Áp dụng mô hình Kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu: Doanh nghiệp Việt cần làm gì?
"Hiện tại, giới đầu tư cũng yêu cầu tính bền vững trong các doanh nghiệp như là một yếu tố bắt buộc. Do đó, khi phát triển một doanh nghiệp, điều đầu tiên cần phải nghĩ tới chính là yếu tố tuần hoàn", GS. Timber Haaker.
Chia sẻ tại "Khóa đào tạo Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp", GS. Timber Haaker - Trưởng Nhóm nghiên cứu Mô hình kinh doanh, Kinh tế tuần hoàn (Trường Đại học Khoa học ứng dụng Saxion - Hà Lan) cho rằng, nếu xem xét ở góc độ vĩ mô, các doanh nghiệp có vai trò biến mô hình kinh tế tuần hoàn thành sự thật. Ở cấp độ chính sách, cần có sự kết hợp giữa doanh nghiệp với mô hình kinh tế tuần hoàn.
"Mô hình kinh tế tuần hoàn là một phần trong phát triển bền vững. Sự bền vững là khái niệm mà Liên Hợp quốc đưa ra từ năm 1987, đó là đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không đánh đổi nhu cầu trong tương lai. Nước sạch, khí hậu đều liên quan tới kinh tế tuần hoàn. Tính cấp thiết của kinh tế tuần hoàn được nâng lên một tầm cao mới khi mà đến năm 2020, chúng ta đang sử dụng nhiều nguồn lực hơn những gì Trái Đất có thể đáp ứng", ông Timber Haaker nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia đến từ Trường Đại học Khoa học ứng dụng Saxion, do tình hình chính trị trên thế giới còn nhiều biến động, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khiến cho chuỗi cung ứng trên toàn cầu gặp khó khăn. Do vậy, việc sử dụng nguyên, nhiên liệu sẵn có hoặc tái chế để sử dụng được ưu tiên, và đây cũng chính là yếu tố thuận lợi trong việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Theo thống kê, lượng rác thải điện tử toàn cầu ước tính lên tới 49 triệu tấn, lượng chất thải này nếu được tái chế sẽ có giá lên tới 63 tỉ USD. Trong khi đó, có đến 80% lượng rác thải điện tử chưa được tái chế, chúng đang được đưa ra bãi chôn lấp và chưa được xử lý. Không lâu nữa, EU sẽ triển khai sáng kiến về sản phẩm bền vững, đây sẽ là một bước tiến lớn. Nếu các công ty của Việt Nam muốn xuất khẩu sang thị trường EU sẽ phải định hướng lại sản phẩm của mình.
GS. Timber Haaker lưu ý, các công ty không nên chỉ tập trung vào lợi nhuận mà còn phải xem xét khía cạnh đóng góp được gì cho xã hội, ý tưởng, tâm thế và trách nhiệm với môi trường, xã hội là rất quan trọng. Ngoài ra, cần đảm bảo tính tuân thủ pháp luật liên quan đến kinh tế tuần hoàn.
Xu hướng của thế giới đang tạo áp lực lên các doanh nghiệp sản xuất, đặt ra vấn đề làm sao để sản xuất ra những sản phẩm có tính bền vững. Có rất nhiều những áp lực như vậy ở châu Âu.
"Hiên tại, giới đầu tư cũng yêu cầu tính bền vững trong các doanh nghiệp như là một yếu tố bắt buộc. Do đó, khi phát triển một doanh nghiệp, điều đầu tiên cần phải nghĩ tới chính là yếu tố tuần hoàn.
Duy trì giá trị tốt nhất, gia tăng chất lượng sản phẩm, đồng thời tạo ra vòng đời của sản phẩm, đó là ý tưởng của kinh tế tuần hoàn. Tức là tuần hoàn giá trị của sản phẩm, và một phần trong đó là tái chế. Mục tiêu của kinh tế tuần hoàn là giảm thiểu việc bỏ đi quá nhiều sản phẩm, sử dụng ít vật liệu nguyên sinh, tăng cường tính hiệu quả của việc sử dụng, cân nhắc vòng đời của sản phẩm.
Tính tuần hoàn là vấn đề nóng, có nhiều người cổ vũ cho mô hình kinh tế tuần hoàn, mặt khác cũng có những học giả quan ngại về vấn đề thời gian, làm sao để rút khoảng cách giữa các nền kinh tế một cách nhanh nhất", GS. Timber Haaker phân tích.
Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn (KTTH) cho doanh nghiệp
Nhằm cung cấp kiến thức về KTTH, các chính sách của Chính phủ về phát triển KTTH và các yêu cầu về thương mại bền vững của các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) với sự hỗ trợ từ Chính phủ Hà Lan sẽ tổ chức Chương trình "Tăng cường năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2022".
Chương trình có ba hoạt động chính gồm: Tổ chức khóa đào tạo Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp; Chọn 02-03 doanh nghiệp để tham gia chương trình hỗ trợ sau đào tạo, trong 04 tháng; Cung cấp tài liệu hướng dẫn thiết thực để chuyển đổi và thực hiện các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn.
Khóa đào tạo Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp tại Hà Nội do Viện Chính sách Kinh tế môi trường - Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tổ chức với nội dung cụ thể như sau:
Ngày 30/6:
8h30-9h00: Khai mạc chương trình
9h00 – 11h30: Giới thiệu về Mô hình kinh tế tuần hoàn và hướng dẫn thiết kế mô hình kinh tế tuần hoàn (Do chuyên gia Đại học Saxion giới thiệu).
14h00 – 15h30: Lợi ích từ Kinh tế tuần hoàn với doanh nghiệp (TS Nguyễn Công Thành, Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc Dân) .
15h30 – 17h00: Một số điểm mới của Luật bảo vệ môi trường 2020 về áp dụng mô hình Kinh tế tuần hoàn tại Doanh nghiệp (Luật sư Hà Huy Phong).
Ngày 1/7:
8h30 – 9h30: Hướng dẫn về Bộ công cụ kinh tế tuần hoàn và cách thức xây dựng (Chuyên gia Đại học Saxion giới thiệu).
9h35 – 11h30: Chính sách và khuôn khổ pháp lý về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam (TS Lại Văn Mạnh – ISPONRE).
14h00 – 15h: Một số thuận lợi và khó khăn trong quá trình áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam (PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện Chính sách Kinh tế Môi trường).
15h00 – 17h30: Một số nội dung về mô hình phát triển bền vững (PGS.TS Nguyễn Danh Sơn).
Ngày 2/7:
Tham quan mô hình kinh tế tuần hoàn tại Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền, TP. Hải Phòng.
Khánh Ly