuôn mặt của ao hồ, cũng là của chung thành phố. Bởi giá trị của ao hồ là vô cùng lớn lao đối với người dân đô thị. Ao hồ như những "lá phổi" của thành phố", ông Đăng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Mạng lưới Bảo tồn Nguồn nước Việt Nam nhận định, ao hồ, các thủy vực nói chung cùng với công viên cây xanh được xem là lá phổi xanh của thành phố. Nhưng với diện tích ao hồ còn lại của Hà Nội, gần như chúng không còn đáp ứng được vai trò là "lá phổi xanh" như chúng ta mong muốn.

Ao, hồ bị "bức tử" giữa Thủ đô: Những câu chuyện buồn (Bài 2) - Ảnh 14

"Ô nhiễm không khí đang lên ở mức cao, tới mức báo động đỏ nhưng lại đang rất thiếu không gian xanh, mặt nước để điều hòa không khí, giảm mức ngột ngạt cho đời sống đô thị. Phải đến một nửa số hồ đã bị lấp hoàn toàn. Những hồ còn lại, diện tích ngày càng bị thu hẹp do bị lấn chiếm hoặc kè bờ. Đô thị hóa cũng như sự đổ bộ của bê tông đã lấy đi rất nhiều thứ của hồ nước, ở cả khía cạnh tự nhiên lẫn cảm xúc, văn hóa", PGS.TS Trương Mạnh Tiến trăn trở.

Thực hiện: Nhóm PV
Đồ họa: Thế Hiệp

Bạn đang đọc bài viết Ao, hồ bị "bức tử" giữa Thủ đô: Những câu chuyện buồn (Bài 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới